Các trường ĐH kết hợp tạo nhóm trường cùng xét tuyển

Từ năm 2016, xuất hiện một xu hướng mới khi một số trường ĐH sẽ kết hợp với nhau thành nhóm trường để cùng xét tuyển.

Đại học Bách khoa Hà Nội là 1 trong 8 đơn vị hiện đang đứng ra thành lập 1 nhóm trường cùng phối hợp với nhau trong công tác xét tuyển đại học ở khu vực phía Bắc. Nhóm này có thể mở rộng thêm một số trường khác thuộc top trên và top giữa.

Đây không phải là nhóm trường duy nhất sẽ hợp tác xét tuyển năm nay. Một số trường đại học trọng điểm và đại học vùng cũng sẽ tổ chức xét tuyển theo nhóm trường như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ. Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với 4 trường khác cũng tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Liên quan đến việc hình thành các nhóm trường, quy định mới năm nay cho phép những thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm có thể đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 trường khác nhau trong đợt 1 và 6 nguyện vọng cho từng đợt bổ sung.

Các trường ĐH kết hợp tạo nhóm trường cùng xét tuyển

Theo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy mà Bộ GD-ĐT ban hành hôm qua, cơ hội đỗ đúng nguyện vọng của thí sinh cao hơn, đặc biệt khi đăng ký xét tuyển theo nhóm trường.

Trả lời PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, giải thích: “Khi đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm, quy chế chỉ quy định số nguyện vọng tối đa (4 nguyện vọng đợt 1 và 6 nguyện vọng từng đợt bổ sung), không quy định cứng số trường mà thí sinh có thể nộp đăng ký xét tuyển mỗi đợt vào nhóm trường. Việc lập nhóm trường để xét tuyển chung vì vậy sẽ rất có lợi cho thí sinh và cho cả nhà trường”.

Cũng theo quy chế sửa đổi, bổ sung năm nay, mỗi thí sinh sẽ được phép cùng lúc đăng ký tối đa 2 trường (hoặc 3 trường với các đợt bổ sung), mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng và không được thay đổi trong suốt đợt xét. Quy chế cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.

Ngoài các nội dung sửa đổi, bổ sung trên, quy chế năm nay còn có một số điểm mới khác so với dự thảo ban đầu. Chẳng hạn về phương thức nộp hồ sơ, ngoài thư chuyển phát nhanh và đăng ký trực tuyến, nhà trường có thể quy định thêm các phương thức khác tùy thuộc vào điều kiện thực tế của trường, nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc cho xã hội.

Ngoài ra, Bộ sẽ quy định thống nhất thời hạn thí sinh phải nộp giấy báo kết quả thi sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển để trường biết số lượng thí sinh nhập học mà quyết định có xét tuyển tiếp các đợt bổ sung hay không.

Tuyển sinh ĐH- CĐ 2016: Thí sinh vẫn được nộp hồ sơ trực tiếp

Ngày 14/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2016 sửa đổi. Theo đó, thay vì quy định thí sinh chỉ nộp hồ sơ xét tuyển bằng hai hình thức là thư chuyển phát nhanh và đăng ký trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nhà trường có thể nhận hồ sơ trực tiếp tại trường, nhưng không được để xảy ra mất trật tự như năm 2015.

Vào mùa tuyển sinh ĐH- CĐ 2015, trên thực tế đã xảy tình trạng rối loạn trong xét tuyển đại học (ĐH). Hầu hết các thí sinh từ các tỉnh, thành, vùng sâu vùng xa đều ùn ùn chạy về thành phố để nộp hồ sơ trực tiếp.

Năm nay, để tránh tình trạng này, dự thảo trước đó, Bộ GD&ĐT đã bỏ bớt đi hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, thí sinh chỉ còn 2 lựa chọn, đó là hoặc nộp qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng internet. Dự thảo này đã gây ra nhiều tranh cãi với những ý kiến trái chiều.

Cuối cùng, tiếp thu ý kiến đóng góp, Bộ GD&ĐT  vẫn giữ nguyên ba hình thức đăng ký xét tuyển.

Thay đổi chính sách ưu tiên cho thí sinh đại học 2016

Thí sinh ở khu vực 1 phải là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng tại Khu vực 1.

Ngày 14/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Theo đó, Bộ quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách ưu tiên chuyển trường về những khu vực khó khăn nhằm được cộng thêm điểm. Bộ Giáo dục quyết định thay đổi quy định về đối tượng 01. Theo đó, thí sinh ở khu vực 1 phải là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại Khu vực 1.

Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.

Được biết, năm 2015, nhiều thí sinh sau khi nhập học mới phát hiện hồ sơ có vấn đề, dẫn đến tình trạng đỗ thành trượt. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi.

Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Một điểm mới khác là năm nay, Bộ khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Với các trường xét tuyển theo nhóm trường, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Trường ĐH Hà Nội được mở chuyên ngành mới

Được Bộ GD-ĐT cho phép, năm 2016 trường ĐH Hà Nội tuyển 30 chỉ tiêu chính quy cho sinh viên khoa tiếng Pháp chuyên ngành truyền thông doanh nghiệp.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, trưởng phòng đào tạo chia sẻ, với 100% đội ngũ giảng viên được đào tạo tại nước ngoài tham gia sáng lập Mạng lưới nghiên cứu Thông tin – Truyền thông tại Việt Nam, thành viên của Hiệp hội nghiên cứu Thông tin và Truyền thông Pháp đã thiết kế chương trình đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế. Chương trình đáp ứng được xu thế phát triển của ngành truyền thông trên thế giới, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Trường tuyển sinh theo Khối D. Môn thi : Toán, Văn, Ngoại ngữ, trong đó môn Ngoại ngữ tính hệ số 2, thi tiếng Anh (D1) hoặc tiếng Pháp (D3). Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng chính quy Cử nhân Truyền thông doanh nghiệp.

Các sinh viên được cung cấp kiến thức đa dạng về các mô hình thông tin – truyền thông doanh nghiệp, marketing, quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông điện tử, truyền thông khủng hoảng, tổ chức sự kiện… đồng thời rèn luyện các kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, xây dụng và quản lý chiến lược truyền thông trong doanh nghiệp. Nhiều giờ thực hành, thực tập tại cơ quan, doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng sử dụng kiến thức và ngoại ngữ cũng như các kỹ năng của mình.

Ngoài ra sinh viên có cơ hội học liên thông bậc đại học với các chương trình quốc tế. Sinh viên có thể được học tại nước ngoài 1-2 học kỳ hoặc sau đại học chuyên ngành Truyền thông, Truyền thông doanh nghiệp, Quan hệ công chúng, Báo chí, Quảng cáo,... tại các trường đối tác thuộc Cộng hoà Pháp hoặc Vương quốc Bỉ.

Khi ra trường sinh viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như Truyền thông, quan hệ báo chí, quan hệ công chúng, phụ trách truyền thông nội bộ hoặc chuyên viên cho các hãng truyền thông. Với ngành Báo có thể hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng…Đối với Doanh nghiệp, có thể làm việc cho bộ phận chăm sóc khách hàng, marketing, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện, quản lý nhãn hàng, quản lý khủng hoảng, phụ trách đối ngoại.

Thanh Hóa: Tổ chức 2 cụm thi THPT quốc gia 2016

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thống nhất phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có 2 cụm thi gồm: Cụm thi số 1, do Trường Đại học Hồng Đức (đóng tại số 565 Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) chủ trì, dành cho thí sinh dự thi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; Cụm thi thứ 2, do Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền chỉ đạo, giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại 2 cụm thi nêu trên, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy chế.

Tổng hợp