Trong đó, số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp khoảng 280.000, thí sinh thi với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH-CĐ hơn 590.000, số thí sinh tự do chỉ thi để lấy kết quả xét ĐH-CĐ là hơn 130.000. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên với nhiều sự đổi mới, phục vụ cho hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ, với sự tham gia của nhiều đối tượng thí sinh khác nhau…Vậy, đề thi THPT quốc gia năm 2015 có giống các năm trước, các câu hỏi có đạt được mục đích phân hóa thí sinh, thí sinh cần ôn tập như thế nào để tự tin trước kỳ thi mới…những vấn đề này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi như sau.

Đề thi THPT Quốc gia 2015: Câu dễ xếp trước, câu khó sau

Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: TNO

Đề thi THPT kỳ tuyển sinh 2015 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

* Thưa ông, mặc dù Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh hoạ nhưng nhiều học sinh vẫn chưa hình dung được mức độ đổi mới của đề thi THPT QG năm nay, ông có thể cho biết cụ thể?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Về kiến thức đề thi chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là lớp 12 giống như mọi năm. Các em cần bám sát đề thi minh hoạ để hình dung cấu trúc đề thi như thế nào để khi vào phòng thi không bỡ ngỡ. Vừa qua, sau khi Bộ công bố đề thi minh họa, các địa phương, các trường tổ chức thi thử cũng có nhận xét đánh giá gửi về Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Để rút kinh nghiệm cho thí sinh làm bài tốt hơn, Bộ đã thay đổi cách sắp xếp các câu hỏi trong đề thi để câu dễ, phần cơ bản thì xếp trước, câu khó để phân loại thì xếp sau để thí sinh khi vào phòng thi, yên tâm làm bài, không phải bối rối khi tìm câu nào phù hợp để làm bài. Về những câu hỏi trong đề thi, cũng giống như đề thi tốt nghiệp phổ thông hay ĐH-CĐ như năm ngoái, tức là sẽ hạn chế câu hỏi bắt học sinh thuộc lòng, trả lời máy móc…mà là câu hỏi mang tính kiểm tra năng lực học sinh.

* Thật ra kỳ thi năm nay có nhiều đối tượng thí sinh: thí sinh chỉ xét tốt nghiệp; thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH-CĐ; thí sinh tự do thi để lấy kết quả xét ĐH-CĐ, như vậy đề thi có tách thành hai phần độc lập để thí sinh dễ lựa chọn phần đúng với mục đích thi của mình hay không?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đề thi sẽ không phân biệt phần nào dùng để xét tốt nghiệp THPT, phần nào để tuyển sinh ĐH-CĐ. Nhưng, đề thi sẽ bố trí 60% kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao. Phần cơ bản dành cho học sinh thi để tốt nghiệp, học sinh trung bình… còn phần nâng cao dùng để phân loại học sinh tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Như vậy, phần cơ bản sẽ sắp xếp trước trong đề thi, để thí sinh nhìn vào có thể làm ngay những câu vừa sức, sau đó sẽ làm câu khó hơn. Các em thí sinh yên tâm, vì các em có kiến thức trung bình cũng có thể làm được bài.

Đề thi THPT Quốc gia 2015: Câu dễ xếp trước, câu khó sau

Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10 trong giờ thi thử môn Toán. Ảnh: Nhân dân

Tuyển sinh 2015: Đề thi không đánh đố và xếp từ dễ đến khó

* Vừa qua, kết quả thi thử THPT QG tại TPHCM không cao khiến cho không ít trường lao vào ôn luyện ngày đêm cho học sinh, ông nghĩ sao về vấn đề này, thưa ông?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong thời gian ngắn, việc ôn tập chủ yếu do chính các em tự ôn tập và hệ thống lại những kiến thức mình đã học để vào làm bài cho tốt. Lúc này các em không nên học thêm hay ôn luyện gì nhiều, bởi vì những kiến thức các em đã tích luỹ được rồi, các em cần hệ thống lại. Chỉ cần yêu cầu như vậy thôi là các em có thể làm được bài thi. Đề thi cũng không đánh đố, do đó các em không nên tốn thời gian vào lò luyện hoặc những kiến thức không cần thiết.

* Tâm lý chung của thí sinh vẫn là lo lắng, hoang mang trước kỳ thi đổi mới. Ông có lời khuyên gì cho thí sinh trước ngày thi?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, những đổi mới này đều có lợi cho thí sinh. Năm nay áp lực kỳ thi cũng giảm đi rất nhiều, thay vì 4 đợt như trước nay chỉ còn 1 đợt thi. Thời gian còn lại, các em nên tự mình hệ thống lại kiến thức đã học, giữ gìn sức khỏe, tỉnh táo để vào làm bài cho tốt. Khi vào làm bài, các em nên làm câu dễ trước, câu khó sau. Bằng những kinh nghiệm của bản thân mình, các em bình tĩnh, tự tin để làm bài cho tốt.

Các lưu ý khi đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ

* Sau khi có kết quả thi, thí sinh cần lưu ý về các mốc thời gian, thủ tục xét tuyển vào các trường ra sao?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đặc biệt năm nay có khoảng 200 trường ĐH-CĐ có đề án tuyển sinh riêng, những trường này chỉ xét tuyển kết quả phổ thông. Các em muốn đăng ký phải tìm hiểu điều kiện đầu vào bao nhiêu. Còn các trường tuyển sinh theo kết quả THPT quốc gia, ngoài tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng bổ sung những tổ hợp môn thi mới, các em cần biết để đăng ký cho phù hợp. Các em lưu ý, trong đợt xét tuyển đầu tiên, các em được rút hồ sơ nếu như cảm thấy hy vọng trúng tuyển không cao, để nộp vào trường khác trong thời gian còn hiệu lực xét tuyển của đợt 1.

Còn trong các đợt bổ sung, các em không được rút hồ sơ, chỉ được rút khi kết thúc đợt xét tuyển. Tuy nhiên, các em có 3 giấy báo điểm, các em có thể nộp một lúc hoặc nộp từng đợt xét tuyển, tùy các em lựa chọn. Cho nên việc xét tuyển sau khi có kết quả rất mềm dẻo, các em nên quan tâm đến trường mà mình định học, xem trên trang web của họ để có thông tin cụ thể để nộp hồ sơ cho phù hợp.

* Cám ơn ông.

Theo Đài tiếng nói TP.HCM, tin gốc: http://www.voh.com.vn/khoa-hoc-va-giao-duc/de-thi-thpt-quoc-gia-2015-cau-de-xep-truoc-cau-kho-sau-180850.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, xem điểm thi tốt nghiệp 2015, kỳ thi THPT quốc gia, thithptquocgia, thi thpt quoc gia