Sự kiện: Tuyển sinh 2011, thông tin tuyển sinh, lịch sử

Điểm thi môn Sử thấp một cách bất ngờ, đó là vấn đề nhức nhối sau kì tuyển sinh ĐH-CĐ vừa rồi. Hàng ngàn điểm 0 môn Sử là hồi chuông báo động về chất lượng ngày càng đi xuống của việc dạy và học môn Lịch sử nói riêng, các môn xã hội nói chung.



Để học sinh say mê môn Lịch sử
Tôn Nữ Thùy Linh, Thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM gây ấn tượng với 9,5 điểm môn Lịch sử


Nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Lịch sử và khơi dậy niềm đam mê học Sử là điều những người tâm huyết với giáo dục nước nhà đang quan tâm.
Tại ngôi nhà nhỏ ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Tôn Nữ Thùy Linh đang chuẩn bị hành trang để bước vào Đại học. Kì tuyển sinh vừa rồi, cô học trò nghèo này đã xuất sắc đỗ thủ khoa Học viện hành chính quốc gia TP.HCM với 9,5 điểm môn Lịch sử. Nữ sinh có điểm Sử cao nhất nước, đó là tên gọi mà nhiều người yêu mến đặt cho Linh. Với Thùy Linh, lịch sử nước nhà không đơn thuần chỉ là một môn học như bao môn học khác. 


Tôn Nữ Thùy Linh, Thủ khoa Học viện hành chính quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Sử đem lại cho mình rất nhiều điều, hướng mình về cội nguồn dân tộc, rồi tự hào về lịch sử các thời đại, những chiến công của các anh hùng, và lịch sử cho mình tầm nhìn rộng ra thế giới”.


Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng yêu thích môn Lịch sử như Thùy Linh. Với nhiều em, môn sử là nỗi ám ảnh. Hàng ngàn điểm 0 môn thi Lịch sử trong kì thi tuyển sinh Đại học vừa qua khiến nhiều người không khỏi lo lắng trước thực trạng này.


Nhìn vào những tấm banner trên đường, người ta tự hỏi: Đâu là chỗ đứng cho môn Lịch sử? Có nhiều nguyên nhân khiến môn Sử bị xem là môn học phụ, “lép vế” hơn những môn tự nhiên khác, trong đó phải kể đến những tác động từ người thầy.


Trương Thị Tiểu Loan, Cựu học sinh lớp 12 trường THPT Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) cho biết: “Tất cả các bạn cũng như em đều thích học môn Lịch sử, nhưng thầy cô dạy quá khô khan trong khi tụi em thích có những câu chuyện hay về lịch sử. Những năm nào mà thầy cô dạy quá khô khan từ sách giáo khoa thì tụi em học để đối phó”.


Theo Thầy Đặng Công Thành, Giáo viên lịch sử trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng: “Khi thầy cô làm chủ được tiết học thì học sinh sẽ phấn khởi và sẽ đặt niềm tin khi người thầy vừa thả hồn, vừa làm chủ được kiến thức của một tiết học. Không nhất thiết là tiết nào cũng phải gượng ép để kể chuyện, nhưng mà sẽ cố gắng nếu có từ 1 đến 2 mẩu chuyện gắn với tiết học đó thì nên thay đổi không khí trong tiết học”.


Câu chuyện của cô thủ khoa yêu môn Sử Tôn Nữ Thùy Linh cùng kết quả môn thi lịch sử trong các kỳ thi Đại học vừa qua đã cho chúng ta cái nhìn chính xác hơn về thực tế dạy và học Sử.


Làm thế nào để khơi dậy niềm say mê của học sinh với môn Lịch sử? Đằng sau những sự kiện đầy ắp, những số liệu khô khan, người thầy phải biết cách thắp lên và truyền được ngọn lửa từ mỗi giờ giảng của mình về lòng tự hào dân tộc, về lòng biết ơn đối với những bậc tiền bối đã có công gìn giữ bờ cõi, xây dựng nước nhà. Niềm tự hào về lịch sử nước nhà, đó là cội rễ để nảy mầm lòng yêu nước từ mỗi con người.



Tuyển sinh nguyện vọng 2, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh đại học, tuyển sinh NV2

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.

Kênh tuyển Sinh ( Nguồn Dân Trí )