Đổi mới cách ra đề thi sẽ tránh được nạn dạy thêm, học sinh vẫn học tốt

Để nói chuyện về việc ra đề thi THPT quốc gia 2017, ở đây minh họa bằng đề thi môn Toán, tôi xin kể hai câu chuyện:

Chuyện thứ nhất, năm thứ nhất của sinh viên Khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, có môn Đại số đại cương. Đây là môn khó vì rất trừu tượng. Năm đó thầy dạy môn này của lớp chúng tôi là giáo sư Toán nổi tiếng. Ngoài việc giảng dạy ở Việt Nam, thầy còn giảng dạy tại một trường đại học lớn tại Nhật Bản. Khi học rất khó nhưng khi thầy ra đề thi thì lại có vẻ… đơn giản, toàn nêu định nghĩa, chứng minh định lý rồi áp dụng để giải bài tập.

Tuy nhiên, vấn đề chính lại ở đó, muốn làm được bài thì sinh viên phải hiểu sâu vấn đề; nếu học gạo, học mì ăn liền chỉ cần nhớ công thức rồi áp dụng vào để giải các bài tập thì sẽ không thể làm được. Nghĩa là đề thi kiểu này lại hoàn toàn không hề đơn giản. Trong đề thi có câu, đại ý: “Hãy định nghĩa phần tử trung hòa của một không gian toán E. Ký hiệu phần tử trung hòa là 0, dùng định nghĩa để chứng minh rằng a*0 = 0; a + 0 = a với a thuộc E”.

Lấy ví dụ số 0 chẳng hạn, chúng ta vẫn dùng một cách tự nhiên, nhưng sâu xa hơn, ví dụ với những người nghiên cứu Toán thì cần định nghĩa rồi mới được sử dụng. Ở đây có một chút về chuyên môn nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thực tế không đến nỗi khó hiểu lắm. Cụ thể để minh họa cho điều này số 0 là một phần tử trung hòa trên tập hợp số tự nhiên; hiển nhiên a + 0 = a; a * 0 = a với bất cứ số tự nhiên a nào.

Câu hỏi này nghe thì đơn giản nhưng lại rất bất ngờ và khó với đa số sinh viên lớp chúng tôi. Nếu như áp dụng ngay công thức thì sẽ có ngay kết quả a + 0 = a; a * 0 = 0, tuy nhiên để xây dựng công thức này, tức là hiểu thật sâu vấn đề thì lại không hề đơn giản.

Trong đề thi còn nhiều câu khác hoàn toàn trong những phần đã học, không đánh đố, nhưng như đã nói ở trên để làm được thì sinh viên phải hiểu rất sâu vấn đề, tức là phải chịu học, chịu khó tìm tòi. Kết quả là số sinh viên lớp chúng tôi bị rớt môn này rất cao, chiếm đến 2/3.

Qua thời gian chúng tôi nhận thấy rằng đạt điểm tốt môn này là những người thành công trong cuộc sống sau này: ở nước ngoài nhiều người là giáo sư, tiến sĩ tại những trường đại học hàng đầu của Mỹ, Pháp, Nhật; ở trong nước thì có người làm chủ doanh nghiệp, có tài sản rất lớn dù tuổi đời còn trẻ.


Đổi mới cách ra đề thi sẽ tránh được nạn dạy thêm, học sinh vẫn học tốtẢnh minh họa

Câu chuyện thứ hai, những năm trước khi mà các trường đại học tổ chức đề thi riêng biệt thì đề thi của Đại học Y Hà Nội là một trong những đề khó nhất. Với đề thi Toán năm 2000 của trường này toàn là những câu trong sách giáo khoa, mang tính lý thuyết nhưng để làm được thì thí sinh cần hiểu rất sâu về kiến thức. Trong đề thi có câu: “Hãy tính đạo hàm theo định nghĩa của hàm số y = 2000 mũ x” - hoàn toàn trong sách giáo khoa, không đánh đố, không cần… đi học thêm vẫn có thể làm được. Tuy nhiên lại không hề đơn giản như vậy.

Nếu áp dụng công thức thì chỉ đúng một dòng. Nhưng ở đây không được áp dụng công thức mà cần xây dựng công thức đó, tức là cần hiểu rất sâu vấn đề. Và chỉ những thí sinh với tư duy sâu sắc, suy luận logic… mới có thể giải được. Kết quả là sinh viên Y Hà Nội thường là những thí sinh giỏi nhất.

Từ năm 2017 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới hình thức thi đối với môn Toán, chuyển từ tự luận thành trắc nghiệm. Qua hai câu chuyện trên và qua đề thi môn Toán THPT quốc gia năm 2016, thì có lẽ Bộ phải cải tiến việc ra đề thi môn Toán hơn nữa dù hình thức thi là trắc nghiệm. Không cần đánh đố, không cao siêu chỉ cần trong sách giáo khoa với những câu hỏi kiểu: chứng minh định lý; giải bài toán theo định nghĩa… thì chúng ta vẫn có thể tuyển chọn được những thí sinh có lực học tốt, đồng thời vẫn có thể phân loại thí sinh được.

Không phải cứ áp dụng công thức vào giải được bài toán mới là người giỏi, người giỏi cần hiểu sâu sắc vấn đề (ở Khoa Toán Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, những người dạy lý thuyết Toán đều là giáo sư, tiến sĩ Toán nổi tiếng, dạy bài tập thường là những trợ giảng). Với đề thi hoàn toàn trong sách giáo khoa thì tình trạng học thêm, dạy thêm sẽ hạn chế rất nhiều (mà nếu có tình trạng học thêm thì học sinh sẽ được học kỹ về định nghĩa, định lý trong sách giáo khoa, tức là sẽ hiểu sâu kiến thức gốc chẳng phải là tốt lắm sao).

Điều quan trọng hơn là giúp học sinh chúng ta phải hiểu sâu kiến thức Toán phổ thông - gốc của mục đích giảng dạy môn Toán cho học sinh. Khi hiểu sâu sắc kiến thức Toán phổ thông sẽ giúp cho học sinh có tư duy logic, suy luận sắc bén, giúp các em có nền tảng, kỹ năng tốt để bước vào đời.

Tóm lại, với môn Toán (ở tất cả cấp học chứ không riêng gì năm cuối cấp THPT), trong các kỳ kiểm tra, chúng ta nên ra đề thi hoàn toàn trong sách giáo khoa để học sinh không cần phải đi học thêm, không cần vắt kiệt sức mà vẫn hiểu tốt được kiến thức Toán phổ thông. Và các môn khác cũng vậy!


Tuyển sinh 2017


Theo Vnexpress, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/doi-moi-cach-ra-de-thi-se-tranh-duoc-nan-day-them-hoc-sinh-van-hoc-tot-3478996.html