Đại Học Giao thông vận tải TP.HCM nhận Huân chương Độc lập hạng ba

Ngày 18.5, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường. Ngoài ra, trường cũng được trao tặng chứng chỉ ISO 9001:2008 từ Tổ chức chứng nhận quốc tế TUV SUD PSB tại Việt Nam. Hiện có gần 600 cán bộ giảng viên và 18.000 sinh viên đang theo học 28 chuyên ngành tại trường.

Ngày 19.5, Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3 (TP.HCM) đón nhận Huân chương Lao động hạng hai do nhà nước trao tặng. Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh (nguyên hiệu trưởng) cũng được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Tăng hồ sơ ở những trường tốp trên

Ngày 19.5, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố số liệu tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng ký nguyện vọng (NV) vào lớp 10 năm học 2013 - 2014.

Thống kê cho thấy những trường tốp trên (nhiều năm trước điểm chuẩn trên 35) có tỷ lệ chọi NV1 là 1/2, gồm các trường THPT: Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Thực hành ĐH Sư phạm, Thực hành Sài Gòn (Q.5)... Những trường có số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký tăng là: Nguyễn Thượng Hiền tăng khoảng 400, Bùi Thị Xuân trên 500, Nguyễn Thị Minh Khai gần 300, Gia Định tăng 400... Theo hiệu trưởng các trường THCS, đây là những trường chỉ những học sinh giỏi, kiến thức vững vàng mới đăng ký dự thi.

Những trường điểm chuẩn thường dưới 35 có số hồ sơ đăng ký NV2 khá cao như: Lý Tự Trọng (Q.Tân Bình), Trường Chinh (Q.12), Marie Curie (Q.3)... Những trường có điểm chuẩn từ khoảng 25 trở xuống như: Nguyễn Văn Linh (Q.8), Thạnh Lộc (Q.12), Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh), Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận)... dẫn đầu về số lượng đăng ký NV3.

Ở khối lớp chuyên, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), lưu ý: “Tỷ lệ chọi vào NV3 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khá cao, khoảng trên 20, trong khi tỷ lệ chọi NV này của chuyên Trần Đại Nghĩa lại chưa đến 10”. Số liệu đăng ký các NV vào lớp 10 chuyên như sau: chuyên Lê Hồng Phong (NV1: 2.482; NV2: 311; NV3: 2.683; NV4: 375); chuyên Trần Đại Nghĩa (621; 1.283; 696; 1.914); Mạc Đĩnh Chi (629); Gia Định (271; 484); Nguyễn Thượng Hiền (589; 571); Nguyễn Hữu Huân (535); Củ Chi (120); Trung Phú (98); Nguyễn Hữu Cầu (265).

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh tham khảo và có thể điều chỉnh lại NV dự thi vào lớp 10 nếu cần. Thời gian điều chỉnh bắt đầu từ ngày 20.5 cho đến 25.5. Học sinh hủy đơn đăng ký cũ, làm đơn mới và nộp tại trường THCS đã học lớp 9.

Xem thông tin chi tiết về số học sinh đăng ký NV các trường THPT ở TP.HCM tại đây.

Buộc sinh viên đóng học phí cả năm

Nhiều sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) phản ảnh trường buộc sinh viên phải đóng học phí cho cả năm học. Một sinh viên ngành điều dưỡng cho biết: “Mỗi đầu năm sinh viên phải đóng gần 10 triệu đồng. Mặc dù vậy lịch học không ổn định, thậm chí có tháng lớp em chỉ học được bốn buổi (một tuần học một buổi), có tháng phải học cả sáng, trưa và tối (ngày học ba buổi để bù lại khoảng thời gian được nghỉ dài hạn như trên). Khi đăng ký thi lại môn học, dù là đăng ký trước ngày thi cũng không được, hạn cuối đóng tiền thi lại nhưng chỉ giải quyết vào buổi sáng, còn em đóng vào buổi chiều, thế là phải học lại. Nhà trường không tạo điều kiện cho sinh viên, chỉ biết thu tiền, dạy thì cứ cho nghỉ liên tục, đến lúc dư phòng học thì cho chúng em học bù cả sáng lẫn chiều tối. Do lịch học nhà trường không ổn định, cho nghỉ dài hạn, nên sinh viên quay về quê phụ gia đình, nhờ mấy bạn trên trường thông báo lịch học và thi lại nên dễ bị đăng ký trễ. Phải chăng trường tuyển sinh nhiều quá, không đủ phòng học, nhồi nhét học sinh đủ kiểu?”.

Trong khi đó, theo nghị định 49 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, học phí được thu định kỳ hằng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Như vậy, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã áp đặt việc thu học phí một lần cho cả năm (ghi rõ trong giấy báo nhập học) mà không có sự tự nguyện của sinh viên.

Bà Trần Ái Cầm (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: Qua nội dung phản ảnh thì đây là trường hợp sinh viên đang theo học hệ niên chế. Do vậy, việc thu học phí của hệ này theo kế hoạch của trường và được thu định kỳ theo năm học. Trong thông báo nhập học gửi cho sinh viên, trường thông báo học phí sẽ được thu theo từng năm học vào đầu mỗi năm. Về vấn đề học dồn, trường đã làm việc với khoa điều dưỡng và tổ giám thị, không phát hiện trường hợp sinh viên phải học dồn cả sáng, chiều và tối. Mặc dù vậy, có trường hợp sinh viên phải nghỉ nhiều do giảng viên bận chứ không phải trường không đủ phòng ốc.

Về vấn đề đăng ký thi lại theo quy định của trường, sinh viên phải đóng lệ phí thi lại trước kỳ thi hai ngày, do đó trường hợp đến ngày thi mà sinh viên đóng kịp, nhà trường vẫn linh động giải quyết cho thi trước và kiểm tra biên lai sau đó. Nếu có xảy ra trường hợp như sinh viên đã nêu, sinh viên phải phản ảnh trực tiếp với bộ phận chức năng của trường để giải quyết.

 

Tin cần biết:

Tỉ lệ chọi 2013

Điểm thi đại học 2013

 

Tin bài gốc: thanhnien - tuoitre

Kenhtuyensinh

Theo: thanhnien - tuoitre