>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Đề xuất đổi mới đề thi môn ngữ văn của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, thường trực ban soạn thảo chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 - thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thống khẳng định: “Có một số vấn đề mang tính nguyên tắc làm cơ sở cho hướng đổi mới đề thi môn ngữ văn chắc chắn cần phải mạnh dạn quyết định để tiếp cận với tinh thần đổi mới giáo dục (GD) phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đó là việc hạn chế cách ra đề theo lối yêu cầu ghi nhớ máy móc nội dung, kiến thức, học thuộc văn mẫu, đánh đố người học... mà tập trung kiểm tra năng lực vận dụng thông qua kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết, kỹ năng phân tích và trình bày, kỹ năng huy động và vận dụng tổng hợp từ nhiều lĩnh vực các môn học và những hiểu biết xã hội”.

Đổi mới đề thi tốt nghiệp môn văn 2014: Không có yêu cầu nào quá cao

Ông suy nghĩ gì về ý kiến cho rằng cấu trúc đề thi ông đề xuất chỉ phù hợp với đối tượng học sinh giỏi, không phù hợp kiểm tra kiến thức của học sinh đại trà trong kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Nếu cứ nghĩ theo lối mòn dạy học văn, kiểm tra đánh giá cũ thì sẽ thấy đề thi này mới, nhưng thực chất yêu cầu của đề thi theo cấu trúc này đều nằm trong chương trình - SGK phổ thông. Tôi cho rằng không có yêu cầu nào quá cao. Nhiều giáo viên và học sinh cứ nghĩ có cấu trúc đề mới có định hướng ôn tập. Tôi cho rằng đó chỉ phù hợp với tư tưởng và cách dạy học tủ, học vẹt. Còn nếu người dạy, người học thực hiện đúng yêu cầu của chương trình - SGK hiện hành, học sinh ôn tập nghiêm túc thì không cần thiết quan tâm tới cấu trúc đề thi thế nào vẫn đạt kết quả tốt. Vì nguyên tắc ra đề ở đây là bày lên bàn mọi “vật liệu” và học sinh chỉ cần thực hiện, do đó kiểm tra cách thức làm, cách nghĩ là chính, còn một câu hay ba câu không quan trọng. Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi và quyết định số lượng cho phù hợp với thời gian thi.

Đổi mới đề thi tốt nghiệp môn văn 2014: Không có yêu cầu nào quá cao

Đổi mới đề thi tốt nghiệp môn văn 2014: Không có yêu cầu nào quá cao

Nhiều năm qua kêu gọi đổi mới phương pháp dạy học văn của Bộ GD-ĐT vì nhiều lý do khác nhau vẫn không có sự lan tỏa. Với tình hình này, việc đổi mới ngay lập tức có thể khiến thầy, trò bị “sốc”?

- Hướng ra câu hỏi mở gắn với thực tế cuộc sống, câu hỏi nghị luận xã hội đã được ra trong đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ nhiều năm nay. Trong những chỉ đạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Vụ Giáo dục trung học cũng đã nhấn mạnh định hướng ra đề thi sẽ tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn, ra đề mở. Dĩ nhiên ở nơi này nơi khác sẽ vẫn còn tình trạng văn bản chỉ đạo của bộ chỉ đến được cán bộ quản lý và chưa phổ biến thấu đáo tới giáo viên. Nhưng không có nghĩa thực tế bất cập thì không thể đổi mới. Tôi lại nghĩ đổi mới từ khâu kiểm tra, đánh giá là cách tác động mạnh nhất tới phương pháp dạy học. Hội thảo về đổi mới kiểm tra, đánh giá ngày 10-4 này là một dịp để Bộ GD-ĐT lắng nghe góp ý của cán bộ quản lý và chính giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông, từ đó sẽ có quyết định chính thức, phù hợp.

Hai điểm mới trong cấu trúc đề thi văn

Hiện có nhiều ý kiến của giáo viên phổ thông ủng hộ quan điểm đổi mới của Bộ GD-ĐT cũng như đề thi do ông đề xuất, nhưng họ đều cho rằng cần có lộ trình hợp lý, khó có thể làm ngay...

- Tôi đồng ý đổi mới nào cũng cần lộ trình. Việc đổi mới cách ra đề thi môn văn cũng cần có lộ trình. Nhưng thế nào cũng phải có thời điểm bắt đầu, vì thế không có nghĩa là bây giờ ngồi nghiền ngẫm, chuẩn bị 1-2 năm sau mới bắt tay vào làm mà cần đổi mới dần, không chỉ trong các kỳ thi lớn mà trong kiểm tra, đánh giá ở quá trình dạy học. Trên thực tế việc đổi mới ra đề thi với môn ngữ văn trong các năm qua đã làm rồi, và cũng đi theo lộ trình từ từ đấy chứ.

Trong trả lời báo Tuổi Trẻ (ngày 8-4), tôi đã bày tỏ quan điểm về việc “đổi mới từng bước” rồi. Cấu trúc đề thi tôi đề xuất là thể hiện một hướng đổi mới, nhưng thật ra chỉ tập trung ở cách hỏi, còn nội dung đã học trong chương trình, đã làm quen ở các kỳ thi trước. Về nội dung và số lượng câu hỏi, đề văn tôi nêu cũng chỉ là ví dụ minh họa cho yêu cầu đọc hiểu. Như thế cũng không có nghĩa là cứ phải đưa tất cả lượng câu hỏi, với các yêu cầu khác nhau vào đề thi năm nay. Việc đưa lượng nội dung câu hỏi thế nào, tỉ lệ những yêu cầu theo hướng mới ra sao sẽ được thảo luận sâu, tham vấn ý kiến trước khi quyết định cho năm nay và các năm tiếp theo.

Vậy theo ông, nếu hướng ra đề thi như ông đề xuất được Bộ GD-ĐT lựa chọn, những nội dung yêu cầu nào có thể thực hiện được ngay trong năm nay mà không gây ”sốc” cho thầy, trò ở các trường phổ thông?

- Có hai điểm mới ở đề xuất mới mẻ đối với thầy, trò hiện nay. Mới mẻ vì chưa bao giờ được ra trong đề thi các năm trước, đó là yêu cầu đọc hiểu và kiểm tra kiến thức về tiếng Việt. Mặc dù kiến thức, kỹ năng về tiếng Việt học sinh đã được học, nhưng do đề thi các năm trước không hỏi nên giáo viên và học sinh phổ thông không chú trọng ôn tập. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây “sốc”. Kỹ năng đọc hiểu một văn bản bất kỳ để trả lời câu hỏi cũng là cách ra đề mới. Học sinh chỉ được dạy học, ôn tập những tác phẩm trong SGK nên sẽ lúng túng khi phải đọc hiểu một văn bản bất kỳ với văn phong khác nhau. Đây cũng là băn khoăn nhiều nhất của giáo viên sau khi đề xuất được công bố.

Tôi phải khẳng định đọc hiểu không phải vấn đề mới đưa vào mà nằm trong yêu cầu của chương trình hiện hành và có từ tiểu học. Đó là điểm đổi mới rất tiêu biểu của lần biên soạn chương trình - SGK năm 2000, nhưng đáng tiếc việc ra đề thi những năm trước không chú ý tới yêu cầu và cách hỏi này nên các trường phổ thông có thể chưa chú ý rèn luyện. Còn về câu hỏi liên quan tới kiến thức, kỹ năng về tiếng Việt, tôi không nghĩ học sinh học tiếng Việt 12 năm phổ thông mà không thể nhận biết được những câu sai chính tả, lỗi cú pháp rất đơn giản và cơ bản trong một đoạn văn ngắn, hoặc không biết rút ra ý chính của một đoạn văn cho sẵn dù viết về đề tài gì.

Theo tác giả Vĩnh Hà, Tuổi trẻ