Phương án thi bài thi đánh giá năng lực…

Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7. Dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực trên, ĐHQGHN sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp (đến điểm sàn xét tuyển quy định theo ngành học, loại chương trình đào tạo). Đối với kết quả kỳ thi chung tốt nghiệp THPT chỉ là điểm điều kiện để tham gia kỳ tuyển sinh ĐGNL.

Bên cạnh đó, trường hợp các thí sinh đăng ký vào các chương trình tài năng, chuẩn quốc tế (nhiệm vụ chiến lược), học tập – giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ phải làm thêm một bài kiểm tra ĐGNL ngoại ngữ. Riêng các trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, thí sinh bắt buộc phải làm thêm bài thi ngoãi ngữ xét tuyển. Môn thi so Trường ĐH Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật phù hợp với từng chương trình đào tạo. Từ đó, Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ xác định điểm sàn bài thi ĐGNL theo từng ngành sau đó lấy trúng tuyển theo điểm thi ngoại ngữ từ trên xuống.

Kỳ tuyển sinh 2015, ĐHQGHN sẽ tổ chức theo hai đợt riêng biệt trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tất cả các thí sinh trúng tuyển trong hai đợt thi nêu trên sẽ được vào học tại ĐHQGHN sau khi kiểm tra đối chiếu với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực…

Hình thức thi này về cơ bản tương tự bài thi SAT1 và SAT2 của Mỹ sau khi được cân nhắc và điều chỉnh để phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Để có thể giúp các thí sinh làm quen với dạng thức mới mẻ của bài thi, ĐHQGHN phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel công bố “Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu dưới hình thức thi thử miễn phí” trên trang thông tin điện tử của ĐHQGHN và trên chuyên trang giáo dục của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Từ đó, thí sinh có thể đánh giá được năng lực cá nhân và có kế hoạch ôn tập trước khi tham gia dự thi.

Bài thi mẫu của ĐHQGHN được tổng hợp từ các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi đã được chuẩn hóa dựa trên cấu trúc của ma trận bài thi đã được ĐHQGHN công bố. Bài thi này bao quát những  lĩnh vực kiến thức cơ bản của môn Toán học, môn Ngữ văn, các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội của bậc Trung học phổ thông; các câu hỏi của bài thi nhằm đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy của người học; các câu hỏi kiểm tra kiến thức sẽ được giảm dần, các câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn trong cuộc sống sẽ được tăng dần theo lộ trình thời gian thích hợp gắn liền với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục Trung học phổ thông.

Cấu trúc của bài thi sẽ gồm 3 phần với tổng số câu hỏi là 140 câu tương ứng 140 điểm, tổng thời gian làm bài 195 phút với hai phần thi bắt buộc là Tư duy định lượng – Toán học (50 câu hỏi, thời gian làm 80 phút) và Tư duy định tính – Ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm 60 phút); phần Tự chọn (40 câu hỏi, thời gian làm 55 phút), thí sinh được lựa chọn một trong hai phần là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Các thí sinh sẽ làm lần lượt từng phần thi theo thời gian quy định riêng cho mỗi phần và bấm nút “Hoàn thành” khi kết thúc. Mỗi phần thi chỉ được làm một lần duy nhất và khi ấn nút hoàn thành thì không được làm lại phần thi đó. Nếu hoàn thành sớm thì thời gian còn lại của phần thi đó không được cộng dồn sang các phần thi tiếp theo.

Ngay sau khi hoàn thành cả ba phần, thí sinh sẽ được xem kết quả thi của mình hiển thị trên trang kết quả gồm: tổng điểm, tổng số câu hỏi làm đúng, tổng thời gian làm bài, số câu hỏi làm đúng từng phần, chi tiết điểm từng phần, thời gian làm bài mỗi phần; phần xem chi tiết từng phần thi mà các em đã làm và đáp án đúng.

Hiện tại, thí sinh có thể truy cập theo địa chỉ http://www.vnu.vn hoặc http://www.viettelstudy.vn để làm bài thi.

Theo Báo Pháp luật xã hội, tin gốc: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/dh-quoc-gia-ha-noi-cong-bo-mau-bai-thi-danh-gia-nang-luc-tao-ky-tuyen-sinh-dh-2015-84698