>> Giáo dục, tuyển sinh, đào tạo, tuyển sinh đại học

Góp ý cho Đề án đổi mới và toàn diện nền giáo dục đào tạo, ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng sáng lập Trường ĐH Phan Châu Trinh, người đã có 10 năm làm tư vấn tuyển sinh cho trường ĐH lừng danh Havard (Mỹ) cho biết, hệ thống giáo dục chúng ta lạc hậu, lúng túng, nhưng đây là cơ hội tốt để đổi mới.

Liên quan tới Đề án đổi mới giáo dục, PV có cuộc phỏng vấn đối với ông Trần Đức Cảnh, qua trao đổi ông Cảnh khẳng định: “Vấn đề giáo dục của đất nước bộc lộ hiện nay, đã bắt đầu từ những nguyên nhân sâu xa, số lượng nhà giáo tăng nhanh và chất lượng giảm chỉ là một phần của câu chuyện. Để đề án đổi mới toàn diện giáo dục muốn được hiệu quả thì trước tiên phải hiểu và giải quyết được cái gốc của vấn đề”.

Quyết liệt và triệt để

- PV: Ông đánh giá thế nào về Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo của Bộ GD&ĐT? Nhìn vào Đề án này ông có hy vọng gì về đổi mới giáo dục?

- Ông Trần Đức Cảnh: Về các vấn đề được nêu ra trong Đề án Giáo dục, là những vấn đề hiện nay cả xã hội đang quan tâm, theo tôi tương đối là ổn. Nhưng về kế hoạch thực hiện cụ thể thì có lẽ còn nhiều việc cần bàn và tranh luận. Tiếng Anh có câu “con quỷ nó nằm ở trong phần chi tiết”.

So với các nước trong khu vực, giáo dục Việt Nam còn rất lạc hậu và lúng túng trong lối ra. Dù đã chậm, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội tốt còn lại để thay đổi, cần cân nhắc kỹ các đề nghị, và có lộ trình và thời gian thực hiện đề án đổi mới. Và phải làm triệt để, nếu chỉ thay đổi mới nửa mùa đôi khi còn tệ hại hơn là không thay đổi. ==> Đề án đổi mới giáo dục

Một trong 6 yếu kém của Đề án chỉ ra rằng, nguyên nhân làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của đất nước chính là chất lượng giáo dục còn thấp, có quan điểm cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực thấp bắt nguồn từ kinh tế chậm phát triển?

Ông Trần Đức Cảnh: Hai vấn đề này tương quan chặt chẽ với nhau. Ở các quốc gia phát triển, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phải gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội theo nghĩa rộng.

Những nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực cấp quốc gia hay khu vực mang tính hàn lâm hay tính ứng dụng của các trường đại học, trung tâm hay nhóm nghiên cứu uy tín, thường được mổ xẻ, phân tích, tranh luận thường xuyên trên các tập san khoa học, diễn đàn hay trong các hội thảo về đề tài phát triển nguồn nhân lực.

Các trường đại học, trung tâm đào tạo tự nghiên cứu và tham khảo các tài liệu cần thiết để lập kế hoạch cho riêng mình, xem đây như là một nghiên cứu thị trường cho định hướng phát triển của mình.

Một khi kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội trong chu kỳ 10 đến 25 năm còn quá nhiều bất cập, thì rất khó định hướng và kế hoạch nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Thêm vào đó là kế hoạch tập trung của Bộ GD&ĐT qua việc cấp chỉ tiêu cho các trường đại học, cao đẳng hằng năm, còn mang tính chủ quan.

Vấn đề chính hiện nay không phải là bắt đầu từ chất lượng nguồn nhân lực thấp hay kinh tế chậm phát triển, mà là một định hướng phát triển kinh tế, xã hội ngắn và dài hạn được nghiên cứu và phân tích bài bản, có sự đồng thuận và tin tưởng lớn trong xã hội.

đề án giáo dục

Giảm sinh viên trường công lập để tăng chất lượng đào tạo

Chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hình Pyramic, theo hướng và kế hoạch phát triển (nhu cầu) kinh tế/xã hội trong chu kỳ 10 đến 30 năm. Mô hình có thể áp dụng cho nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, trí thức... Hay chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp/trí thức như Việt Nam, trong một chu kỳ nhất định.

-  Đội ngũ nhà giáo được đánh giá là phát triển nhanh về số lượng nhưng lại bất cập về chất lượng, về cơ cấu, thiếu động lực tự học và tự đổi mới. Với kinh nghiệm của mình ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Ông Trần Đức Cảnh: Vấn đề giáo dục của đất nước bộc lộ hiện nay, đã bắt đầu từ những nguyên nhân sâu xa, số lượng nhà giáo tăng nhanh và chất lượng giảm chỉ là một phần của câu chuyện. Để đề án đổi mới toàn diện giáo dục  được hiệu quả thì trước tiên phải hiểu được cái gốc của vấn đề.

Quan trọng nhất là xác định đúng mục tiêu đặt ra và thiết kế được “động cơ” hướng tới của giới nhà giáo và học sinh, sinh viên trong thời đại hội nhập và phát triển đất nước. Điển hình động cơ chính đáng của nhà giáo là đồng lương tương xứng để bảo đảm cuộc sống; môi trường giảng dạy thông thoáng để phát huy sáng tạo và tiềm năng; được học trò và xã hội quý trọng.

Nếu hệ thống sử dụng tốt người có khả năng thì đó là động cơ lớn cho người người học, và tinh thần cầu tiến; còn nếu công việc phần lớn chỉ có được qua quan hệ riêng, hoặc chỉ dựa vào bằng cấp để vào cửa, bất chấp khả năng, thì động cơ học hành dễ biến thành tiêu cực.

Giảm sinh viên trường công xuống 50% và thấp hơn

- Thưa ông, ngân sách cho giáo dục của chúng ta hiện nay chỉ có 20%, trong khi đó rất nhiều loại hình trường “bấu víu” vào đây, đặc biệt là các trường công lập. Ông đã từng làm việc ở nước ngoài nhiều năm, ông thấy rằng có nhất thiết nhà nước phải chi thường xuyên ngân sách cho giáo dục công nữa không?

- Ông Trần Đức Cảnh: Theo ước tính thì Việt Nam chi tiêu cho giáo dục công khoảng 6.2% của GDP hay 20% ngân sách quốc gia (năm 2013). Với mức chi tiêu cho giáo dục này thì Việt Nam đã lọt vào top 25% các quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục.

Nhưng tại sao chất lượng giáo dục đào tạo lại thấp so với các nước trong khu vực, chưa nói thế giới. Như vậy là hệ thống có vấn đề, thậm chí trầm trọng. Phải chăng sự đánh đồng, chia điều ngân sách giáo dục và chi tiêu không đúng tinh thần và mục tiêu, lãng phí hiện nay là một phần của vấn đề ? Đã đến lúc chúng ta phải đặt ưu tiên ngân sách cho mục tiêu và loại bỏ những chương trình, dự án không quan trọng hay không cần thiết cần thiết.

Ai cũng biết, nếu không đặt ra mục tiêu để hướng tới, thì chúng ta chỉ rề rà với nhau cho hết ngày, hết chuyện thôi. Tổng thống Kennedy đã tuyên bố trong ngày nhận chức Tổng thống năm 1961, rằng cuối thập kỷ 1960, nước Mỹ sẽ đưa người lên cung trăng.  Không ít người lúc đó cho là ảo tưởng. Năm 1968, phi thuyền Appolo 11 đáp an toàn xuống mặt trăng, và Neil Armstrong là người trái đất đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng.

Theo tôi thì nhà nước vẫn phải chi ngân sách cho các trường công hằng năm, để phục vụ mục đích công, vấn đề là chi bao nhiêu và chi như thế nào để các trường có điều kiện phát triển.

Ở Mỹ, chính quyền địa phương cấp toàn bộ ngân sách cho trường công (từ mẫu giáo đến lớp 12), chính quyền bang cung cấp một phần ngân sách cho các đại học công, do đó học phí trường công dành cho sinh viên cư ngụ tại tiểu bang thấp hơn so với sinh viên đến từ các bang khác, hay nước ngoài, một phần tạo điều kiện và sự công bình cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp.

Để có sự đối xử công bình, các trường ngoài công lập (tùy theo mô hình) nên có được những ưu đãi như: được cấp đất miễn phí, không trả thuế thu nhập trường (công ty), được tham gia một cách bình đẵng vào các chương trình và hợp đồng với chính quyền một số đề án như các trường công.

Giảm số sinh viên cao đẳng, đại học ở các trường công từ 87% xuống còn 50%, hay thấp hơn, trong thời gian 20-30 năm, thì số lượng sẽ giảm và chất lượng sẽ tăng, nếu xây dựng được mục tiêu rõ ràng và động cơ hướng tới.

Mặt khác, tăng nguồn vốn vay dành cho sinh viên, hình thức gián tiếp giúp các trường tăng nguồn thu và tăng chất lượng lâu dài. Cơ chế thị trường sẽ dần đào thải các trường kém chất lượng.

Ông Trần Đức Cảnh từng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế và khóa Tham mưu Cao cấp tại Học viện Hành chính John F. Kennedy (Đại học Harvard) và nhiều năm là thành viên Hội đồng Liên trường Đại học vùng Đông Bắc bang Massachusetts.

Gần 40 năm sống, học tập và làm việc tại Mỹ, ông luôn nhiệt tình tham gia các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tại Việt Nam như: chương trình học bổng Fulbright, quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và là cầu nối giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam.

Hiện nay, dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về hệ thống đại học Mỹ cho đối tượng học sinh, sinh viên có nhu cầu du học ở Mỹ.

Theo Báo Giáo dục