>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học

Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia (ĐHQG) và các cơ sở giáo dục đại học thành viên vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đại học Quốc gia được mở ngành không có trong danh mục của Nhà nước

Theo quy chế này, ĐHQG được chủ động mở ngành, chuyên ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo danh mục đào tạo nhà nước. Bên cạnh đó, Giám đốc ĐHQG được quyết định mở thí điểm các ngành và chuyên ngành đào tạo chưa có trong danh mục. Đồng thời, Giám đốc ĐHQG có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo trong phạm vi toàn ĐHQG; quyết định các khối kiến thức, các môn học chung trong chương trình đào tạo của ĐHQG; được tự quyết định về phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh;  được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về tài chính.

Để được tự chủ như vậy, quy chế nêu rõ ĐHQG phải có chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học tiên tiến; có đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trình độ cao; có đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp và đồng bộ; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng, giữa các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, giữa khoa học và công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ.

Đại học Quốc gia được tự chủ mở ngành học mới

Đại học Quốc gia được tự chủ mở ngành học mới

Theo đó, ngoài việc chủ động mở ngành đào tạo theo danh mục đã có, giám đốc ĐH quốc gia còn được quyết định mở thí điểm các ngành và chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ chưa có trong danh mục đào tạo nhà nước, song phải báo cáo Bộ GD-ĐT theo dõi, kiểm tra. Sau thời gian thí điểm hai khóa học (tính đến khi tốt nghiệp), ĐH quốc gia báo cáo Bộ GD-ĐT và kiến nghị bổ sung vào danh mục đào tạo nhà nước. ĐH quốc gia còn được quyền in các loại văn bằng, chứng chỉ theo mẫu riêng phù hợp với hệ thống văn bằng, chứng chỉ của Nhà nước; thực hiện việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ theo quy định do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.

Ngày 27-3, trao đổi với PV, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết từ trước đến nay ĐH Quốc gia Hà Nội đã đào tạo thí điểm hơn 20 ngành, chuyên ngành không có trong danh mục. Năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ thí điểm đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành lịch sử văn hóa VN hiện không có trong danh mục đào tạo của Nhà nước.

Tổng hợp SGGP, Tuổi trẻ