Đây là một trong những quy định mới của chính phủ về xử phạt hành chính đối với cơ sở đào tạo nghề. Cụ thể, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi, hoặc tiếp tay cho người khách vi phạm.

Vừa qua, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề. Theo đó, đối với các tổ chức sai phạm trong lĩnh vực dạy nghề mức phạt cao nhất là 150 triệu đồng và 75 triệu đồng đối với cá nhân.

Phạt nặng hành vi tổ chức đào tạo nghề khi chưa đăng ký

Theo nghị định này, các đơn vị đào tạo sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký hoạt động dạy nghề thuộc một trong các trường hợp: bổ sung nghề đào tạo, trình độ đào tạo; chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở dạy nghề; thay đổi cơ quan chủ quản, chủ đầu tư của cơ sở dạy nghề; chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo đến nơi khác; thành lập phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo mới; liên kết với tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động dạy nghề.

Phạt tiền đối với hành vi tổ chức đào tạo nghề mà chưa đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan có thẩm quyền với một trong các mức từ 40-60 triệu đồng đối với trình độ sơ cấp nghề; từ 60-80 triệu đồng đối với trình độ trung cấp nghề; từ 80-100 triệu đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.

Phạt tiền các sai phạm về tuyển sinh, tổ chức thi

Đối với các vi phạm về tuyển sinh, trong trường hợp các trường dạy nghề khai man hồ sơ sẽ bị phạt từ 300.000-500.000 đồng. Khi tuyển sinh sai từ 30 người trở lên sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Đặc biệt, nếu các trường nghề không có giáo viên hữu cơ hoặc sử dụng người không đủ tiêu giảng dạy đều sẽ bị phạt tiền từ 1-15 triệu đồng tùy vào bậc đào tạo. Bên cạnh đó, nghị định này cũng quy định các cơ sở dạy nghề không thực hiện đầy đủ quy định về đánh giá, xếp loại hoặc làm sai lệch kết quả cũng sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-10 triệu đồng. Đối với các vi phạm về quy định thi tốt nghiệp, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu chấm bài không đúng đáp án, thang điểm; lập bảng điểm sau với kết quả thi.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng khi phát hiện hành vi thi thay người khác; chuyển tài liệu phương tiện, thông tin trái phép vào phòng thi, làm lộ số phách, viết thêm hoặc sữa chữa bài thi. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng với hành vi đánh tráo bài thi, hoặc tiếp tay cho người khách vi phạm. Đối với hành vi làm lộ, mất đề thi, người vi phạm sẽ chịu mức phạt cao nhất từ 20-25 triệu đồng. Ngoài ra, nghị định này còn đưa ra nhiều mức phạt đối với các sai phạm về văn bằng, chứng chỉ nghề; liên kết đào tạo… Được biết, nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/12.

Theo An Hoàng, tri thức