Ráo riết tư vấn, ôn tập cho thí sinh

Ngay sau khi quy chế kỳ thi THPT quốc gia được ban hành, các địa phương đã kịp thời tổ chức các buổi phổ biến, tư vấn và lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Đây được xem là khâu quan trọng và một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… đã thực hiện tốt.

Địa phương chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia

Thí sinh nhận được nhiều thông tin tại ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Hà Nội là một trong những nơi triển khai sớm. Hàng loạt các “đầu việc” đã được Sở GD - ĐT Hà Nội đưa ra trong buổi phổ biến quy chế với lãnh đạo nhiều trường THPT.

Cụ thể, các trường cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định; thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình; bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện dự thi; tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu kém, học sinh nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập.

Ngày 15/3, Sở GD - ĐT Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GD - ĐT và báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh cho hàng ngàn thí sinh tại Hà Nội. Tại đây, chuyên gia tuyển sinh là lãnh đạo các trường đại học ở Hà Nội sẽ giải đáp các thắc mắc của thí sinh.

Về công tác dạy và học, Sở GD- ĐT Hà Nội yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt; học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận và dành nhiều thời gian cho việc tự học; đề thi có câu hỏi mở yêu cầu học sinh biết vận dụng trả lời; đề thi có tính phân hóa. Phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD - ĐT nhấn mạnh: Các trường cần tổ chức học tập quy chế thi THPT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 12 dự thi và nhấn mạnh những điểm mới trong quy chế thi.

Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hòa Bình, ngay sau khi Bộ GD- ĐT ban hành quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Sở đã yêu cầu các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, phổ biến hai quy chế tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, học viên đang học lớp 12.

“Sở đang tập hợp thống kê báo cáo của các trường về số lượng học sinh, học viên đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và số lượng học sinh dự thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Dựa trên thống kê này, Sở yêu cầu các trường lên kế hoạch ôn tập phù hợp”, ông Nguyễn Đức Lương khẳng định.

Một trong những ưu tiên tiếp theo là việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Sở GD - ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT phải thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi. Học sinh phải được phổ biến kỹ năng khi làm bài, đảm bảo có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Còn ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Định cho biết, đến thời điểm này, thí sinh cần tự đánh giá năng lực bản thân để tham khảo ý kiến thầy cô về việc lựa chọn môn tự chọn. Song song với đó là các trường phải thực hiện kế hoạch ôn thi. Đặc biệt quan tâm tới những học sinh yếu, trung bình. Phân loại học sinh để tổ chức lớp ôn tập phù hợp.
Trong buổi làm việc mới đây với Bộ GD- ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo từ nay cho đến trước khi tổ chức thi, Bộ cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định sao cho tạo được sự đồng thuận cao nhất trong toàn xã hội. Đồng thời, Bộ cần sớm có hướng dẫn chi tiết về đề thi để các trường tổ chức ôn tập.

TP Hồ Chí Minh cũng đã sớm có hướng dẫn việc tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12, trong đó nhấn mạnh đến học sinh yếu kém. Sở chỉ đạo lãnh đạo nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo theo môn ngay từ đầu học kỳ 2, chọn lọc giáo viên giảng dạy phù hợp và lớp không quá 25 học sinh.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu việc tổ chức ôn tập này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Nội dung ôn tập tập trung vào việc vừa ôn tập kiến thức, vừa giúp học sinh làm quen với cách thức làm bài thi nhằm đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ 2015).

Vẫn lúng túng trong ôn tập

Tuy nhiên, những nội dung chỉ đạo tới các trường cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung theo quy chế. Điều giáo viên, học sinh cần hơn cả là những hướng dẫn chi tiết trong ôn tập từng bộ môn mà Bộ GD- ĐT cần sớm ban hành. Điều này đã được nhấn mạnh trong cuộc họp bàn giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD - ĐT.

Một hiệu trưởng trường THPT tại Ninh Bình bày tỏ: “Trường vừa tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia theo dạng thử nghiệm nhằm đánh giá năng lực của học sinh. Nhưng việc làm này cũng chỉ là giải quyết tâm lý và mang hình thức ôn tập bình thường. Cái cần nhất bây giờ là hướng dẫn chi tiết của bộ cho từng môn thi. Hoặc cần cho thông tin có hay không sự phân hóa trong chương trình cơ bản và chương trình nâng cao trong đề thi năm nay”.

Còn cô N.T.N giáo viên dạy tiếng Anh trường THPT Nguyễn Huệ, Ninh Bình cho biết: “Nội dung ôn tập hiện nay khá rộng. Chúng tôi không biết “khoanh vùng” ôn tập cho học sinh ra sao. Những nội dung chỉ đạo về đề thi mà Bộ GD - ĐT thông tin (thường chúng tôi tự cập nhật qua báo chí) khá chung chung. Thực sự trong mỗi cuộc họp tổ là sự đau đầu. Những học sinh khá, giỏi, việc kèm cặp không khó, bởi các em có mục đích rõ ràng và nổi trội về học lực. Nhưng những học sinh trung bình chiếm một lượng lớn. Trong khi một kỳ thi đáp ứng hai mục đích như hiện nay là một đòi hỏi khá lớn cho nội dung ôn tập”.

“Tôi cho rằng năm nay Bộ chưa nên cho phần thi tự luận vào đề thi. Đây là điều khó với rất nhiều học sinh”, cô giáo này nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời những băn khoăn phạm vi đề thi năm 2015, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho hay, đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi có 2 nhóm câu hỏi trộn lẫn vào nhau, không tách biệt phần dùng để xét tốt nghiệp và phần để phân hóa xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thí sinh phải đọc hết cả đề thi để biết câu hỏi nào dễ và câu hỏi nào khó để bố trí thời gian làm bài hợp lý. Nhóm câu hỏi một có độ khó tương tự như kì thi tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên của năm 2014.

Bộ sẽ cân nhắc đến khối giáo dục thường xuyên, đảm bảo thí sinh lực học trung bình, thậm chí hơi yếu nhưng có sự cố gắng thì hoàn toàn làm được và đủ điều kiện để xét tốt nghiệp. Nhóm câu hỏi hai là nhằm phân hóa kết quả thi, nhờ đó mới xét tuyển ĐH, CĐ và giống đề thi ĐH-CĐ 2014. Mẫu thi có mẫu câu hỏi cơ bản và nâng cao.

“Các môn khoa học xã hội nhân văn sẽ tiếp tục áp dụng câu hỏi mở, vận dụng kiến thức thực tế, liên môn để làm bài. Giảm yêu cầu học sinh học thuộc. Điều này đã được thể hiện rõ nét ở năm 2014. Cụ thể, trong năm 2014 đề thi tốt nghiệp và đại học, môn Văn, Sử, Địa dữ liệu được đưa ngay vào bài thi. Nhiệm vụ của thí sinh là phân tích, bình luận. Hướng này sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2015. Đối với các môn khoa học tự nhiên yêu cầu vận dụng kiến thức thực tế để giải quyết câu hỏi”, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định.

Theo báo Tin tức, tin gốc: http://baotintuc.vn/giao-duc/dia-phuong-chuan-bi-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia-20150313004557368.htm

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp