>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Hiện nay, trong lĩnh vực đào tạo nghề, số lượng các cơ sở giáo dục công lập vẫn giữ vai trò chủ đạo (khoảng 65% cơ sở dạy nghề công).

Nhưng cách đầu tư dàn trải, cào bằng, chi ngân sách tính trên đầu học sinh đã khiến cho các trường nghề thiếu linh hoạt trong đào tạo, chạy theo số lượng chứ không chú trọng chất lượng và hậu quả là: Học sinh học nghề không đáp ứng được những yêu cầu của xã hội về trình độ tay nghề.

Chưa đào tạo những ngành xã hội cần

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số lượng tuyển sinh dạy nghề tăng từ 887,3 nghìn người năm 2001 (trong đó các cơ sở công lập thu hút hơn 80%) lên 1,860 triệu người năm 2011 (tỷ lệ thu hút người học ở các cơ sở công là 62%).

Trên thực tế, đào tạo nghề của Việt Nam hiện nay đang theo hướng: Đào tạo những gì mình có mà không đào tạo những gì xã hội cần. Các cơ sở dạy nghề thường hướng tới đào tạo các nghề có mức đầu tư thấp như: Thương mại, kế toán… trong khi lao động thuộc những nghề này đang có xu hướng dư thừa; giảm dần mức đầu tư cho những nghề mang tính kỹ thuật, trong khi chính những ngành nghề này mới là nghề thị trường lao động và doanh nghiệp cần.

Chỉ tính riêng vấn đề đào tạo nghề ở Hà Nội, theo GĐ Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Đình Đức, qua khảo sát 867.794 hộ gia đình với 2.129.469 lao động trên địa bàn 20 quận, huyện, chỉ có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Hiện nay, ngoài số ít người trong độ tuổi lao động ở nông thôn tiếp tục học ĐH, CĐ, trung cấp, còn lại phần lớn đang lựa chọn các nghề lao động tự do, việc làm thời vụ, không đòi hỏi có tay nghề, mà chỉ cần có sức khỏe. Nhiều người cho biết, lựa chọn như vậy, bởi chi phí học nghề cao, mà ra trường chưa chắc đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập đủ sống.

***Hướng khả thi cho phân luồng học sinh vào trường nghề

đào tạo trường nghề

Đầu tư cho đào tạo nghề còn dàn trải dẫn đến thiếu tập trung cho ngành mũi nhọn theo nhu cầu mà thị trường cần.     Ảnh: TL

Đầu tư dàn trải, gây lãng phí

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì hiện nay cơ chế phân bổ ngân sách cho đào tạo nghề ở các cơ sở công lập cũng là nguyên nhân làm phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến việc các cơ sở dạy nghề thiếu linh hoạt sáng tạo trong việc đổi mới ngành nghề và phương thức dạy.

Nhìn chung, ngân sách được giao ổn định cho các cơ sở dạy nghề nhưng mức phân bổ lại khác nhau theo từng địa phương, ngân sách lại căn cứ theo kế hoạch về chỉ tiêu số lượng học sinh được phê duyệt. Chính vì thế dẫn đến tình trạng các trường chỉ chú trọng mở rộng ngành nghề đào tạo, thêm nhiều học sinh đồng nghĩa với việc thêm ngân sách, chạy theo số lượng chứ không phải chất lượng. Vấn đề phân bổ kinh phí ở nhiều nơi còn mang tính chất cào bằng, dàn trải.

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng: Rõ ràng việc phân bổ ngân sách như hiện nay có khá nhiều điểm bất hợp lý và tạo ra những động lực méo mó trong phân bổ nguồn lực, dẫn đến lãng phí ngân sách. Ngân sách chi thường xuyên được tính trên số lượng học sinh và thời gian học nên các cơ sở dạy nghề phải tính đến việc thu nhận càng nhiều học sinh càng tốt, có nghề chỉ cần đào tạo trong 3 tháng là đủ nhưng kinh phí phân bổ 6 tháng nên buộc phải kéo dài thời gian đào tạo đến 6 tháng.

Chính vì những khó khăn còn tồn tại đó mà nhiều ý kiến đã đề xuất về việc cần thay đổi công tác dạy nghề trên nhiều phương diện: Đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, cho phép các trường được linh hoạt hơn trong khung chương trình đào tạo nghề. Đặc biệt phải thay đổi phương thức phân bổ ngân sách, tức là đầu tư tập trung, đồng bộ theo nghề, phân bổ tài chính có gắn với kiểm soát đầu ra và phải từng bước cắt giảm kinh phí chi thường xuyên, áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo nguyên tắc: Giao việc – giao kinh phí. Đồng thời thí điểm khả năng chuyển đổi một số cơ sở dạy nghề chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội để tăng tính chủ động, sáng tạo và chịu đổi mới cho các cơ sở nghề.

Theo Phan Thủy, phapluatxahoi