Cô, trò cùng say mê với bài họcCô, trò cùng say mê với bài học

Trường Tiểu học số 2 Phong Hải (Bảo Thắng)  là một trong những trường tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) có thành tích tốt về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Đang loay hoay tìm đề tài để viết bài về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, tôi được cô Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai) giới thiệu đến Trường Tiểu học số 2 Phong Hải (Bảo Thắng) -một trong những trường tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) có thành tích tốt về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Đổi mới nhận thức, phân công khoa học

Theo lời giới thiệu của cô Trần Thị Minh Thu, chúng tôi tìm đến ngôi trường với gần một nửa là học sinh dân tộc thiểu số và nhiều điểm trường nằm trên những thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn của Lào Cai.

Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, có đi, có đến mới cảm nhận hết được không khí lao động và học tập hăng say của thầy, trò nơi đây.

Lướt qua bảng phân công công việc và thời khóa biểu của nhà trường, chúng tôi khá ấn tượng bởi cách bố trí, phân công lao động khoa học, đảm bảo hài hòa giữa các hoạt động giáo dục.

Cô Trần Thị Vân Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có được sự thay đổi trên là nhờ vào SEQAP. Kể từ khi tham gia chương trình này, chúng tôi đã được tham dự các lớp tập huấn do SEQAP tổ chức theo từng mô đun cụ thể như: Tổ chức các câu lạc bộ ở trường, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, phương pháp Bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học tích cực và phương pháp tổ chức, quản lý lớp học.

Từ đó, chúng tôi đã có những thay đổi hợp lý trong quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học. Đặc biệt, với mỗi giáo viên cũng đã có những thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy để áp dụng phù hợp với học sinh của nhà trường. Có thể nói, SEQAP đã có những tác động tích cực, hiệu quả đến nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên chúng tôi”.

Cô Vân Anh dẫn giải: Thực hiện hướng dẫn dạy học cả ngày của SEQAP, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu như một chỉnh thể từ tiết 1 - 7 (hoặc 8), xen kẽ các hoạt động giáo dục tăng cường thời gian cho tổ chức cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức các loại hình câu lạc bộ học sinh các loại hình thư viện trong nhà trường.

“Việc bố trí sắp xếp từng tiết học cũng được thực hiện dựa trên trình độ của học sinh và tình hình thực tế tại các điểm trường. Ví dụ: Học sinh ở điểm lẻ còn nhiều hạn chế về kỹ năng đọc, tính toán, giáo viên có thể tăng cường các môn Tiếng Việt, Toán và các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Còn học sinh ở điểm trung tâm, giáo viên có thể giảm tiết tăng cường để bố trí các môn tự chọn và hoạt động tập thể” – cô Vân Anh cho hay.

Cũng theo cô Vân Anh, để đảm bảo giáo viên dạy ở các điểm trường có thời gian nghỉ ngơi, nhà trường đã linh hoạt bố trí người dạy thay. Thậm chí cắt cử cả Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Tổng phụ trách Đội vào dạy luân phiên để giáo viên có thể nghỉ ngơi vào các buổi chiều trong tuần.

Thầy, trò đều hăng say

Trực tiếp quan sát tiết học của lớp 3A1 do cô Trịnh Thị Hoài Thu đảm nhiệm, chúng tôi nhận thấy, mặc dù đã cuối buổi sáng, nhưng tinh thần học tập của học sinh vẫn rất sôi nổi. Mỗi câu hỏi, hoạt động cô Thu đưa ra đều được học sinh cả lớp tích cực, chủ động tham gia.

Cô Thu cho biết, kể từ khi tham gia SEQAP, không khí học tập của các em rất sôi động. Có được kết quả trên là nhờ vào những đổi mới trong tổ chức hoạt động dạy học của nhà trường.

Cô Thu dẫn giải, ngoài dạy học những môn học chính khóa của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động nội, ngoại khóa nhằm giúp học sinh được phát triển toàn diện về Đức - Trí -Thể - Mĩ, song cũng là tạo điều kiện cho giáo viên chủ nhiệm có thời gian nghỉ ngơi hợp lí. Cụ thể, cứ 3 tiết chính khóa do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm thì sẽ có 1 tiết của giáo viên chuyên biệt.

“Với cách sắp xếp như vậy giáo viên chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng mỗi khi lên lớp, còn học sinh thì thoải mái và hứng thú hơn trong học tập vì không phải gò bó ngồi học từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều với những bài học trong sách giáo khoa” - cô Thu bộc bạch.

Những chuyển biến rõ nét

Song điều mà cô Thu hài lòng nhất đó là, việc bố trí, sắp xếp kế hoạch giáo dục, thời khóa biểu linh hoạt, khoa học đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục trong nhà trường. Học sinh thích đi học, thích tới lớp, tới trường và thêm gắn bó, yêu quý thầy cô, bạn bè.

Điều đáng nói là phụ huynh đã tin tưởng, yên tâm khi gửi gắm con em đến trường và đã cùng “xắn tay” với nhà trường trong việc giáo dục, dạy dỗ con em mình.

Tiếp lời cô Thu, Hiệu trưởng Trần Thị Vân Anh hồ hởi nói: Từ khi thực hiện dạy học cả ngày với các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa, học sinh rất thích đến trường nên không còn hiện tượng học sinh nghỉ học.

Ngoài ra, do được rèn luyện kiến thức qua các tiết học tăng cường nên chất lượng học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt.

“Từ khi tham gia SEQAP, hàng năm tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi của nhà trường chiếm trên 60%. Các hội thi do huyện tổ chức như: Cuộc thi giải Toán trên mạng cấp huyện, trường có 3 em đoạt các giải: Nhất, Nhì, Ba.

Hay Hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lào Cai lần thứ nhất, nhóm học sinh của trường đã đạt giải Ba cấp tỉnh. Tham gia hội thi Khám phá khoa học của huyện Bảo Thắng, các em cũng mang về cho trường 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba. Hội thi năng khiếu nghệ thuật cấp huyện, đội tuyển học sinh của trường đã đoạt giải Nhì toàn đoàn.

Sau hơn 2 năm tham gia SEQAP, trường đã xây dựng thành công trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I” -cô Trần Thị Vân Anh vui mừng chia sẻ.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)