Điểm sàn đại học đang là rào cản của tuyển sinh

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 1-2013 đã nêu rõ:

Từ khoảng 2 năm trở lại đây và nhất là trong mùa tuyển sinh 2012, việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng như một số trường công lập ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Theo hiệp hội này, hầu hết các trường đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh, riêng năm 2012, trong số hơn 80 trường ngoài công lập chỉ có một số ít trường tuyển sinh được gần đủ hoặc đủ chỉ tiêu.

 

Điểm sàn đại học là điều quan tâm nhất mùa tuyển sinh 2013

 

Minh hoạ: Điểm sàn đại học là điều quan tâm nhất mùa tuyển sinh 2013


Phần lớn các trường chỉ tuyển được 30%-60%, không ít trường chỉ tuyển được 20%-30%, thậm chí có trường chỉ tuyển được lượng thí sinh không đáng kể. Lý do chính là vì nguồn tuyển sinh đã thực sự cạn kiệt bởi điểm sàn được xác định không hợp lý. Trong nhiều năm, tổng điểm 3 môn thi của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào khoảng 7-8/30 (trong khi điểm sàn được Bộ GD-ĐT chọn lại dao động từ 13-15).

Tại cuộc họp bàn về tuyển sinh của các trường ngoài công lập tại Hà Nội, lãnh đạo nhiều trường đã đưa ra phương án đề nghị bộ xác định mức điểm sàn riêng cho công lập - dân lập, cho lấy chỉ tiêu dự bị ĐH ở mức dưới điểm sàn chung và đặc biệt là phải xem xét lại cách thức ra đề. Ông Phan Trọng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, cho rằng bộ cần cải tiến cách ra đề thi để có phổ điểm tốt hơn, để tăng số lượng đầu vào. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho rằng bộ cần phải “làm đúng” về điểm sàn. Phải công khai phổ điểm của thí sinh, sau đó lấy điểm sàn ở mức sao cho có số lượng thí sinh từ sàn trở lên bằng 50% số lượng thí sinh dự thi.

Phát triển từ ý kiến của ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệp hội Các trường ngoài công lập đã đề nghị Bộ GD-ĐT từ kỳ thi tuyển sinh năm 2013 phải công khai phổ điểm của từng môn thi và phổ tổng điểm của 3 môn thi đối với từng khối thi. Điều này bảo đảm xã hội có thể đánh giá tính khách quan và tính tiêu chuẩn của từng đề thi cũng như của các bộ đề thi của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, nếu không bỏ điểm sàn, bộ phải lấy “điểm sàn tối thiểu” từ đỉnh phổ của tổng điểm 3 môn thi đối với từng khối thi. Bộ cần có quy định nhiều mức điểm sàn cho phù hợp với cơ cấu vùng miền, cơ cấu phân tầng của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay.


>> Hai phương án tính điểm sàn đại học năm 2013


Thầy Phan Thanh Nhuận (phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Quảng Nam):

Nguy hại từ việc "hạ sàn"

Việc hạ chuẩn đầu vào ĐH, CĐ vô cùng nguy hại trong điều kiện VN thừa thầy thiếu thợ nhiều năm qua. Trong khi đó, các trường nghề đua nhau lên CĐ, các trường CĐ lên ĐH, chỉ tiêu ĐH, CĐ vì thế cũng tăng theo. Công tác hướng nghiệp của ta hướng HS đến việc làm sao đậu ĐH chứ không hướng HS đến những con đường khác để vào đời. Chính sách tuyển sinh đang đẩy các trường trung cấp vào tình thế nguy hại hơn.

Theo tôi, nếu bộ thật sự muốn ưu tiên cho HS các vùng khó khăn, nên đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục phổ thông ở những địa phương đó, hỗ trợ để giảm cách biệt chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương. Hiện nay chưa có được cơ chế này, chúng ta không nên hạ sàn. Mặt khác, nếu muốn mở rộng đầu vào ĐH, CĐ ta có thể tham khảo mô hình trường cộng đồng ở các nước, tức là tạo điều kiện dễ dàng ở đầu vào ĐH, CĐ nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Nếu lỏng đầu vào, quá trình đào tạo cũng lỏng tất sẽ cho ra một nguồn nhân lực yếu, nguy hại cho xã hội.

 


Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới!

Kenhtuyensinh