>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Theo thống kê từ nhiều sở GD-ĐT, lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm nay giảm mạnh so với năm 2013. Ngành sư phạm nơi tăng nơi lại giảm mạnh. Ngành kinh tế được dự báo nguồn nhân lực đã bão hòa nhưng hồ sơ lại không hề giảm.

Hồ sơ giảm mạnh

Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội Ngô Văn Sở cho biết, năm nay Hà Nội thu nhận được 152.000 hồ sơ, so với năm trước giảm 1,3 vạn hồ sơ (con số này chưa bao gồm hồ sơ của thí sinh tự do).

Hà Nội có khoảng 80.000 học sinh lớp 12, như vậy trung bình mỗi em nộp xấp xỉ 2 bộ hồ sơ. Theo ông Sở việc giảm mạnh này cũng là một kênh để đánh giá công tác phân luồng, các em đã lượng sức mình để ĐKDT, thậm chí nhiều em đã từ chối cánh cửa đại học để đi học trung cấp hoặc học nghề.

Tại Thanh Hóa - nơi luôn có đến hơn 20.000 thí sinh đỗ ĐH, CĐ mỗi năm, sau khi giảm 16.000 hồ sơ năm 2013, năm 2014 số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ toàn tỉnh tiếp tục giảm thêm 14.000. Tổng số hồ sơ thu về chỉ là 49.000. Tại Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, một số trường THPT chỉ có chưa đến 50% thí sinh ĐKDT ĐH, CĐ..

Thi đại học 2014: Giảm hồ sơ vẫn nóng khối ngành kinh tế

Thi đại học 2014: Giảm hồ sơ vẫn nóng khối ngành kinh tế

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm khoảng 20.000 hồ sơ so với năm 2013 (trên 143.000 hồ sơ).

Tại Đồng Nai, lượng hồ sơ năm 2014 khoảng 42.000, giảm đến 6.000 hồ sơ so với năm 2013. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Định cũng cho biết lượng hồ sơ năm nay giảm 7.600 bộ so với năm trước.

Ở các địa phương khác như Quảng Nam, Gia Lai, An Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận... lượng hồ sơ ĐKDT cũng giảm 3.000 - 5.000 bộ. Tại Đắk Lắk, lượng hồ sơ nhận được gần 40.000 hồ sơ, giảm 8.500 hồ sơ so với năm trước, tức giảm đến gần 20%.

Nông- lâm- kinh tế "nóng", sư phạm trồi sụt

Ông Lê Đình Dưỡng, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết trong số hơn 38.000 hồ sơ ĐKDT có gần 27.000 HS chọn thi tại ĐH Huế, Đà Nẵng. Trong khi đó lượng hồ sơ vào các trường tại TP.HCM chỉ có hơn 4.900 bộ, giảm mạnh so với năm trước. Tương tự, Trường ĐH Đồng Nai được học sinh tỉnh này chọn thi nhiều nhất. Các trường này đa phần gần nhà của thí sinh.

Trong khi đó, học sinh tỉnh Gia Lai chọn thi nhiều nhất vào ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên. Phần lớn học sinh tỉnh Bình Định chọn thi ĐH Quy Nhơn, Nha Trang và hai trường CĐ tại địa phương là CĐ Bình Định và CĐ Y tế Bình Định, 1/3 học sinh Đắk Lắk chọn thi vào Trường ĐH Tây Nguyên...

Tại Quảng Nam, trong số hơn 11.000 hồ sơ của tỉnh này đăng ký vào ĐH Đà Nẵng thì Trường ĐH Sư phạm chiếm lượng hồ sơ nhiều nhất, trong khi hồ sơ vào các trường Bách khoa, Kinh tế, Ngoại ngữ đều giảm so với năm 2013. Tương tự, hồ sơ của học sinh tỉnh này tại ĐH Huế tập trung vào các nhóm ngành nông lâm, y dược và sư phạm.

Tại Hà Nội, theo ông Sở từ hồ sơ ĐKDT của thí sinh cho thấy các ngành nghề cơ bản lượng hồ sơ cũng giảm đều như năm trước. Đông nhất là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có 8.500 hồ sơ; tiếp đến là Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 8.100 hồ sơ.

Nhóm ngành kinh tế, tài chính ngân hàng dù đã bội thực nhân lực từ nhiều năm nay vẫn rất đông thí sinh ĐKDT. Cụ thể: Học viện Tài chính có 4.700 hồ sơ; Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 4.900 hồ sơ; Học viện Ngân hàng cũng có 4.900 hồ sơ và Trường ĐH Thương mại có 3.800 hồ sơ. Khối các trường sư phạm cũng chưa khởi sắc mạnh mẽ: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hơn 6.000 hồ sơ; đặc biệt CĐ Sư phạm Hà Nội chỉ có gần 4.000 hồ sơ, giảm khá mạnh.

Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp của Sở GD- ĐT Thanh Hoá cho biết cả tỉnh có 48.900 hồ sơ, trong đó một số trường đào tạo về kinh tế đang được thí sinh chọn nhiều trở lại.

Học viện Tài chính năm trước đứng thứ 26 thì năm nay vượt lên vị trí thứ 5, với 1.599 hồ sơ; Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng vươn lên vị trí thứ 8 với 1.078 hồ sơ; Trường ĐH Thương mại có 1.064 hồ sơ. Trường ĐH Tài nguyên môi trường xếp ở vị trí thứ 7 trong nhóm ngành này với 1.216 hồ sơ

Những trường vẫn ổn định hồ sơ ở số lượng lớn gồm: Trường ĐH Công nghiệp với 4.321 hồ sơ, Trường ĐH Hồng Đức có 4.088 hồ sơ; Trường ĐH Nông nghiệp có 3.245 hồ sơ; ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 2.721 hồ sơ và ĐH Y Thái Bình có 1.337 hồ sơ; Trường Y Hà Nội có 816 hồ sơ, giảm 50% vì năm 2013, Thanh Hoá có 1.600 hồ sơ dự thi vào ĐH Y Hà Nội.

Trái ngược với xu thế của Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Long cho biết, khối các trường sư phạm đối với thí sinh Thanh Hoá giảm mạnh, do lời cảnh báo giáo viên đang thừa hàng loạt. Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW có 47 hồ sơ; ĐH Sư phạm Thái Nguyên có 21 hồ sơ; ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có 67 hồ sơ; ĐH Giáo dục có 22 hồ sơ và ĐH Sư phạm Hà Nội có 499 hồ sơ.

Theo phân tích của ông Long: "Con số 25.000 cử nhân thất nghiệp của Thanh Hoá cũng đã tác động đến xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh nhưng cũng giống như nhiều địa phương khác, vẫn còn tình trạng thí sinh chọn ngành nghề mà không hề có sự tư vấn, hướng nghiệp nào. Ví như, ngành tài nguyên môi trường có tới 1.216 hồ sơ – chiếm tỷ lệ khá lớn trong khi nhóm ngành này cũng không nằm trong nhóm ngành được tuyên truyền đang cần nhân lực".

Theo Văn Chung, Vietnamnet