Mặc dù phương án xác định hai mức điểm sàn cho kỳ thi ĐH, CĐ năm nay mới chỉ là dự kiến của Bộ GD-ĐT, có thể sẽ giúp các trường ngoài công lập (NCL) "dễ thở" hơn trong việc tuyển sinh. Song, chính các trường NCL lại tỏ ra không mấy mặn mà với "chiếc phao" mà Bộ GD-ĐT đưa ra.

Giải pháp trung dung

Sau rất nhiều ý kiến đổ lỗi cho điểm sàn, coi đó như một điểm nghẽn trong công tác tuyển sinh của các trường NCL, gần đây, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi nhằm cải tiến khâu này. Tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã hé lộ phương án xác định hai mức điểm sàn, thay vì chỉ có một mức như vẫn áp dụng trong các mùa tuyển sinh trước đây. Phương án mới này, có thể coi như nấc trung gian, dung hòa ý kiến đòi bỏ hẳn điểm sàn của các trường NCL với quan điểm giữ nguyên điểm sàn để giữ vững chất lượng đầu vào. Nếu nhận được sự đồng tình rộng rãi, phương án nói trên sẽ được đưa vào áp dụng ngay trong năm 2013.

Lý giải cho bước "đột phá" này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích một số hạn chế của quy định điểm sàn cũ: Điểm sàn, cho tới nay được xác định dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền, luôn ở mức cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được. Phương án đó thể hiện tính hiệu quả, nhất là khi nhu cầu học của người dân rất lớn nhưng số trường ít. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung đã tăng, người học có nhiều sự lựa chọn, nhiều thí sinh điểm trên mức sàn nhưng quyết tâm đeo đuổi việc thi vào học những ngành và trường mà mình yêu thích, không học những trường còn chỉ tiêu. Mặt khác, sinh viên ngày càng có xu thế dồn về các thành phố lớn để học tập, rất ít thí sinh trượt các trường ở đó quay về trường địa phương. Điều này dẫn tới thực trạng là dù hệ số dư dôi lớn, vẫn xảy ra tình trạng có trường không tuyển đủ thí sinh. Năm 2012, có khoảng 200 nghìn thí sinh thi ĐH có điểm dưới điểm sàn 2 điểm, trong khi chỉ tiêu còn thiếu của cả hệ ĐH, CĐ là 50 nghìn.

Với phương án mới, nôm na là có mức "điểm sàn dưới" và "điểm sàn trên", lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, yếu tố chất lượng vẫn được lấy làm mục tiêu số 1. Với điểm sàn trên, như lâu nay vẫn được duy trì, bảo đảm tuyển ít nhất 90% tổng chỉ tiêu; những thí sinh có năng lực thật sự nhưng đạt điểm thi thấp thì được tạo thêm cơ hội xét tuyển kèm theo kết quả thi phổ thông. Phương án cũng tạo điều kiện sử dụng hết công suất hiện có của hệ thống giáo dục ĐH, tránh đầu tư lãng phí.

Kiểm soát chỉ tiêu để tăng nguồn tuyển

Ngay sau khi phương án nói trên được đưa ra, Hiệp hội các trường NCL đã có những phản ứng khác nhau. Trong đó, ý kiến của một vài đại diện từng yêu cầu có "mức điểm sàn riêng cho trường NCL" đã trở nên nhạt nhòa trước quan điểm không đồng tình với ý tưởng duy trì 2 mức điểm sàn. Sự thiếu nhiệt tình của các trường NCL xuất phát từ nỗi lo, rằng sẽ bị phân biệt khi phải gắn với mức điểm sàn dưới. Ông Văn Đình Ưng, đại diện Hiệp hội cho rằng, cách này sẽ làm tăng nguồn tuyển, song lưu ý là các trường không muốn lựa chọn sự dễ dàng để rồi xã hội coi mình giống như những "công dân hạng 2".

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cũng cho rằng, nếu vẫn còn thi "3 chung" thì chỉ có thể có một mức sàn mà thôi. Đại diện Trường ĐH Thăng Long, bà Hoàng Xuân Sính thì thẳng thắn chỉ ra, đằng sau sự "chu đáo" thể hiện trong ý tưởng về hai mức sàn là "Bộ GD-ĐT lười, không muốn hạ điểm sàn xuống".

Hiệu trưởng Trường CĐ ASEAN Nguyễn Văn Tạo nêu ý kiến: Không thể xây dựng điểm sàn như cách các trường ĐH xây dựng điểm chuẩn cho khu vực nông thôn và thành thị, mà phải có quy định, có chuẩn mực.

Điểm sàn đại học không phải yếu tố gây khó tuyển sinh

Đại diện nhiều trường khẳng định, mấu chốt của việc khó tuyển sinh không hẳn là do điểm sàn, mà là do không còn nguồn tuyển và đề nghị Bộ GD-ĐT tập trung kiểm soát việc các trường công lập đào tạo tràn lan, không đúng nhiệm vụ, gây thiếu nguồn tuyển cho trường NCL. Ông Đỗ Doãn Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị đề xuất: Bộ GD-ĐT chỉ nên tập trung vào việc xét chỉ tiêu, trường nào bảo đảm được chỉ tiêu thì cho hoạt động, trường nào không bảo đảm được chỉ tiêu thì bỏ. Bộ cũng cần yêu cầu các trường tuyển đúng chỉ tiêu, không được vượt. Nếu các trường công lập tuyển vượt chỉ tiêu, số dư ra phải để cho các trường NCL và phải lấy điểm cao hơn điểm sàn. Không nên thờ ơ trước tình trạng trường công lập vượt ngoài chỉ tiêu rồi đào tạo sai nhiệm vụ, gây cạn nguồn tuyển của các trường NCL.

 

Đề xuất 2 mức điểm sàn đại học chỉ là thăm dò

 

Cùng quan điểm trên, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng: Nếu quan điểm của Bộ là chú trọng chất lượng thì thay vì hạ điểm sàn, cần khống chế chỉ tiêu của các trường công lập, thực hiện giảm chỉ tiêu của các trường này để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, các trường NCL cũng có cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu để bảo đảm điều kiện hoạt động và đầu tư giáo dục.

Bên cạnh vấn đề chỉ tiêu, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, ông Đỗ Văn Chừng cho rằng, để giải bài toán nguồn tuyển thì "cơ bản Bộ phải giải quyết được khâu đề thi, không được đánh đố. Bởi sự đánh đố trong đề thi tạo thêm điều kiện thúc đẩy tình trạng dạy thêm, học thêm, đồng thời tạo sự chênh lệch lớn giữa thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, khó đi đến một kỳ thi quốc gia chung”.

Trước sự cương quyết của Bộ GD-ĐT trong việc tiếp tục thi "3 chung" dù nhiều trường đưa ra phương án tuyển sinh riêng, bà Hoàng Xuân Sính đưa ra dự đoán: Các đề án tuyển sinh mới rất khó được chấp nhận ở thời điểm hiện tại.

 

Bạn muốn biết về:

Điểm sàn đại học 2013 được xác định như thế nào?

2 điểm sàn đại học chỉ tăng lượng ... cử nhân thất nghiệp

 

Tin bài gốc: Hanoimoi

Kenhtuyensinh

Theo: Hanoimoi