Dễ hơn cả thi thử

Mặc dù còn khoảng 30 phút nữa mới hết giờ thi nhưng nhiều thí sinh ở điểm thi tốt nghiệp 2016 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) đã ra về. “Đề dễ hơn cả thi thử ở trường”, một số thí sinh ở điểm thi này nhận xét.

Em Nguyễn Quốc Việt (học sinh Trường THPT Hồ Xuân Hương, Hà Nội) cho hay, so với 3 môn thi vừa qua, môn Ngữ Văn có đề thi dễ nhất vì đề thi rơi vào tác phẩm “muôn thuở” trong Văn học - truyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Em làm chỉ khoảng 2/3 thời gian thì hoàn thành bài thi. Các bạn trong phòng thi của em đều ra sớm.

“Đề Văn quá dễ, em làm hết nhưng chắc chắn được khoảng 6 điểm. Đề thi dễ hơn cả thi thử, dễ hơn đề thi năm ngoái và dễ hơn 2 môn thi của ngày đầu tiên. Mấy lần chúng em thi thử hoặc ôn tập, đều trúng vào các bài này nên em viết một lèo hết 2 tờ giấy và chờ hết thời gian để xin ra ngoài”, Phương Anh, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết.

Đề thi Ngữ Văn không mới mẻ như dư luận mong đợiThí sinh ra sớm sau môn thi Ngữ Văn ở điểm thi ĐH Bách khoa, Hà Nội.

Đề rơi vào các vấn đề “muôn thuở”

Đánh giá đề thi Ngữ Văn năm nay, Ths Phạm Hữu Cường (người có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ Văn) cho biết, cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm vừa rồi.

Đề thi năm nay vừa phải, nếu không nói là hơi dễ. Với đề thi này, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp hơn là xét tuyển vào Đại học.

Khả năng phân hóa của đề chưa cao vì các câu hỏi không đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ nhiều lắm. Có câu 3, câu 7 của phần đọc hiểu phân hóa được thí sinh một chút. Còn lại các câu hỏi khác chỉ cần kiến thức phổ thông. Học sinh trình độ trung bình khá đã có thể hoàn thành đề thi này.

Dự kiến với đề thi này, theo thầy Cường, phổ điểm trung bình sẽ rơi vào khoảng 6-7 điểm. Cũng có những học sinh khá giỏi có thể đạt 8-9 điểm. Riêng với điểm 10, chắc chắn chỉ đếm trên đầu ngón tay và theo dự đoán của thầy Cường, sẽ chỉ khoảng dưới chục em đạt điểm tối đa.

Nhìn chung, toàn bộ đề thi không đề cập nhiều đến các vấn đề thời sự, xã hội hiện nay mà đề cập đến vấn đề thông thường như: khát vọng bình thường và chính đáng, các phẩm chất hèn nhát và dũng khí, nhận xét về Tiếng Việt hoặc việc sống khép kín hay hòa nhập với cộng đồng... Mặc dù vậy, đề thi vẫn có khả năng lay động trái tim học sinh.

“Đề thi không mới và so với đề thi những năm trước, đề thi năm nay kém hơn một chút”, thầy Cường cho biết.

Xem thêm:


Nội dung kiểm tra kiến thức và kĩ năng không mới

Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) choi hay, đề vừa sức với học sinh nói chung, phổ điểm có thể từ 6-7,5.

Yêu cầu sáng rõ, minh bạch, không đánh đố hay lắt léo. Đề thi kiểm tra được kiến thức và kĩ năng cơ bản các em đã được cung cấp trong cấp học phổ thông.

Nội dung kiểm tra kiến thức và kĩ năng không mới, nhưng các câu hỏi đọc hiểu và nghị luận xã hội đã khơi sâu hơn mạch nguồn những xúc cảm thẩm mĩ và giá trị nhân văn cho người viết, đề cập được những vấn đề vừa muôn đời, vừa mang tính thời sự về cách sống trung thực, bản lĩnh, sự hoà nhập, sẻ chia trong cộng đồng xã hội.

Câu NLVH kiểm tra kiến thức cơ bản, trọng tâm của tác phẩm đồng thời vẫn khơi gợi những khát vọng vĩnh hằng của con người trong cuộc sống!

Tuy nhiên, theo cô Tuyết, có lẽ dư luận vẫn chờ đợi một đề thi Ngữ Văn với những góc nhìn mới mẻ và cập nhật sát hơn với cuộc sống xã hội xung quanh mình.

Thi THPT Quốc gia: \'Đề Văn dễ, chưa hay\'

Chưa hết thời gian làm bài thi nhưng nhiều thí sinh đã bước ra khỏi điểm thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Nhận định chung cho thấy, đề thi THPT quốc gia Ngữ Văn không khó, nhưng chưa thật sự đúng như kỳ vọng của học sinh.


“Thầy cô cho ôn tập rất nhiều các vấn đề thời sự, xã hội để phục vụ cho việc làm bài văn vì xu hướng vài năm nay thường ra đề mở. Tuy nhiên, đề Văn lại không như mình suy nghĩ, khá bình thường, dễ có điểm nhưng để bứt phá hẳn lên thì hơi khó”, thí sinh Nguyễn Huy Hoàng, Trường THPT Lý Thường Kiệt nói.


Theo đó, đề Văn có cấu trúc 3 phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần đọc hiểu (3 điểm) với nội dung phân tích một khổ thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” và một đoạn văn ngắn, được thí sinh cho là dễ làm nhất.


Phần nghị luận xã hội có nội dung “Hèn nhát sẽ khiến bạn đánh mất chính bản thân mình. Dũng khí sẽ giúp bạn là chính mình” được cho là “cơ bản”, “khuôn mẫu”...“Phần nghị luận được 3 điểm, bọn em có thể làm đủ ý, dễ có 2,5 điểm, nhưng để thể hiện hiểu biết và kiến thức xã hội thì chưa thật sự tạo ra hứng thú”, thí sinh Văn Giang, Trường THPT Việt Đức, Hà  Nội bày tỏ.“Vẫn có thể xen lẫn các quan điểm cá nhân, hiểu biết thời sự mà bọn em cập nhật hàng ngày để chứng minh cho đề nghị luận nhưng không có nhiều, bài làm cũng không quá xuất sắc”, thí sinh Mỹ Hòa, Trường THPT Hai Bà Trưng, Hà  Nội nói.Phần khó “ăn” điểm nhất được cho ở phần nghị luận văn học, với việc phân tích một tình huống trong tác phẩm Vợ Nhặt. Tình huống này được nhiều học sinh đánh giá có phần bất ngờ.Thí sinh đã kết thúc bài thi môn Ngữ Văn, với thời gian 180. “Đề Văn không quá khó, không đánh đố thí sinh, nhưng chưa thật sự hấp dẫn” là nhận định chung của nhiều em.

Chiều nay, các thí sinh sẽ bước vào môn thi Vật lý, với thời gian 90 phút.

 


Tổng hợp

(nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-de-van-de-chua-hay-719263.html, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-thi-ngu-van-khong-moi-me-nhu-du-luan-mong-doi-20160702113541899.htm)


Cập nhật điểm chuẩn đại học 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn