Dạy chuyên kiểu ‘gà chọi’, học sinh đuối sứcMột học sinh tham gia trò chơi toán học - Ảnh: Lê Hạnh

Hôm qua 20.12, tọa đàm “Chuyên toán đi về đâu?” đã được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.

Lệch lạc phát triển

Nhìn nhận về thực trạng đào tạo chuyên toán hiện nay, nhiều nhà toán học cho rằng có sự vênh nhau về quan niệm, từ đó dẫn đến sự lệch lạc trong con đường phát triển của hệ thống chuyên toán.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận xét bấy lâu nay dư luận xã hội vẫn ví von các lớp chuyên toán như nơi nuôi gà chọi, xuất phát từ thực tế dạy học chạy theo thành tích giáo dục ở nhiều nơi. Việc “nuôi gà chọi” cũng khó tránh khi cơ chế thi chọn học sinh (HS) giỏi của ta hiện nay khiến trong một thời gian ngắn người thầy phải nhồi nhét cho HS nhiều kiến thức, trong khi thiếu thời gian để dẫn dắt, hướng dẫn để người học tự khám phá, tìm lời giải cho các bài toán khó.
Chẳng hạn, do nằm trong danh sách nguồn đội tuyển, nhiều HS buộc phải học hết chương trình môn toán của 3 năm THPT chỉ trong 1 - 1,5 năm. “Thế giới họ cũng chọn HS giỏi từ các lớp dưới nhưng khi tuyển chọn họ ra đề thi phù hợp với kiến thức lớp học mà HS đang theo. Còn ở ta, dù đang học lớp 10 - 11, đã thi chọn đội tuyển quốc gia thì các em phải làm đề chung với các anh chị lớp 12. Để làm được bài, các em buộc phải học vội vàng cấp tập cả một khối lượng kiến thức rất lớn trong một thời gian ngắn”, ông Trần Nam Dũng nêu ví dụ.
Còn GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, so sánh những thành tích mà VN đạt được trong đào tạo chuyên toán tương tự như thành tích trong lĩnh vực cờ vua. Ở các lứa tuổi bé, chúng ta có những nhân tố nhất - nhì thế giới, nhưng đến các lứa tuổi lớn hơn thì họ mất hút. “Phải chăng, với mô hình chuyên toán, ta đã bắt các em khởi hành quá sớm, sau đó lại không có biện pháp hỗ trợ phù hợp, nên các em đã đuối sức khi đi xa?”, ông Hưng đặt vấn đề.
Theo PGS Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học VN, rất cần chuyên toán ở phổ thông nhưng phải xây dựng một hệ thống chuyên toán như thế nào để không trở thành “gà chọi”.

Đuối sức đường xa

Trong phần hỏi đáp của tọa đàm, anh Đặng Thành Trung, giáo viên chuyên toán của một tỉnh phía bắc, bày tỏ: “Chuyên toán nên bắt đầu từ thời điểm nào?”. Anh Ngô Văn Minh, giáo viên Trường THCS Archimedes (Hà Nội), cũng chia sẻ: “Các kỳ thi quốc gia bậc tiểu học và THCS dành cho HS giỏi toán nay đã bỏ hết nhưng nhu cầu thực tế vẫn còn nên hiện có khoảng 20 cuộc thi toán tự phát, dù lệ phí thi rất đắt nhưng phụ huynh vẫn đăng ký ào ào”…
Những băn khoăn này được nhiều khách mời của cuộc tọa đàm chia sẻ. Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết: “Nhiều nước tuy không có chuyên toán, nhưng những em giỏi toán đã được phát hiện bồi dưỡng riêng từ khi còn học lớp 5. Nếu chúng ta có một chương trình bồi dưỡng cho HS giỏi toán được bắt đầu từ sớm, các thầy sẽ có thời gian dẫn dắt HS đến với các hình thức tư duy. Chính vì thời gian học chuyên quá ngắn như hiện nay buộc các thầy cô phải dạy nhồi nhét, khiến các em học mà không kịp “ngấm”, nên chỉ có thể đạt thành tích cao trong các kỳ thi trước mắt chứ không giúp các em đi xa được trên con đường dài”.
Theo lý giải PGS Phan Thị Hà Dương, một trong những “thủ phạm” hủy hoại ý nghĩa tốt đẹp của chuyên toán chính là các kỳ thi vào các trường chuyên toán cấp THCS trước đây. Đề thi cho HS giỏi toán mà giống như những đề trắc nghiệm, 45 phút thôi nhưng các em phải làm 12 - 15 câu hỏi, đến chính cô (từng đoạt huy chương đồng kỳ thi Olympic quốc tế (IMO) - PV) cũng thấy khó.
PGS Hà Dương nhận xét, người châu Âu học vì sự say mê, còn người VN mình học để thi. Bà Dương đề xuất: “Nếu chúng ta không muốn HS học như “gà chọi”, học để chỉ nhớ các dạng bài tập thì cần có những kỳ thi mà trong đó các em có thời gian để suy nghĩ chứ không phải làm bài như cái máy”.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/day-chuyen-kieu-ga-choi-hoc-sinh-duoi-suc-649120.html