>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức trả lời báo giới khái toán kinh phí thực hiện đổi mới chương trình-SGK phổ thông sau năm 2015. Theo đó, tổng kinh phí dự kiến là 34.275 tỷ đồng. Cụ thể:

  • Biên soạn chương trình – SGK: 105 tỷ đồng.

  • Tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, SGK mới tại 600 trường với quy mô triển khai ở 340.000 học sinh: 910 tỷ đồng.

  • Triển khai dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới: 8.150 tỷ đồng.

  • Mua sắm trang thiết bị dạy học: 20.100 tỷ đồng.

  • Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục: 5.010 tỷ đồng.

Theo TS Giáp Văn Dương (người xây dựng cổng giáo dục trực tuyến Giapschool), 34 nghìn tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa là một con số quá lớn. Trong lĩnh vực giáo dục, không phải cứ đầu tư tiền, đầu tư công nghệ là có kết quả…

TS Giáp Văn Dương nhận xét:

Tôi cho rằng, động thái loay hoay tập trung cho việc đổi mới chương trình – SGK mà Bộ GD&ĐT đang thực hiện là một biểu hiện giật lùi về tư duy giáo dục. Theo tôi, trọng tâm của giáo dục là việc học chứ không phải việc dạy.

Đầu tư cho giáo dục: Không phải có tiền là có kết quả

Đầu tư cho giáo dục: Không phải có tiền là có kết quả

Để tổ chức hoạt động học cần phải làm rõ được ba câu hỏi: Học cái gì? Học như thế nào? Học để làm gì? Lịch sử giáo dục Việt Nam hàng nghìn năm qua cho thấy giáo dục chỉ giải quyết câu hỏi “Học cái gì?”, tiêu biểu là học thuộc tứ thư ngũ kinh thời Nho giáo. Đến nay ta vẫn đang dừng lại ở tư duy đó. Công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là cơ hội đưa hệ thống giáo dục của chúng ta rẽ sang bước ngoặt “Học như thế nào?”.

Với giáo dục, không phải có tiền là có kết quả

Theo Bộ GD&ĐT, trong tổng số 34.275 tỷ đồng kinh phí dự kiến cho đề án đổi mới chương trình - SGK, chi phí cho công tác biên soạn là 105 tỷ đồng. Ảnh: hồng vĩnh

Bộ GD&ĐT nói mục tiêu chương trình mới tiếp cận năng lực. Nhưng điều này mâu thuẫn với việc chuẩn bị của Bộ bởi khi đã tiếp cận năng lực thì SGK không phải là vấn đề trọng tâm mà phương pháp giảng dạy mới là quan trọng. Dạy thế nào, học thế nào, chứ không phải dạy cái gì, học cái gì.

Không chỉ xem việc đổi mới chương trình – SGK là một khâu quan trọng trong tiến trình đổi mới mà Bộ GD&ĐT còn dự kiến sẽ dành khá tiền cho đề án đổi mới này với con số dự kiến là hơn 34 nghìn tỷ đồng. Ông nghĩ sao?

Đó là một con số quá lớn! Trong khi dự thảo đề án chỉ sơ sài vài chục trang. Tôi chưa từng thấy một đề án đầu tư nào có số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mà sơ sài như thế!

Một đề án được xem là quan trọng như thế và tiêu một lượng tiền khổng lồ mà hoàn toàn không phân tích được tính khả thi và phân tích tài chính. Được biết năm nay chính phủ dự kiến sẽ phải vay 400 nghìn tỷ đồng. Vậy một đề án với kinh phí lớn như thế này có cần thiết?

TS Giáp Văn Dương: “Tôi chưa từng thấy một đề án đầu tư nào có số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mà sơ sài như thế!”. Hơn nữa, theo tôi Bộ GD&ĐT cần phải nhìn nhận lại cách đầu tư cho giáo dục. Giáo dục không giống như các lĩnh vực đầu tư khác, không phải anh cứ đầu tư tiền, đầu tư công nghệ là có kết quả. Với giáo dục, quan trọng nhất là con người.

Con người là điểm xuất phát, và cũng là đích đến của giáo dục. Nếu con người của anh tư duy lạc hậu, trình độ yếu kém thì dù có đổ bao nhiêu tiền vào làm chương trình – SGK, mua sắm thiết bị, xây dựng trường lớp khang trang… thì vẫn không có cách nào thành công.

Bộ GD&ĐT lập luận, theo thông lệ quốc tế thì chương trình và SGK thay đổi theo chu kỳ 5 – 7 năm nên Việt Nam cũng phải thay đổi, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng không có chuyện đó. Ở những nước mà tôi biết họ có nhiều bộ SGK khác nhau do các NXB xuất bản hằng năm nhưng đó là chuyện của các NXB chứ không phải của Bộ GD&ĐT. Nhà nước chỉ làm cái việc xây dựng khung chương trình chuẩn quốc gia, trong đó nêu rõ những yêu cầu tối thiểu mà học sinh cần đạt trong từng bậc học. Chương trình chi tiết là do từng nhà trường, thậm chí từng giáo viên soạn.

34 nghìn tỷ đồng này, nếu để cho một nhóm tư nhân đứng ra làm thì chỉ cần một phần vạn số tiền đó. Thực tế hiện nay các công ty sách họ có được đồng nào đâu mà họ vẫn làm ra được những bộ sách rất tốt.

Được biết trong 34 nghìn tỷ đồng đó, phần lớn số tiền dùng để mua sắm trang thiết bị dạy học, ông nhận xét thế nào về khoản này?

Trước hết trách nhiệm mua sắm trang thiết bị là của các trường học, các địa phương, trong khuôn khổ xét duyệt kinh phí hàng năm do họ trình lên cơ quan quản lý. Vả lại, về cơ bản, các thiết bị dạy học đều có thể được sử dụng lâu dài, không phải cứ thay chương trình là vứt hết cái cũ đi. Tôi nghĩ, nếu Bộ thấy cần thiết phải đổi mới chương trình sách giáo khoa cứ làm riêng phần việc đó cho hiệu quả, còn việc mua sắm trang thiết bị là kế hoạch dài hơi, thường xuyên và cũng không phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể gộp hai cái vào một.

Cảm ơn TS Giáp Văn Dương!