Điểm chuẩn vào các trường nói chung sẽ ổn định

GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Dự kiến điểm chuẩn trung bình và các trường ĐH Đà Nẵng thấp hơn năm 2015

Đường biểu diễn phổ điểm các môn thi năm 2016 “trơn” do Bộ GD&ĐT hiệu chỉnh cách làm tròn điểm từng môn thi khi chấm. Các môn thi trắc nghiệm có phổ rất “trơn”.

Trung vị khối A gồm 3 môn Toán + Lý + Hóa = 5,25 + 6,20 + 5,40 = 16,85; trung vị khối A1 là 14,45 điểm.

Với trung vị khối A cao hơn, do đó, các trường kỹ thuật xét tuyển với các khối có độ ưu tiên như nhau thì đại đa số thí sinh trúng tuyển là thí sinh xét tuyển theo khối A.

Thí sinh xét tuyển theo khối A vào các chương trình chất lượng cao thì phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian học vì yêu cầu đầu ra ngoại ngữ của chương trình chất lượng cao là bậc 4/6 theo thang ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Kết quả cho thấy trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, các khối thi còn lại đều có điểm trung bình trên 15:

Nếu trong một ngành xét tuyển nhiều khối như A, A1, D1… thì các thí sinh thi khối A có lợi thế nhỏ so với các khối còn lại. Độ lệch giữa điểm trung bình môn Ngoại ngữ so với Toán, Lý, Hóa khoảng từ 1-1,5 điểm nên sẽ có sự khác biệt giữa điểm chuẩn giữa khối (đặc biệt giữa khối D và A) cùng một ngành.

Nếu điểm tổng 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ không thật sự cao thì nên dự tuyển vào các trường đào tạo chuyên ngoại ngữ để giảm bất lợi so với các ngành tuyển theo khối A, A1. Ngoài ra, nên chú ý các trường có áp dụng điểm chênh lệnh giữa các khối, ví dụ Khối D thấp hơn Khối A, A1 1 điểm…

Năm 2016, Điểm xét tuyển =  Tổng điểm các môn thuộc tổ hợp (cộng rồi làm tròn đến 0,25) + Điểm ưu tiên. Thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, 4 nguyện vọng.

Thí sinh cần xem kỹ về quy định xét tuyển của các trường đối với các tổ hợp để chọn tổ hợp đăng ký cho mình.

Nếu trường quy định điểm chuẩn các tổ hợp như nhau, ví dụ như trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) thì chọn tổ hợp nào mà điểm của mình là cao nhất.

Năm nay, khả năng phải dùng đến tiêu chí phụ sẽ thấp hơn năm ngoái, do cách tính điểm xét tuyển và số nguyện vọng thí sinh được đăng ký, không được rút hồ sơ.

Cơ hội học đúng ngành đăng ký của thí sinh sẽ cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh cần hết sức cân nhắc để chọn ngành, trường mà đăng ký dự tuyển. Nếu chọn không đúng thì có thể dễ dàng bị trượt đợt xét NVI.

Đối với các trường thuộc ĐH Đà Nẵng, qua nghiên cứu và phân tích chúng tôi có thể dự kiến điểm chuẩn trung bình thấp hơn năm 2015 khoảng 0,5 đến 0,75 điểm.

Một số ngành không được “hot” hoặc khối kinh tế có thể thấp hơn đến 1 - 1,25 điểm do năm nay chỉ tiêu của trường ĐH Kinh tế tăng khá nhiều. Tuy nhiên, do ĐH Đà Nẵng” tuyển sinh theo cụm nên thí sinh có nhiều sự lựa chọn ngành phù hợp cho mình hơn. (Hà Nguyên ghi)

TS Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng): Mức độ phân hóa điểm của các khối thi cao

Nhìn vào phổ điểm các cụm thi xét tuyển 2016, có thể thấy Toán, Lịch sử và Sinh học là những môn có độ phân hóa tương đối cao.

Nếu nhận xét về môn thi, các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, tiếng Anh có phổ điểm tương tự năm 2015. Môn Lịch sử có phổ điểm thấp hơn năm 2015 từ 0,25 đến 0,5 điểm; môn Địa lý thấp hơn từ 0,5 đến 1 điểm. Riêng môn Hóa học có sự chênh lệch rất lớn, có phổ điểm thấp hơn năm 2015 từ 1,5 - 2 điểm. So với các môn khác, môn Toán có độ phân hóa khá cao.

Về khối thi, ngoại trừ khối D1, phổ điểm các khối thi đều có đồ thị hình dạng gần với tháp chuông nên mức độ phân hóa các khối cao. Thứ tự các khối có độ phân hóa giảm dần, từ cao nhất là khối B, khối C, khối A và khối A1, khối D và D1 có độ phân hóa thấp nhất. Riêng khối D1, đỉnh hình chuông lệch sang trái hướng đến đỉnh từ 12,5 - 13,5.

Riêng môn tiếng Anh, có thể nhận định đề thi tiếng Anh năm nay khó. Đề thi làm tốt chức năng xét tuyển vào ĐH. (Hà Nguyên ghi)

Thầy Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai):  Phổ điểm đẹp, các trường không khó tuyển sinh

Phổ điểm các môn thi và các khối thi A, A1, B, C, D, D1 có sự phân hóa tốt, thuận lợi cho thí sinh chọn trường, còn các trường cũng không khó trong việc xét tuyển.

Đây là phổ điểm đẹp, nhất là đối với môn Hóa học. Nhìn tổng thể ở tất cả các môn thi và khối thi cho thấy: Điểm số không quá lệch, tức là không quá cao và cũng không quá thấp.

Điều này sẽ thuận lợi cho các trường tuyển sinh, còn thí sinh cũng không khó chọn trường để học.

Tôi nghĩ rằng, những trường top trên vẫn sẽ chọn được những thí sinh có điểm cao, còn những thí sinh có điểm từ 18 đến 22 có thể vào được những trường top giữa. Những thí sinh có điểm thấp hơn thì có thể vào những trường top dưới hoặc một số trường ngoài công lập.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Lạc Hồng khoảng 2.000 sinh viên, với phổ điểm này, thì trường sẽ không khó để tuyển đủ số lượng.

Đặc biệt, năm nay phổ điểm thi THPT quốc gia không quá thấp nên chất lượng đầu vào của các trường nói chung sẽ không kém. Tôi cho rằng, đây cũng là một thành công của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. (Sỹ Điền ghi)

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/diem-chuan-vao-cac-truong-noi-chung-se-on-dinh-2094800-c.html