Đó là nhận xét của PGS Nguyễn vũ Lương – Hiệu trưởng Trường chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nghệ thuật trong GD-ĐT

Tôi đã  nhìn thấy ngành Giáo dục của chúng ta đã và đang chuyển dần từ giáo dục nội dung sang phát triển năng lực và phẩm chất người học. Đây không chỉ là đơn thuần là đổi mới mà còn là nghệ thuật trong GD-ĐT.

Ngày xưa thế hệ chúng tôi lên lớp đơn thuần chỉ giảng bài, giảng xong là thôi, không nghĩ rằng học trò của mình muốn gì, sau này phục vụ xã hội ra sao và xã hội cần ở học trò những phẩm chất, năng lực nào.

Cho nên hiện nay phương pháp giáo dục mới là chuyển sang tìm cách phát triển năng lực tốt nhất cho học sinh là hoàn toàn đúng đắn. Đây có thể được coi là ưu điểm vượt trội và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay.

Đổi mới giáo dục để học sinh đi học là niềm hạnh phúc

Thời gian qua tôi có đi dự giờ của các thầy cô giáo thuộc nhiều địa phương khác nhau. Qua thực tế cho thấy, các trường, các địa phương đều ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT. Họ đón nhận một cách hồ hởi với một tâm thế hoàn toàn tự tin và sẵn sàng “xắn tay” để cùng với Bộ thực hiện công cuộc đổi mới này.

Nhiều người cứ nói giáo viên của chúng ta có sức ì, ngại đổi mới. Nếu đánh đồng tất cả các giáo viên như vậy thì tôi không đồng ý. Đâu đó cũng có những người này, người kia nhưng đó chỉ là số nhỏ bởi trên thực tế giáo viên rất ham học hỏi, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ. Mà chúng ta cần phải tin vào lớp trẻ. Đất nước phải trông chờ vào thế hệ trẻ.

Thực tế, khi tiếp xúc với đội ngũ giáo viên này tôi thấy họ hăng hái lắm, rất chịu khó học hỏi, trao dồi chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng với yêu cầu đổi mới của Ngành.

Đổi mới để đi học là hạnh phúc

Trong đổi mới giáo dục lần này, mục đích là để học sinh phát huy năng lực cá nhân, các em cảm thấy đi học là hạnh phúc, học để tiến tới thành công. Đáng mừng là chúng ta đang thực hiện được điều đó.

Đơn cử như đổi mới trong thi cử. Trước đây, các kỳ thi thường gây áp lực đối với học sinh và các bậc phụ huynh khiến các em sợ hãi, thậm chí nhiều em còn không muốn đến trường, không muốn tiếp tục đi học. Nhưng nay các kỳ thi sẽ không còn áp lực như vậy nữa.

Liên quan đến đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK), tôi cho rằng, để có một SGK tốt đầu tiên chúng ta phải có một chương trình quy định. Sau khi có chương trình rồi thì chúng mới dựng SGK.

Khi tiến hành dựng SGK thì các thầy giáo giỏi phải biên soạn thành những bài giảng riêng của mình. Cách làm này hiện nay vẫn được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Để làm được bộ SGK tốt, theo tôi chúng ta nên học hỏi cách làm của một số nước tiên tiến, những nước có truyền thống giống với nước mình như: Nhật, Hàn Quốc… Từ đó có thể áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo Báo Giáo dục thời đại, http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-gddt-phu-hop-voi-xu-the-phat-trien-cua-xa-hoi-600337-v.html