Đổi mới đề thi tuyển sinh lớp 10Một tiết ôn tập toán tại Trường THCS Lạc Hồng, Q.10, TP.HCM Ảnh: B.Thanh

Tính lãi suất tiết kiệm, tiền điện, cước taxi…

Theo chủ trương của Sở GD-ĐT TP.HCM, tất cả các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh (HS) để giúp đỡ HS về phương pháp học tập. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ để xem HS học được cái gì mà quan trọng hơn là biết HS học như thế nào, có vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn hay không?
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Trước tiên, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ tiếp tục đổi mới ở 2 môn ngữ văn và toán. Trong đó, môn ngữ văn vẫn tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự, những vấn đề gần gũi với lứa tuổi để HS được bày tỏ chính kiến của mình. Ðề thi hướng đến việc đánh giá năng lực HS gồm 2 phần: Phần đọc - hiểu (gồm các câu hỏi theo các mức độ tư duy nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) và phần tạo lập văn bản (nghị luận văn học và nghị luận xã hội).
Riêng đề thi môn toán sẽ có những câu hỏi gắn với những vấn đề, tình huống của thực tiễn và HS sẽ dùng kiến thức môn học để giải quyết nhằm phát triển năng lực của HS.
Giáo viên Nguyễn Thanh Tịnh, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), chia sẻ: “Theo hướng dẫn của Sở về ôn tập cho HS thì đề thi vào lớp 10 năm nay giảm nhẹ những bài toán khó và thay vào đó là các bài toán thực tiễn. Lâu nay chúng ta quen với các bài toán tính vận tốc, quãng đường, thời gian... thì nay các bài toán như tính lãi suất ngân hàng, tiền điện, tiền nước, cước taxi sẽ được đưa vào đề thi”.
Với hướng ra đề của Sở, ông Tịnh cho biết: “Trước đây, nhiều HS có thái độ bàng quan với cuộc sống, không biết hằng tháng bố mẹ đóng tiền điện, tiền nước ra sao thì nay chắc chắn các em cũng phải quan tâm để giải quyết bài toán thực tiễn”.
Ông Tịnh nhấn mạnh: “Bản thân giáo viên cũng phải nghiên cứu thực tế để giải quyết bài toán. Hiện trong sách giáo khoa không đề cập đến các khái niệm của ngân hàng như lãi đơn, lãi kép, rút trước, rút sau thì nay để ôn tập cho học trò, giáo viên phải tham khảo thêm các thuật ngữ để giải thích cho các em...”.

Thông hiểu kiến thức và năng lực vận dụng

Giáo viên Nguyễn Thanh Tùng, Trường THCS Lạc Hồng (Q.10), cho rằng câu hỏi thực tiễn phải phù hợp với lứa tuổi, nhận thức, có tính phổ quát với đại bộ phận HS. Mức độ yêu cầu của đề bài chỉ nên ở mức áp dụng kiến thức đơn giản khi làm bài chứ không nên đánh đố, đòi hỏi HS phải suy luận phức tạp. Như thế sẽ mất đi tính thực tiễn và phản tác dụng vì tính giáo dục chỉ có khi HS đọc đề bài và hiểu được ý nghĩa của nó.
Để làm tốt bài thi, theo ông Hiếu, HS phải thông hiểu kiến thức và có năng lực vận dụng, biết trình bày, phân tích, tổng hợp, lập luận, có tư duy, sáng tạo. Qua đó, HS sẽ phải khái quát được kiến thức, có phương pháp học tập chủ động và kỹ năng vận dụng những hiểu biết vào thực tế chứ không phải học thuộc lòng như trước đây.
Những dạng bài toán lãi suất tiết kiệm, theo giáo viên Thanh Tịnh, hoàn toàn không có trong sách giáo khoa nên HS cần làm quen với các từ ngữ, quy định như ngân hàng, người vay, kỳ hạn… Ngoài ra, HS nên hiểu các khái niệm lãi suất đơn, lãi suất kép. Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình ôn tập, các HS cũng đã được tiếp xúc với những khái niệm và bài toán kiểu này.
Với những dạng toán nói trên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, HS cần phải có vài bước suy luận. Sau đó dựa trên quan hệ của đề bài, lần lượt làm các bước như lập biểu thức (tỷ số %, quan hệ giữa các đại lượng), lập phương trình, hệ phương trình và giải tìm đáp số. Vì vậy, trong quá trình ôn tập cho tuyển sinh 2016, HS nên xem lại những kiến thức nói trên.

 

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/doi-moi-de-thi-tuyen-sinh-lop-10-698341.html