>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường.

Việc Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định đình chỉ tuyển tình 207 ngành của 71 trường đại học là bước đi cần thiết nhưng điều dư luận quan tâm là lộ trình và cách thực hiện phải hợp lí với mục đích chung là nâng cao chất lượng đào tạo nước nhà.

Phản ứng của các trường ĐH bị dừng tuyển sinh

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định dừng tuyển sình 207 ngành của 71 trường đại học. Bên cạnh những trường mới thành lập, những trường vốn bị phàn nàn về chất lượng đào tạo, chất lượng tuyển sinh trong vài năm gần đây, còn có những trường đại học danh tiếng và lâu đời như ĐH Sư phạm Hà Nội (bị đình chỉ 8 ngành), ĐH Mỹ thuật TP.HCM (4 ngành), ĐH Quốc gia TP.HCM (4 ngành). ĐH Y dược TP.HCM (4 ngành).

Ngoài ra, có những trường bị đình chỉ hầu hết các ngành như ĐH Hà Tĩnh (14/16 ngành), ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội (15/18), ĐH Hùng Vương (10 ngành).

Đại diện của trường Đại học Hà Tĩnh, một trong những trường bị đình chỉ nhiều ngành đào tạo nhất, GS.TS Nguyễn Văn Đình – Hiệu trưởng của trường chia sẻ băn khoăn: “ĐH Hà Tĩnh mới chỉ được thành lập cách đây 7 năm và chủ yếu đào tạo cho tỉnh và khu vực cũng như sinh viên nước bạn Lào. Trong số 850 học sinh Lào có 450 em đang học tiếng, sang năm sẽ vào đại học. Nếu bị đình chỉ tuyển sinh thì đây sẽ là khó khăn với các em khi gia đình các em đã sang và kiểm tra cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu đào tạo”.

>>Trường đào tạo 16 ngành, dừng tuyển sinh 14 ngành

Cũng tỏ ra bất ngờ khi bị tuýt còi, đại diện của trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, TS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng của trường đưa ra ý kiến: “Đằng sau một giảng viên của trường dù chỉ mang tấm bằng cử nhân là một bề dày kinh nghiệm, sáng tạo và cống hiến. Đào tạo một ngành nghệ thuật luôn mang một đặc thù riêng và khó áp dụng được cho các tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đưa ra”.

Cần phải có lộ trình thực hiện đình chỉ 207 ngành đại học

Cần phải có lộ trình thực hiện đình chỉ 207 ngành đại học

Đồng quan điểm với TS Trần Thanh Hiệp, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, TS Nguyễn Việt Đức cho hay: “Những ngành như nhã nhạc, đàn ca Huế… chỉ có nghệ nhân mà không có Tiến sĩ, Thạc sĩ. Thay vì yêu cầu Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để có sự thay thế, nếu không, những ngành đặc thù nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam ta khó lòng được bảo tồn”.

>>Đào tạo các ngành đặc thù: Cần kinh nghiệm hay học vị cao?

Tựu chung quan điểm, các trường bị đình chỉ ngành học cho rằng Bộ GD&ĐT thực hiện quyết định trên là có lý nhưng cứng nhắc và có phần vội vã.

Bàn về vấn đề đình chỉ ngành đào tạo, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm tại chương trình Đối thoại chính sách: “Có nhiều ngành đặc thù cần được xem xét kỹ để đạt được mục tiêu như mong muốn".

Ví dụ như ngành khoa học bền vững, biến đổi khí hậu... chưa hề có một Tiến sĩ bởi đây là những ngành mới, như thế sẽ không thể có tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT. Hoặc như ngành Ả Rập học là ngành đặc thù chủ yếu đào tạo cho cơ quan ngoại giao hoặc thị trường nước ngoài. Hiện ở Việt Nam rất khó có thể đáp ứng được số lượng 1 Tiến sĩ và 3 Thạc sĩ.

Ngoài một số giảng viên hợp đồng là những giảng viên lâu năm đã về hưu, còn có 1 Tiến sĩ Ả Rập học người nước ngoài đang làm việc thường xuyên 3 năm/ nhiệm kỳ ở Việt Nam. Với đội ngũ như thế, chuyên môn vẫn đảm bảo nhưng lại chưa thể đáp ứng đủ các tiêu chí trong văn bản pháp quy mà Bộ GD&ĐT áp dụng”.

Lối thoát nào cho các trường ĐH bị đình chỉ đào tạo?

Về mặt đào tạo, số lượng thì chưa tính đến nhưng về quy hoạch của các trường đại học chưa được chú ý đúng mức. Do nhiều lí do, đội ngũ đào tạo của các trường không những không tăng lên mà còn giảm đi. Nhiều bộ môn không tuyển giáo viên trẻ về làm giảng viên cơ hữu, nhiều giảng viên đi học nước ngoài không tiếp tục công tác đào tạo của trường. Đây cũng là một phần nguyên nhân mà ông Ông Lê Văn Học – Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra để lí giải cho việc nhiều trường danh tiếng mà vẫn không đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu của Bộ GD&ĐT.

Quyết định đã đưa ra, đại diện các trường có thể giải trình lại với Bộ GD&ĐT. Nhưng đây là điều cần thiết, quản lí Nhà nước là chặt chẽ và các trường nên chấp hành”, ông Lê Văn Học khẳng định.

Đại diện cho Bộ GD&ĐT giải đáp các thắc mắc của đại diện các trường, GS. TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ cũng đã có những nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định, đồng thời đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ cảnh báo các trường về vấn đề chất lượng đào tạo.

Sau khi nhận quyết định trên, nếu các trường cho rằng báo cáo của mình chưa đúng, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường cập nhật lại cho đúng. Với những trường thiếu thực sự về tiêu chí số lượng giảng viên (1 TS, 3 Ths) nhưng có những chuyên gia cộng tác đảm bảo chất lượng đào tạo thì cũng cần báo cáo đầy đủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, cần có một thời hạn nhất định để các trường bổ sung đầy đủ tiêu chí.

Đối với những ngành đặc thù khó tìm ra một tiến sĩ chuyên ngành, Bộ GD&ĐT cũng gợi ý cho phép một tiến sĩ ngành gần nhưng có những công trình nghiên cứu liên quan.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định, việc rà soát và ra quyết định đình chỉ này không nhằm mục đích gây khó cho các trường mà chỉ là siết chặt quản lí và nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe những khó khăn của các trường đồng thời gia hạn tới cuối năm 2015 để các trường củng cố và đáp ứng các tiêu chí mà Bộ đưa ra (4 tiêu chí). Sau thời hạn 31/12/2015, Bộ GD&ĐT sẽ thu hồi Quyết định cho phép đào tạo với những ngành chưa khắc phục nguyên nhân bị đình chỉ.

Lộ trình cải cách giáo dục mới chỉ bắt đầu và còn vô vàn khó khăn. Việc đình chỉ 207 ngành học chỉ là một trong số các giải pháp mà Bộ GD&ĐT áp dụng. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD&ĐT phát đi cảnh báo với các trường về chất lượng đào tạo: trường lớp. cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên.

Chúng ta không thể chấn chỉnh chất lượng đào tạo nếu không chấn chỉnh việc bùng nổ các trường đại học, đua nhau tuyển sinh kể cả khi không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu về công tác đào tạo. Đào tạo như thế sẽ không thể có chất lượng và di chứng để lại về sau sẽ vô cùng tai hại.

Một trong những Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là chuyển từ mục tiêu đào tạo số lượng sang chất lượng. Việc ra soát và đình chỉ 207 ngành học vừa qua chỉ là một trong số các giải pháp của Bộ GD&ĐT đang làm. Việc dư luận quan tâm là lộ trình và cách thực hiện một cách hợp lí để các trường có đủ điều kiện tuyển sinh không bị đình chỉ một cách oan uổng cũng như tránh tình trạng thiên vị, bỏ sót với những trường không đủ điều kiện nhưng vẫn được tuyển sinh.

Theo VTV