Đề thi bám sát vấn đề thời sự có công bằng?

Gần đây, xu hướng đề thi mở không chỉ giới hạn trong các bộ môn khoa học xã hội, mà còn mở rộng với tiếng Anh, Lịch sử, Sinh học, Vật lý, Hóa học. Một loạt các thông tin thời sự nóng như virus Zika, ca sĩ Trần Lập liên tiếp được giới thiệu trong đề thi thử, học sinh giỏi.

Tranh cãi về đề thi mở

Mùa thi đại học năm 2013, một nhận định trong cuốn sách John đi tìm Hùng của chàng trai Việt Kiều Trần Hùng John được đưa vào đề Ngữ văn khối D. Câu hỏi nghị luận tạo ra tranh cãi khi có luồng ý kiến nhiều người không biết anh ấy là ai, câu nói đặt trong hoàn cảnh nào, làm sao có thể làm bài tốt?

Đề thi Ngữ văn khối D năm 2012 yêu cầu học sinh trình bày ý kiến: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa". Dư luận một lần nữa băn khoăn đặt câu hỏi: Với những học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, xa, các em chưa từng thần tượng K-pop hay diễn viên, ca sĩ thì làm bài thế nào?

Thời gian qua, đề mở liên tiếp được giáo viên áp dụng sáng tạo trong các bộ đề. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, còn ý kiến băn khoăn: “Tại sao lại mang hình ảnh một ca sĩ thời thượng vào đề thi, tôi chưa bao giờ nghe tên họ cả?”; "Một bộ phim bom tấn chỉ chiếu ở rạp, học sinh nông thôn sao có điều kiện tiếp cận?".

Khi Bộ GD&ĐT thông báo chính thức, đề thi sẽ được ra theo hướng mở, đề cập vấn đề thời sự, nhiều học sinh cho biết, các em... vừa ôn thi vừa xem tivi. Nguyễn Hòa (học sinh ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Gần đến thời điểm thi THPT quốc gia, dù rất bận, em luôn dành thời gian để xem các bản tin trên truyền hình, đọc báo, vì bất cứ vấn đề nào cũng có thể vào đề thi.

Áp lực về một kỳ thi quan trọng như THPT quốc gia khiến đề thi mở vừa là xu hướng tất yếu được nhiều người ủng hộ, vừa khiến một bộ phận học sinh lo lắng khi không biết ôn tập thế nào, giáo viên lúng túng chưa biết dạy ra sao.

Trên diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, thầy Nguyễn Hiệp (Hòa Bình) nêu quan điểm: “Đề thi không nên quá lợi dụng về các vấn đề thời sự, bởi mức độ tiếp cận thông tin của học sinh trên đất nước chưa công bằng. Nếu học sinh thành phố có môi trường truyền thông tốt hơn thì những học sinh vùng sâu, xa, thậm chí những nơi chưa có điện lưới sẽ thiệt thòi”.

Thầy Hiệp đánh giá, ra đề thi mở là tốt nhưng nên cẩn trọng để tránh việc không công bằng với các em.

Lưu ý khi ra đề mở

Tiến sĩ văn học Phạm Hữu Cường, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, xu hướng đề thi mở của Bộ GD&ĐT đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tiếp thu được từ văn học và xã hội.

Giáo viên khi ra đề thi ôn luyện cho học sinh cần đảm bảo các yếu tố như thiết thực, bám sát đời sống xã hội, có sức lan tỏa và liên quan tuổi trẻ, gần gũi tâm sinh lý của các em. Những đề thi này không nên vượt quá tầm hiểu biết hoặc khả năng tiếp thu của học sinh.

Thầy Cường khẳng định, đề thi dù mở đến đâu cũng phải chứa dữ kiện để học sinh giải được. Giáo viên không thể đưa ra vấn đề vượt quá tầm hiểu biết, quá xa vời đối với học sinh.

Cô Nguyễn Thị Lâm, giáo viên một trường chuyên tại TP HCM – người luôn khiến học sinh thích thú bởi những tiết học, đề thi mới mẻ, nhận định: Đề mở cần tránh những vấn đề nhạy cảm như chuyện quá riêng tư, nhận thức về chính trị lớn lao vì các em chưa có cái nhìn đúng đắn. Đề bài cần nêu rõ yêu cầu là trình bày quan điểm hay chứng minh, tránh đánh đố học sinh.

Theo TS Phạm Hữu Cường, câu hỏi mở trong môn Ngữ văn thường nhằm mục đích phân loại học sinh, tạo cơ hội cho các em bày tỏ suy nghĩ, đánh giá của mình. Một học sinh mong muốn được điểm tốt cần đáp ứng được những yêu cầu này.

Vì vậy, trong hai năm trở lại đây, đáp án của Bộ GD&ĐT cũng rất mở, không đưa ra nội dung chi tiết để áp đặt. Học sinh cần thuyết phục người chấm bằng cách đưa ra quan điểm hợp tình, hợp lý, căn cứ logic.

Không biết vẫn có thể làm bài

Thầy Phạm Hữu Cường và cô Nguyễn Thị Lâm đều cho rằng, một đề thi mở đúng theo quy chuẩn không làm khó học sinh, càng không gây mất công bằng giữa học sinh thành phố và nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thầy Cường nhận định, một đề thi cho cuộc thi lớn như đề thi THPT quốc gia luôn đảm bảo cân đối trình độ của học sinh vùng miền. Thí sinh không nên quá lo lắng, ngay cả khi các em chưa từng biết đến vấn đề nêu trong bài.

Thầy Cường nêu ví dụ, với đề thi đưa bài hát "Đường đến ngày vinh quang" của nhạc sĩ Trần Lập có câu “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, một học sinh không biết đến Trần Lập hay chưa từng nghe bài hát vẫn có thể làm được. Bởi câu trích dẫn trong bài hát đã là “chìa khóa”. Đề thi không bắt buộc học sinh phân tích về cuộc đời của Trần Lập.

“Những hình ảnh, thông tin được đề cập chỉ là cái cớ để nâng cao quan điểm, tư tưởng, đạo lý cần được bàn luận trong đề thi”, thầy Cường chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Lâm tư vấn, để làm tốt đề thi mở, học sinh cần quan tâm các vấn đề thời sự thông qua kênh truyền hình, báo chí, bạn bè. Học sinh cần có vốn sống, không đánh giá vấn đề theo cách a dua đám đông. Điều quan trọng, học sinh cần nắm được phương pháp làm bài, cách giải quyết vấn đề, điều này đã được học rất kỹ trong chương trình phổ thông.

Đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giáo viên phải là người bổ khuyết kiến thức, không để các em thiệt thòi. Trong mỗi giờ học, giáo viên cần lồng ghép các vấn đề thời sự để lấy ý kiến học sinh, định hướng làm bài.


Theo Zing, nguồn: http://news.zing.vn/de-thi-bam-sat-van-de-thoi-su-co-cong-bang-post640498.html


Xem thêm tin tức tuyển sinh, tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn