Dạy văn như thế nào để người học say mê, khơi gợi được ngọn lửa sáng tạo; học thế nào để dung hòa với việc thi cử và bồi đắp tâm hồn là một câu chuyện dài. Dạy được một tiết văn hay phụ thuộc rất nhiều tham số: tâm trạng người học, tâm thế người dạy, chất văn của tác phẩm…

Truyền cảm hứng

Trò phải có thiện chí biết mình học để làm gì. Nếu học vì điểm, vì bắt buộc, tâm thế bị ép buộc thì sẽ không có cảm hứng, mà văn lại rất cần cảm hứng mới có thể đi vào lòng người và khắc vào tâm khảm.

Thay đổi phương pháp dạy môn văn từ đổi mới đề thi

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được nhập vai trong các chuyên đề văn học.

Hãy dành nhiều tiết cho học sinh tranh luận với nhau và đối thoại với thầy cô một cách chân thành, cởi mở. Hãy lắng nghe những vướng mắc, suy nghĩ của trò để thầy thấu hiểu, chia sẻ và có sự điều chỉnh phù hợp. Thầy phải say nghề, phải có năng lực để những lời giảng đi từ cảm xúc thật sự. Đã có những thầy cô dạy văn trở thành người khai sáng tâm hồn học sinh.

Để giờ văn thực sự thu hút thì cần phải có sự đa dạng trong cách dạy, khuyến khích học sinh thuyết trình, thảo luận; tập đóng vai, hóa thân vào nhân vật kết hợp xem phim ảnh và nghe những bài hát có cùng chủ đề. Những điều này đã có rất nhiều thầy cô làm nhưng chưa thành một chuỗi hệ thống được tổ chức thường xuyên. Thực tế, khi dạy tác phẩm Những đứa con trong gia đình, giáo viên cho học sinh xem phim Mùi cỏ cháy và đã có tác động rất lớn: Những dòng nước mắt lăn trên má, cảm nhận thật hay về nhân  vật, sự thay đổi tích cực của các em...

Hiện nay, hầu hết giờ văn chỉ học trong phòng cố định mà chưa có sự thay đổi hay cho phép học sinh và thầy cô di chuyển ra ngoài để phù hợp với cảm hứng cho từng tác phẩm. Đặc biệt, hình thức đóng vai nhân vật thay vì đọc tác phẩm hoặc hình thức sân khấu hóa sẽ rất được học sinh yêu thích.

Thay đổi cách ra đề

Thi cử, đánh giá môn văn phải công bằng, sát với thực tế, đúng với trình độ người học. Rất nhiều trường hợp năng lực của học sinh rất tốt nhưng khi đi thi điểm lại thấp đã xảy ra. Tình trạng này dẫn đến tâm lý chán nản của học sinh.

Hơn nữa, đề thi của chúng ta quá sâu - đúng kiểu của nhà phê bình, ngay cả giáo viên cũng khó lòng đáp ứng hết yêu cầu đáp án. Cái khó của người ra đề là đề thi phải luôn mới, trong khi bài đã quá cũ, đã cày ải hàng chục lần. Vì vậy, đề thi không nhất thiết phải là những tác phẩm trong sách giáo khoa.

Chương trình phải có biên độ mở để giáo viên có quyền lựa chọn những tác phẩm tạo hứng thú cho người học, người ra đề có đất dụng võ để đề thi vừa tầm, hợp sức, thiết thực, không quá sâu về chuyên môn.

Theo NLĐ, http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/day-van-can-su-bien-hoa-20150115211930887.htm