"Tôi không nghĩ là Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Bản thân các trường, qua uy tín sẽ thu hút người học"- đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM.

Điểm chuẩn - điểm sàn là cách xác định khả năng thí sinh

- Vấn đề xây dựng điểm sàn kỳ thi ĐH đang có nhiều ý kiến khác nhau. Với cá nhân PGS, điểm sàn nên thực hiện theo nguyên tắc nào? Nếu duy trì điểm sàn thì cần những yếu tố căn bản nào nhằm đảm bảo nguồn tuyển cho các trường?

- Luật Giáo dục ĐH và chủ trương phân cấp các trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một chủ trương đúng, nhất là trong việc xác định mức độ ưu tiên đầu tư. Việc này vẫn chưa thể tiến hành nên chúng ta vẫn chưa thể “phân  cấp” các trường ĐH.

ĐH có uy tín đào tạo tất nhiên có thể có điểm tuyển sinh cao, các trường khác, nhất là các ngành học không thể tuyển người học thì điểm đầu vào được xác định thấp. Việc định điểm chuẩn, nhất là điểm sàn không chỉ nhằm đến việc tuyển đủ chỉ tiêu mà còn là xác định khả năng mà người trúng tuyển có thể học được.

Cho nên, theo tôi, khi đất nước còn khó khăn về kinh tế thì không thể lãng phí tiền của vào việc đào tạo bậc ĐH. Với các ĐH công, khi Nhà nước vẫn phải cấp kinh phí cho hoạt động của nhà trường thì qui định điểm sàn cao hơn là điều cần thiết. Với các trường tư thục, điểm sàn nên thấp hơn một chút, nhưng không phải là cứ có điểm thi là tuyển và tuyển cho đủ chỉ tiêu.

Tôi không nghĩ là Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Bản thân các trường, qua uy tín (bằng các sản phẩm được đào tạo) sẽ thu hút người học. Tôi thấy trong thực tế đã có các trường đại học tư thục làm được việc này (xin phép không kể tên ở đây).

Không hạ điểm sàn đại học

- Việc nhiều trường kêu gọi hạ điểm sàn để tăng nguồn tuyển (cho các trường ngoài công lập) PGS thấy ý kiến này hợp lý không? Là người quản lý một trường ĐH thuộc tốp trên, PGS nhìn nhận thế nào về mức điểm sàn thấp và cao? Việc các trường đòi tự xây dựng mức điểm sàn riêng cho trường mình có hợp lý không?

- Việc tuyển không đủ chỉ tiêu trong năm qua của các trường ĐH, trong đó có cả một số ngành của các ĐH công lập thuộc tốp trên có nhiều nguyên nhân mà trong đó việc xác định điểm sàn chỉ là một yếu tố. Tôi vẫn chưa thấy một công bố nghiên cứu nào về số (%) học sinh phổ thông mong muốn học ĐH, chúng ta cũng chưa thấy một công bố toàn diện nào về số sinh viên ra tốt nghiệp các trường ĐH ra trường có việc làm và bao nhiêu trong số đó có việc làm đúng nghề nghiệp… Có được các nghiên cứu đó thì việc định điểm sàn sẽ sát thực tế hơn.

Các ĐH thuộc tốp trên cũng không phải có điểm đầu vào tất cả các ngành đào tạo đều cao, có một số ngành cũng phải tuyển bằng điểm sàn mà vẫn không có người đăng ký. Tuy có sự khác nhau về điểm tuyển, nhưng không phải điểm tuyển phản ánh hết được trình độ học tập của thí sinh, điểm tuyển cao – thấp từng năm còn có sự cấu thành của đề thi: năm đề thi dễ thì điểm tuyển cao hơn năm đề thi khó.

Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ 1/1/2013 qui định quyền của các trường trong việc tuyển sinh. Bộ GD&ĐT đưa ra lộ trình tiếp tục 3 chung cho đến năm 2015 theo tôi là cần thiết, nhất là việc chung đề và đợt thi.

Còn điểm tuyển thì có thể để các trường lên phương án, Bộ sẽ quyết định nhưng không phải chỉ vì mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu. Tôi nghĩ Bộ chủ quản và các trường với trách nhiệm trong việc không để lãng phí thời gian và tiền bạc vào việc học ĐH của người học và cộng đồng sẽ đưa ra được phương án tuyển sinh hợp lý.

- Theo PGS, nếu chúng ta hạ điểm sàn, bỏ điểm sàn... chất lượng đào tạo của các trường có bị ảnh hưởng không? PGS đánh giá thế nào về công tác xây dựng điểm sàn hiện nay của Bộ GD-ĐT?

- Chất lượng đào tạo phụ thuộc chủ yếu ở quá trình đào tạo, nhưng nếu đầu vào tốt thì tất nhiên chúng ta có một nền tảng tốt, chúng ta có thể đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng cao. Chẳng có một nhà quản lý ĐH nào dám công bố cứ cho tôi tuyển những học sinh yếu kém, tôi sẽ đào tạo họ thành những nhà chuyên môn lành nghề.

Mà nói thật, nếu có người tuyên bố như vậy tôi cũng chẳng dám cho con em mình vào học các trường ĐH như thế. Cho nên, tôi nghĩ chúng ta không nên hạ điểm sàn chỉ để đạt mục tiêu tuyển đủ. Cái khó là xác định điểm sàn ra sao để người học có thể theo học và học được bậc ĐH.

Tôi nghĩ, điểm sàn vẫn cần thiết ít nhất là cho đến khi chúng ta đưa ra được cách thức tuyển sinh mới, khi các ĐH được chủ động hoàn toàn trong việc tuyển sinh và người học có được các thông tin tin cậy để lựa chọn nghề nghiệp hơn là tâm lý cứ vào đại học như của nhiều học sinh và phụ huynh hiện nay.

Tôi không nghi ngờ việc xác định điểm sàn và công tác xây dựng điểm sàn hiện nay ở Bộ. Nhưng tôi nghĩ việc xây dựng điểm sàn hiện nay sẽ dung hòa hơn, ít sự phản ứng từ các trường, từ xã hội hơn nếu có được sự tham gia của các trường.

 

 

Bạn muốn biết về:
Điểm sàn đại học từ năm 2008 trở lại đây

 

 

Kenhtuyensinh

Theo: baomoi