>> Giáo dục, đào tạo,thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Là công cụ đặc biệt, SGK phục vụ mục tiêu khai sáng nên giá thành phải hợp lý. Sau nhiều năm cải tiến tới nay nhiều người mới biết SGK không phải là pháp lệnh, nhưng chưa xóa độc quyền. Liệu Đề án đổi mới với dự toán khổng lồ 70 nghìn tỷ đồng cho SGK mới có phá được sự độc quyền lâu nay?

Tại sao phải phá chứ không chỉ xóa? Vì tình hình đã quá cấp bách trước một thứ lô cốt độc quyền quá lâu, cả trong biên soạn lẫn in ấn, phát hành. Lần trước chương trình chưa được phê duyệt đã tiến hành biên soạn SGK là một bất cập lớn, lần này hy vọng khắc phục. Nhưng làm sách SGK đổi mới thế nào để phá độc quyền của một NXB, tạo cơ chế cạnh tranh nâng cao chất lượng sách?

sẽ có nhiều nộ sách giáo khoa

Khẩn trương phá độc quyền SGK

Đánh "trận giả”

Dựa trên một chương trình chuẩn mang tính pháp lệnh để nhiều bộ sách được viết và phát hành không phải là vấn đề mới. Nhưng chính sách ban hành lâu nay bị chi phối bởi lợi ích nhóm khiến "trận chiến” cải tổ trong nội bộ ngành giáo dục chỉ là "trận giả”, có nói mà không có làm. Xóa bỏ độc quyền SGK cũng vậy.

NXB Giáo dục có kinh nghiệm độc quyền làm SGK nhiều năm. Theo ông Nguyễn Đình Nhã - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Xuất bản VN, họ hưởng một cơ chế quá "ngon” khi biên soạn là tiền Nhà nước, bản quyền thuộc Nhà nước, in lại được độc quyền. Có người "cãi” khâu in hiện NXB không độc quyền vì có khoảng 100 nhà in đấu thầu... Nhưng các cơ sở in thuê không thể được in nếu không "qua cửa” NXB này. Nặng cơ chế xin - cho. "Đặt vấn đề xóa bỏ độc quyền SGK sớm chừng nào xã hội được lợi sớm chừng đó’ - ông Nhã nói.

Còn theo ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu các nhà in bỏ giá thấp thì giá sách giáo khoa phải giảm chứ không phải như hiện nay là giữ nguyên giá bán vì giá đã được duyệt trước rồi. Chống độc quyền SGK cần phải ở cả 3 công đoạn: biên soạn, in ấn và phát hành. "Nhưng khâu phát hành hiện nay thể hiện rõ nhất tính độc quyền” - ông Kiểm nhấn mạnh.

Năm 2009, kết luận của Bộ Chính trị về bãi bỏ tình trạng độc quyền xuất bản và phát hành SGK của NXB Giáo dục nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong dư luận. Song sau đó khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, phương án một chương trình, một bộ sách vẫn thông qua. Rất nhiều ngụy biện của quan chức và nhóm lợi ích ngành làm nên những "trận giả”, gây ảo tưởng đã xóa bớt độc quyền SGK, thực chất chỉ làm mất lòng tin xã hội.

Giờ đây trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục sắp tới, "không nên trao độc quyền biên soạn và xuất bản SGK cho một cá nhân hay một tổ chức nào, kể cả của Bộ GD&ĐT” - theo GS. Hoàng Tụy. SGK là một trong các khâu quan trọng thể hiện sự đổi mới nên Luật cần phải sửa để thực hiện nghiêm pháp lệnh một chương trình, khuyến khích nhiều bộ sách.

Ai sẽ làm sách?

Quy trình biên soạn SGK, phản biện độc lập phải lôgic, chặt chẽ. Tác gia Mỹ W.A. Ward từng nói: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Người thầy ở ta hơn 10 năm qua nếu viết sách truyền cảm hứng, học sinh đã không phải "xé sách” khi biết không thi tốt nghiệp. Những bất cập có thể xem là thảm họa của nền GD thời gian qua cả về chất lượng dạy và học, cả về SGK liên tục giảm tải, cho thấy rõ hạn chế của đội ngũ được trao quyền làm sách và đội ngũ điều hành quản lý.

Dám phá bỏ độc quyền SGK không chỉ là phá độc quyền in ấn phát hành mà cũng là phá đi tâm lý tự phụ ở không ít các nhà biên soạn được trao đặc quyền từ trước đến nay. Bộ GD&ĐT cần công khai, minh bạch chủ trương của đề án Đổi mới biên soạn SGK phổ thông sắp tới để tất cả mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, nhất là vấn đề Hội đồng biên soạn, để không còn tái diễn tỷ lệ người viết SGK hầu hết dạy đại học mà vẫn sai sót từ biên soạn tới thẩm định.

Cũng phải chấm dứt đánh "trận giả”. Con số 70 ngàn tỷ ngân sách chi cho Đề án đổi mới lần này cần được quảng bá rộng rãi. Bộ GD&ĐT cần công khai thực chất bao nhiêu trong số 70 ngàn tỷ đó dành cho SGK và những nhóm viết SGK không thuộc "quân số Bộ”? Tất nhiên chỉ những SGK nào đã qua sự thẩm định của một Hội đồng có thẩm quyền của Bộ GD mới được phép dùng trong trường học, nhưng chắc không nên để kinh phí đó chỉ dồn cho một nhóm làm sách "của Bộ”?

Có ý kiến rằng cách tân giáo dục nước nhà đang vượt tầm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Nó là chuyện thể chế. Điều này không phải không có lý. Quan trọng vẫn là phải tập hợp, lựa chọn được những người vừa có tâm, vừa có tầm tham gia thực hiện Đề án đổi mới. Trong khi chờ đợi Ủy ban Cải cách giáo dục quốc gia mà TW đã quyết định thành lập, chúng ta có quyền hy vọng sớm vĩnh biệt một thời SGK rặt những dấu ấn của lợi ích nhóm.

Theo tác giả Thanh Như, Đại đoàn kết