Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến nay, qua thống kê đề án tuyển sinh 2015 của hơn 300 trường đại học, cao đẳng, môn thi được các trường lựa chọn nhiều nhất là Toán và Văn. Trong phương án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2015 vừa công bố, ngoài khối D cũ ra thì có đến 15 ngành đào tạo có sự xuất hiện của môn Văn. Còn tại một số trường đại học ở khu vực phía Nam, Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định đưa môn Văn vào xét tuyển cho các ngành kỹ thuật. Hay, đề án tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng đưa môn Văn vào tổ hợp các môn để xét tuyển khoa Vật lý.

Phương pháp dạy văn chương trình phổ thông có hiệu quả?

Thầy và trò Trường THPT chuyên  Hà Nội - Amsterdam trong giờ lên lớp. Ảnh: Thu Hà.

Ngày 10-10-2014, tại Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường Y Dược Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu ý tưởng, các trường y dược nên xét tuyển tổ hợp ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ bên cạnh các môn tự chọn là Hóa học với ngành dược, sinh học với ngành y. Lý do mà Bộ trưởng đưa ra là môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Bộ trưởng đã đưa ra ví dụ, một số chuyên viên ở bộ này khi làm công văn vẫn sai ngữ pháp, nếu đọc nguyên bản các văn bản ấy sẽ "rất dễ đứt mạch máu não".
Về nội dung này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y. Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, môn Văn vừa giúp bác sĩ có năng lực ngôn ngữ, giao tiếp tốt với bệnh nhân, vừa bồi dưỡng tâm hồn, tính nhân văn khiến bác sĩ dễ cảm thông với bệnh nhân và tận tụy cứu chữa.

Còn một kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học về "đầu quân" cho Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim, TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Khi còn học phổ thông, tôi chỉ tập trung học ba môn Toán, Lý, Hóa để thi vào trường kinh tế. Nhưng khi học xong đại học và ra trường tôi mới nhận ra một điều, hai môn Vật lý và Hóa học chẳng ứng dụng được nhiều trong công việc hằng ngày của mình. Trong khi đó, các môn: Văn học, Lịch sử, Địa lý mà ngày xưa tụi học sinh khối A chúng tôi vẫn coi là môn “phụ”, chỉ học cho qua chuyện, giờ lại hết sức cần thiết, quan trọng; đi giao tiếp, ngồi soạn văn bản… luôn đụng phải nó. Biết thế này, trước đây tôi chú ý học đều các môn thì giờ đỡ vất vả”.

Có thể nói, sau một quá trình kiểm nghiệm và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, đời sống hiện đại thì những giá trị và tính ứng dụng thực tế cao của môn Văn đã được các trường đại học, các nhà quản lý nhìn nhận đúng mức. Đây là một cơ sở chính yếu để họ mạnh dạn đề xuất, đưa vào xét tuyển đại học. Một khi môn Ngữ văn xác lập được vị trí vững vàng, rộng rãi của mình thì đây thực sự là tín hiệu vui đối với đội ngũ thầy giáo, cô giáo dạy môn học này ở nhà trường phổ thông. Điều kiện xét tuyển đại học ở các ngành có thêm môn Ngữ văn tham gia, sẽ tạo thêm động lực, chất xúc tác để thúc đẩy chất lượng dạy và học bộ môn này ở trường phổ thông tốt hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, cái căn cơ, cốt lõi không nằm ở mấy môn thi, cách lựa chọn xét tuyển mà phải xuất phát từ nội tại, có cuộc cải biến, cuộc “cách mạng” triệt để từ nhiều phương diện liên quan đến hoạt động dạy học môn Ngữ văn. Trước hết, trong thiết kế, biên soạn nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới bộ môn này ở thời gian sắp tới cần toát lên được đặc trưng, chức năng của môn học khoa học, môn học công cụ và môn học giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân văn. Cắt bỏ những kiến thức trùng lặp, hàn lâm, vô bổ, ít có tính ứng dụng, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; chọn lọc, bổ sung thêm những tác phẩm, văn bản hiện đại, tăng cường thời lượng thực hành cho phần làm Văn và tiếng Việt. Tiếp đến, cần có sự quan tâm, đầu tư đặc biệt tới đội ngũ giáo viên-lực lượng, yếu tố quyết định của chất lượng dạy học Văn. Học được Văn, học giỏi môn Văn thực sự không dễ, tốn nhiều thời gian đọc sách, rèn luyện câu chữ, do đặc thù môn học.

Học Văn tiến bộ, học Văn được (chưa nói học giỏi Văn) là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều ở tính kiên trì, chịu khó của người học. Nói tóm lại, chất lượng dạy học môn Ngữ văn chỉ đạt kết quả tốt khi có sự đồng bộ, đổi thay từ nội dung, chương trình; chất lượng, phương pháp người dạy và đặc biệt là thái độ, ý thức của từng em học sinh và quan niệm của xã hội về tác dụng của môn học này.

Theo Quân đội nhân dân, tin gốc: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/day-va-hoc-mon-ngu-van-dau-co-de/339498.html

Từ khóa: Môn ngữ văn, phương pháp dạy học