Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT: Từ thông điệp mạnh mẽ đến quyết sách lớn

Từ thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đến hàng loạt quyết sách lớn đã được thông qua hoặc đề xuất hứa hẹn sẽ làm thay đổi lớn diện mạo của ngành GD&ĐT những năm tới.

Từ thông điệp mạnh mẽ...

Phần phát biểu dài gần 1 giờ đồng hồ của người đứng đầu ngành giáo dục phát đi tại Hội nghị Kế hoạch Ngân sách năm 2013 gần một năm trước tại Hà Nội như một thông điệp mạnh mẽ cho quyết tâm đổi mới của ngành từ năm 2013. "Nếu Vụ Kế hoạch Tài chính không xây dựng, đổi mới chính sách cấp kinh phí thì sẽ nhân sự phải thay đổi. Chúng ta phải nghĩ khác, làm có trách nhiệm, sáng tạo, đừng chỉ tư duy "tôi làm không sai”. Nếu không làm được sẽ không đổi mới được...” - lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Đổi mới giáo dục: Từ thông điệp mạnh mẽ đến hành động quyết liệt

Đổi mới giáo dục: Từ thông điệp mạnh mẽ đến hành động quyết liệt

Tại đây, ngoài việc đốc thúc nhân sự dưới quyền là Vụ Kế hoạch Tài chính phải thay đổi, "nếu không thay đổi thì nhân sự của Vụ cũng phải thay đổi” - người đứng đầu ngành GD&ĐTđề nghị các cơ sở đào tạo, các trường ĐH, CĐ "sử dụng cho hết quyền tự chủ của mình. Nhiều trường đã được trao quyền tự chủ đã cao tương đương với những trường ĐH trên thế giới nhưng không thấy tự hào, không có chút trách nhiệm nào”. Liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Bộ trưởng Luận cho biết: Qua kiểm tra có nhiều trường tuyển vượt rất nhiều. "Vi phạm đang trở thành phổ biến, tràn lan. Xử phạt 50 triệu, 80 triệu đồng các trường vẫn ung dung vì "có lãi”. Năm nay, Bộ sẽ kỷ luật hiệu trưởng ngoài việc phạt hành chính”.

Đến hành động quyết liệt

Chỉ một ngày sau thông điệp này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga có văn bản dừng 161 chương trình thạc sĩ gửi các cơ sở đào tạo. Hai ngày sau, Bộ GD&ĐT tiếp tục có văn thông báo đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội dừng tuyển sinh thạc sĩ từ năm 2013 đối với 9 cơ sở đào tạo thạc sĩ. Lý do các cơ sở này bị dừng tuyển sinh là do không hoàn thành công tác báo cáo theo quy định. Tiếp đó, đến giữa năm nay, Bộ có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 190 triệu đồng và Quyết định dừng tuyển sinh 2013 đối với Trường Cao đẳng ASEAN (dù sau đó vào tháng 9 trường này lại được phép tuyển sinh lại).

Trước việc nhiều năm các trường ồ ạt tuyển sinh, không xét đến năng lực thực tế, điểm đầu vào thấp, đến năm 2013 gần như không ĐH-CĐ nào được xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn năm 2012. Về cơ chế tự chủ, cuối tháng 11-2013, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Sang năm 2014 dự kiến tổ chức thí điểm tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực. Theo đó, thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp với 10 năng lực cốt lõi trong thời gian 4,5 giờ.

Còn theo lời Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ tuyển sinh 2014 Bộ sẽ cho một số trường được tự chủ tuyển sinh. Và mới đây nhất, ngày 12-12, để tạo điều kiện cho các trường tự chủ tuyển sinh, dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT cho biết: Các trường ĐH sẽ được tuyển sinh 2 lần trong năm. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Sau 3 năm nữa sẽ chấm dứt thi "3 chung” vì vậy tất cả các trường phải có phương án tuyển sinh riêng và phải đảm bảo chất lượng đầu vào.

Và đề án lay chuyển nền giáo dục

Sự kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã nhất trí thông qua Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&ĐT có ý nghĩa quyết định, và cũng là sự kiện trọng đại trong năm của ngành giáo dục. Bộ trưởng Luận cho rằng: Lần này xác định có một sự thay đổi khác hẳn, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới. Đó là sự thay đổi khác.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới đây cho biết, đổi mới lần này là sự thay đổi căn bản: Cách thức, tư duy sẽ khác, vị trí của người thầy sẽ khác. Vai trò và nhiệm vụ của người học sẽ khác. Phương pháp học, kiểm tra, đánh giá sẽ khác. Như vậy, chúng ta phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn là "máu thịt” của nhiều thế hệ học sinh, thầy cô giáo sang cách làm mới. Dù vẫn còn những băn khoăn, trăn trở của nhiều trí thức, nhà khoa học nhưng đây được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà sang một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Theo tác giả Bình An, báo Đại Đoàn Kết, link gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1423&chitiet=73279&Style=1