Không gia hạn đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ nguyện vọng 1

Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ không gia hạn đăng ký tuyển sinh nguyện vọng 1 vào Đại học, Cao đẳng.
Chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn đăng ký nguyện vọng vào các trường Đại học, Cao đẳng nhưng đến thời điểm này, các thí sinh vẫn đang xếp hàng dài chờ đợi mỗi ngày ở các trường Đại học thay vì rút và nộp hồ sơ ở địa phương như khuyến cáo vì tâm lý không yên tâm.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian 20 ngày đăng ký nguyện vọng đã được phê duyệt và tính toán kỹ và hạn cuối vẫn là ngày 20/8/2015.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng việc thí sinh nộp hồ sơ đông hoàn toàn bình thường vì đây là thời điểm các thí sinh tập trung quyết định nguyện vọng của mình cũng như tâm lý không an tâm dẫn đến việc các thí sinh lên tận nơi nộp hồ sơ gây quá tải như hiện nay.

Bộ Giáo dục & Đào tạo khuyến cáo các thí sinh nên đăng ký, thay đổi nguyện vọng ngay tại các trường và Sở Giáo dục & Đào tạo địa phương để giảm tải và tránh tình trạng chờ đợi chen lấn mệt mỏi cho chính thí sinh và người nhà.

Cách thức hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển trực tuyến

Bộ GD&ĐT khẳng định hệ thống đảm bảo thông tin thông suốt, nhanh chóng, giải quyết ngay trong ngày nên thí sinh sẽ không phải đi xa chỉ để thay đổi yêu cầu xét tuyển.
Theo hướng dẫn của Bộ GD & ĐT, những thí sinh ở xa nếu muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển hoàn toàn có thể đến các Sở GD & ĐT hoặc là các trường THPT được cấp quyền truy cập vào hệ thống quản lý thi THPT Quốc gia để đăng ký thay đổi nguyện vọng thay vì vất vả lặn lội đi đến tận các trường. Tuy nhiên, đa phần các thí sinh vẫn lên tận các trường rút hồ sơ vì lo sợ xảy ra sai sót trong quá trình nhập dữ liệu dẫn tới thiệt thòi cho các em.

Mỗi thí sinh khi tham gia thi THPT Quốc gia đều được lưu hồ sơ trên hệ thống, bao gồm tên, số báo danh, điểm thi từng môn và những thông tin cá nhân liên quan khác. Nếu muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh tới Sở GD & ĐT địa phương hoặc trường THPT được Sở cho phép để nộp phiếu yêu cầu chuyển trường.

Sau khi nhận phiếu này, Sở GD & ĐT hoặc trường THPT này sẽ nhập yêu cầu của thí sinh vào hệ thống. Khi yêu cầu đã được nhập vào hệ thống, hệ thống này sẽ tự động chuyển luồng thông tin về hai nơi là trường thí sinh muốn rút hồ sơ và trường thí sinh muốn chuyển hồ sơ đến.

Tại trường thí sinh muốn rút hồ sơ, sau khi nhận được thông tin, cán bộ tuyển sinh trường này sẽ xóa dữ liệu của thí sinh khỏi danh sách đăng ký vào trường mình. Nếu sau 4 tiếng từ khi thông tin gửi đến mà trường không xử lý, hệ thống sẽ tự động xóa thí sinh khỏi danh sách.

Tại trường mà thí sinh muốn chuyển hồ sơ đến, cán bộ tuyển sinh sẽ nhập thông tin đăng ký của thí sinh vào danh sách đăng ký xét tuyển của trường mình kèm theo dữ liệu của của các em. Nếu sau 12 tiếng, trường chưa xử lý thông tin về thí sinh thì hệ thống sẽ không cho trường này thực hiện các việc khác cho đến khi xử lý xong hồ sơ chuyển đến.

Bộ GD&ĐT: Thí sinh không nên chạy theo điểm số

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, thí sinh không nên chọn ngành có điểm số cao mà không tính tới sở trường của bản thân.
Những sự hoang mang về việc đỗ hay trượt đại học khiến nhiều thí sinh chỉ còn đặt mục tiêu vào được trường mà không cần quan tâm ngành học đó có phù hợp mình hay không. Nhiều em đã đến các trường để rút hồ sơ khỏi ngành học ưa thích của mình sau đó nộp vào bất cứ ngành nào có cơ hội đỗ.

Hiện nay, tâm lý chạy đua và các ngành, trường căn cứ điểm số đã hoàn toàn lấn át tâm lý chọn trường, ngành theo sở trường của thí sinh. Điều này được đánh giá là đi chệch khỏi mục đích thực sự của tuyển sinh đại học.

Ông Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đã tính toán đến khả năng thí sinh rút hồ sơ nhiều. Tuy nhiên, việc rút hồ sơ nhiều chỉ diễn ra ở một số trường đại học lớn có sức thu hút thí sinh mạnh. Hiện na, nhiều trường có chỉ tiêu nộp vào chưa đầy đủ, các em nên liệu sức mình để nộp vào trường phù hợp để khỏi phải nộp - rút nhiều lần.

"Dù các em đã được tư vấn, định hình nghề nghiệp trong tương lai, nhưng vẫn còn một số em chọn nghề theo số đông. Những em này khi đỗ vào trường học sẽ rất vất vả, dẫn đến nản chí và bỏ học giữa chừng" ông Ga cảnh báo.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng khuyên các em không nên chọn ngành theo điểm số mà trước tiên cần dựa vào sở trường, sở thích. Khi đã chọn được ngành học theo sở thích, các em vẫn còn rất nhiều lựa chọn. Bởi cùng một ngành sẽ có nhiều trường đào tạo, các em nên chọn những trường có điểm trúng tuyển phù hợp với mức điểm của mình.

Ông Ga nói, sau khi kết thúc đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức cuộc họp với các trường và các sở GD&ĐT để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông cũng khuyên các thí sinh phải làm quen dần với công nghệ thông tin và tin tưởng vào những giải pháp mới của Bộ GD&ĐT.

Xét tuyển ĐH - CĐ: Càng về cuối, càng cam go

Tình hình xét tuyển Đại học, Cao đẳng đang bước vào giai đoạn nước rút với sự lo lắng, căng thẳng của các thí sinh.
Chỉ còn 5 ngày nữa là đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ sẽ chính thức khép lại. Hôm nay (15/8), mặc dù là cuối tuần nhưng các trường Đại học top trên phải làm việc hết công suất vì số lượng thí sinh đến rút hồ sơ rất đông, trong khi đó, một lượng hồ sơ mới cũng bắt đầu nộp vào.

Tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, từ đầu giờ sáng, lượng thí sinh đến nộp và rút hồ sơ đã rất đông. Trong đó, có những thí sinh rút hồ sơ ra khỏi trường vì điểm của các em đã không còn cơ hội đỗ hoặc là đang mấp mé ở ngưỡng trượt. Một số thí sinh đến chỉ để điều chỉnh nguyện vọng ngay trong trường, chuyển từ những ngành điểm cao xuống ngành điểm thấp. Rất nhiều trong số đó là ở các tỉnh nhưng các em đã khăn gói quả mướp đến tận nơi, để tận tay làm thủ tục.

Đáng chú ý là có những thí sinh chưa từng nộp hồ sơ vào đâu cũng đã đến trường để nghe ngóng tình hình. Các em thậm chí dự định thứ Hai tới mới nộp.

Như vậy, nhiều thí sinh vẫn chưa nộp hồ sơ để nghe ngóng tính hình và hầu hết đây là những thí sinh đạt điểm số cao. Điều đó có nghĩa trong 5 ngày tới, tình hình xét tuyển sẽ còn rất phức tạp, khi lượng thí sinh điểm cao này nộp hồ sơ, sẽ làm thay đổi cục diện tuyển sinh ở nhiều trường top cao, đẩy những thí sinh đang ở mức điểm mấp mé giữa trượt và đỗ xuống thấp.

Tuyển sinh 2015: Nguyện vọng “ảo” khiến nhiều học sinh lo lắng

Bên cạnh những trăn trở về việc nộp - rút hồ sơ xét tuyển, tình trạng nguyện vọng “ảo” đang khiến nhiều thí sinh lo lắng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường đại học theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Tuy nhiên, khi thời gian của đợt nộp rút hồ sơ gần kết thúc, nhiều thí sinh vẫn lo lắng, quy định này dẫn đến tình trạng nguyện vọng “ảo” ở các ngành, khoa của một trường, gây khó khăn cho việc theo dõi hồ sơ và dự báo cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh hoang mang không biết phải \'chọi\' với ai

Thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các ngành điểm thấp đang hoang mang vì hàng trăm bạn trượt ngành "hot" sẽ bị đẩy xuống cạnh tranh với họ.
Theo quy chế tuyển sinh 2015 của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 1 trường. Cả 4 nguyện vọng này sẽ có thứ tự ưu tiên ngang bằng nhau. Điều này khiến cho những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào một ngành hoang mang vì không đoán được lượng thí sinh nguyện vọng 2, 3, 4 có thể cạnh tranh với mình.

Khảo sát danh sách đăng ký của Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), thí sinh xét tuyển vào các trường này thường có xu hướng đăng ký NV1 vào ngành cao nhất của trường và những nguyện vọng 2, 3, 4 vào các ngành thấp hơn.

Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) hiện có 504 hồ sơ nộp nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế đối ngoại. Ngành này chỉ tuyển 130 chỉ tiêu.

Nếu kết quả này được giữ nguyên, 374 thí sinh sẽ bị đẩy xuống các ngành đăng ký nguyện vọng 2, 3, 4 là Tài chính Ngân hàng, Kinh tế học...

Như vậy, những em đăng ký nguyện vọng 1 vào các ngành điểm thấp hoang mang vì hàng trăm người trượt những ngành điểm cao có thể bị đẩy xuống cạnh tranh với mình bất cứ lúc nào.

Ở Đại học Ngoại thương, ngành "hot" nhất là Kinh tế đối ngoại, hiện thừa hồ sơ nguyện vọng 1. Những thí sinh không đỗ ngành này sẽ chuyển xuống xét tuyển tại những ngành điểm thấp hơn.

"Do chênh lệch điểm trúng tuyển của từng ngành khá lớn, nên những thí sinh không trúng tuyển ở ngành Kinh tế đối ngoại vẫn có thể xếp vị trí cao nếu chuyển xuống ngành Kinh doanh quốc tế" - Võ Phương Thảo, thí sinh xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Ngoại thương lo lắng chia sẻ.

Để giảm lo lắng cho thí sinh, nhiều trường đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời. Danh sách này giúp thí sinh thấy rõ những hồ sơ đã tạm thời trúng tuyển ở từng ngành.

Mặc dù đã có quy định thí sinh trúng tuyển ngành đăng ký nguyện vọng 1 không được xét vào những nguyện vọng còn lại, tuy nhiên do danh sách các trường đưa ra mới chỉ là "tạm thời" nên thí sinh không thể yên tâm dù đã nằm trong ngưỡng trúng tuyển của ngành.

Sau phúc khảo, nhiều thí sinh điểm tăng vọt

Sau khi chấm phúc khảo, một số trường hợp có thí sinh tăng từ 2-3,75 điểm.

Đại học Sài Gòn có 18 bài thi được thay đổi điểm. Đặc biệt, bài thi môn Toán của em Bùi Thị Ngatrước đó chỉ được 3,5 điểm, sau phúc khảo tăng lên 7,25. Nhà trường cho biết bài thi của nữ sinh bị nhập sai điểm.

Bài thi môn Toán của thí sinh Hồ Đăng Khoa tăng từ 2 lên 5,25 điểm, cùng lý do nhập sai dữ liệu. Nhiều bài thi khác cũng tăng từ 0,25-2 điểm. Không có thí sinh nào bị trừ điểm.

Các thí sinh được tăng điểm:

Điểm tin tuyển sinh 2015 ngày 15/8

Tương tự, Đại học Sư phạm TP HCM cũng công bố điểm phúc khảo cho thí sinh trên website của trường dưới hình thức tra cứu điểm. Thí sinh có thể vào http://tuyensinh.hcmup.edu.vn/ xem theo số báo danh của mình.

Điểm tin tuyển sinh 2015 ngày 15/8

Trước đó, theo PGS. TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng vụ Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh đã nộp đơn phúc khảo vẫn nộp đơn xét tuyển với điểm thi đã có. Sau đó, nếu kết quả thay đổi thì nộp bổ sung bởi hiện nay các trường xét tuyển dựa vào giấy chứng nhận kết quả, không cần phải chờ kết quả phúc khảo.

Vụ không nộp hồ sơ vẫn đỗ đại học: Xét tuyển bằng học bạ

Tại công văn giải trình về bài viết “Chuyện lạ: Vụ không nộp hồ sơ xét tuyển vẫn đỗ đại học” đăng trên CAND Online, trường Đại học Đông Á đã cho biết, trường được phép xét tuyển với 2 phương thức.

Mặc dù ngày 1/8, Bộ Giáo dục mới gửi công văn hướng dẫn các thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.

Nhưng vào ngày 25/7, tại TP. Đà Nẵng một số thí sinh đã bất ngờ nhận được giấy “trúng tuyển” của trường Đại học Đông Á khi các em không có nguyện vọng hay làm hồ sơ xin xét tuyển vào trường Đại học Đông Á – Đà Nẵng. Mà cụ thể là trường hợp thí sinh Nguyễn K.H (địa chỉ nhận giấy báo trúng tuyển tại số 11 Lê Thánh Tôn, trường THPT Trần Phú - TP. Đà Nẵng) đã nhận được giấy trúng tuyển trường Đại học Đông Á khi em không hề làm hồ sơ dự tuyển vào trường này…

Sau khi bài viết được đăng tải, được dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh, thí sinh rất quan tâm, ngay 12/8/2015 Báo CAND đã nhận được công văn của trường Đại học Đông Á – Đà Nẵng giải trình về việc “trúng tuyển bất thường” này.

Tại công văn, trường Đại học Đông Á Đà Nẵng đã thừa nhận: Sự việc Báo CAND nêu là có thật. Tuy nhiên, đây là thiếu sót về việc phân tích dữ liệu 36.475 thí sinh đăng ký xét tuyển theo học bạ từ khi nhà trường tuyển sinh ở 298 trường THPT tại 9 tỉnh, thành phố vào khoảng tháng 3-4/2015. 
Phòng tuyển sinh đã thiếu sót khi không thực hiện việc tổ chức gọi lại cho thí sinh này để xác nhận thông tin trước khi cấp giấy báo trúng tuyển nên có sự nhầm lẫn... Và ngay lập tức, nhà trường đã chấn chỉnh phòng Tuyển sinh thực hiện chưa tốt việc này.

Trao đổi trực tiếp với PV Báo CAND xung quanh sự việc “gửi giấy báo trúng tuyển, khi thí sinh không nộp hồ sơ”, bà Nguyễn Thị Anh Đào Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á – Đà Nẵng đã cho biết: Ngày 14/4/2015, Trường Đại học Đông Á được Bộ GD&ĐT phê duyệt thực hiện đề án tự chủ tuyển sinh theo công văn số 1724/BGDĐT – KTKĐCLGD.

Theo đó, nhà trường đã tổ chức tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015 theo 2 phương thức gồm: Xét tuyển theo học bạ lớp 12 điểm TBC lớp 12 đạt >=6.0 đ/v bậc Đại học; >= 5.5 đ/v bậc Cao đẳng. Hoặc xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 với điểm tổ hợp môn >=15 điểm đ/v bậc Đại học, >=12 điểm bậc Cao đẳng.

Đề án tuyển sinh riêng này, sau khi phê duyệt cho phép, đã được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi với trên 200 trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước…

Đối với trường hợp thí sinh Nguyễn.K.H, nhà trường không tổ chức xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT 2015,  mà chỉ gửi giấy báo theo học bạ ở đề án tuyển sinh riêng.

Về thời gian giấy báo trúng thuyển là ngày 25/7 trước cả quy định tuyển sinh của Bộ GD&ĐT ra ngày 1/8, bà Đào cho biết: “Đợt 1 nhận hồ sơ xét tuyển từ 1/8 đến ngày 20/8 và công bố kết quả vào ngày 26/8 và nhập học vào cuối tháng 8 là đúng với đối tượng xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Còn nhà trường thì đã thực hiện theo đề án tuyển sinh riêng được Bộ cho phép. Điều này đã lý giải tại sao thí sinh Nguyễn K. H. đã nhận được giấy báo trúng tuyển của nhà trường vào ngày 25/8, trước cả khi có quy định về tuyền sinh của Bộ GD&ĐT vào ngày 1/8.

Tổng hợp