Đổi mới cơ chế tự chủ Đại học: Học phí trường tăng, trường miễn - Ảnh 1
Đổi mới toàn diện
Đề án được phê duyệt đồng nghĩa Chính phủ cho phép các trường được tự chủ trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính, học bổng và miễn giảm học phí, đầu tư mua sắm, cơ chế giám sát…
Mức học phí các trường được thu là điều được quan tâm, vì nó ảnh hưởng tới hàng ngàn thí sinh có nhu cầu vào trường. Cụ thể Trường ĐH Tài chính-Marketing có mức thu học phí bình quân tối đa bậc ĐH chính quy chương trình đại trà là 14,5 triệu đồng/ năm (năm học 2015-2016) và 16,5 triệu đồng/ năm (năm học 2016 - 2017). Trường ĐH Hà Nội được phép thu học phí bình quân chương trình đại trà bậc ĐH tối đa 7,8 triệu đồng/ năm (năm học 2014-2015); tăng lên 12 triệu đồng/ năm (năm học 2015 - 2016); tăng tiếp lên 14 triệu đồng/ năm (năm học 2016 - 2017).
Tất nhiên 2 trường đều sẽ  hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của trường với mức học phí được miễn giảm theo quy định nhà nước với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Trường ĐH Tài chính - Marketing thuộc Bộ Tài chính sẽ được chủ động mở ngành đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, mở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo nhiệm vụ được giao. Được tự chủ tuyển sinh và tự chủ trong nghiên cứu khoa học, tự chủ liên kết đào tạo có cấp bằng, nghiên cứu khoa học, công nghệ và triển khai với đối tác trong nước và quốc tế. Được quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi, theo quy chế chi tiêu nội bộ công bằng, công khai, minh bạch.
Trường ĐH Hà Nội phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường ĐH có uy tín trên thế giới, chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và theo đặt hàng. Tăng cường hợp tác quốc tế để hội nhập giáo dục ĐH sâu rộng, đổi mới nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và ngoài nước, khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường và nhu cầu xã hội...
Học phí tăng, chất lượng nhân lực phải tăng
Với xu thế cả nước là một xã hội học tập, thì tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH với hệ thống ĐH mở sẽ thỏa mãn yêu cầu của bất kỳ ai muốn có trình độ ĐH. Vấn đề là tăng học phí, điều sinh viên và cả xã hội kỳ vọng, là trường sở, phòng thí nghiệm, thư viện, các trung tâm nghiên cứu, các viện nghiên cứu quốc gia và hợp tác quốc tế trực thuộc trường phải hướng tới độ hoàn hảo, mới có thể khuyến khích giảng viên, sinh viên dạy ra dạy, học ra học. Mới xóa được tình trạng học ĐH "chay” như học phổ thông cấp 4 lâu nay, không thư viện, không nghiên cứu, không gắn kết xã hội…
Cái khó trong việc cải tổ lại hệ thống các trường ĐH, mỗi trường ĐH còn phải đầu tư đặc biệt để gắn rất chặt các đề tài nghiên cứu của thầy và trò, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm với sự phát triển của đất nước. Đây là vấn đề Bộ GD&ĐT cùng các trung tâm nghiên cứu lớn của quốc gia phải vào cuộc với các trường, để mức tăng học phí đưa lại nguồn nhân lực chất lượng, ra trường có thể làm việc ngay.
Tăng học phí trường ĐH công, sẽ khiến việc thi vào các trường là rất khó cả về chất lượng đầu vào, cả về mức học phí ngày càng cao. Tuy nhiên, sức ép tương lai và sức ép học phí lớn cũng sẽ buộc sinh viên học quên mình, và khi đã được tham gia nghiên cứu khoa học, họ cần được sử dụng miễn phí các thiết bị hiện đại, sao chụp tại thư viện tư liệu cần thiết…
Đổi mới cơ chế tự chủ Đại học: Học phí trường tăng, trường miễn - Ảnh 2
Đổi mới cơ chế tự chủ ĐH gắn chặt với chất lượng nhân lực
Học ĐH miễn phí
Một tin vui với sinh viên sẽ trúng tuyển vào học tại Trường ĐH Hạ Long các năm học 2015, 2016 là ngày 23-3 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập. Thời gian thực hiện từ 1-9 năm nay 2015 đến ngày 30-6-2020.
Sinh viên của trường được tuyển sinh vào trường trong các năm 2015, 2016 học các ngành đào tạo hệ chính quy sẽ được hỗ trợ tiền học phí hàng tháng, bằng mức học phí/tháng phải nộp theo quy định, không quá 10 tháng/năm học. Còn được hỗ trợ tiền mua sắm đồ dùng học tập 120 ngàn đồng/sinh viên/tháng. Hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở cho sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo Nghị định 74/2013 của Chính phủ.
Sinh viên được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá của trường nếu khoảng cách từ nhà đến nơi học từ 15km trở lên. Nếu trường không bố trí được chỗ ở, sinh viên được hỗ trợ tiền thuê nhà 300 ngàn đồng/tháng.
Với sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện đạt loại giỏi được hưởng 100% mức lương cơ sở/tháng, loại xuất sắc 150% mức lương cơ sở/tháng. Nếu tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi được ưu tiên tạo cơ hội về việc làm tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thu hút sinh viên học tập tại ĐH Hạ Long, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu phát triển bền vững của Quảng Ninh, là mục tiêu chính sách này. Bởi để địa phương có nền kinh tế tri thức là chủ đạo, không thể không coi trọng GD&ĐT, KH&CN.
ĐH Hạ Long thành lập tháng 10-2014, từng có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường giai đoạn 2015-2017. GS, PGS, TS, thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài nếu cam kết về trường công tác đủ 6 năm trở lên được hỗ trợ một lần hàng trăm triệu đồng, và hỗ trợ thêm hàng tháng ngoài lương từ 3 - 10 lần lương cơ sở.
Theo Đại Đoàn Kết, tin gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=102916&menu=1433&style=1