Hiện Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về số sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau đại học tại Mỹ nhằm tránh các thủ tục ngặt nghèo về thị thực ở Úc và Anh. Không quá lời khi tờ Wall Street Journal nhận định: nước Mỹ đang phụ thuộc nhiều vào các sinh viên châu Á.

Theo Huffington Post, Đại học California ở Los Angeles (UCLA) là một trong những trường có nhiều sinh viên quốc tế nhập học nhất nước Mỹ năm nay. Tỉ lệ sinh viên nước ngoài ở đây tăng lên rất nhanh: hồi năm 2008 tỉ lệ này là 2,3% thì năm nay đã là 10%.

Nhiều năm trước, sinh viên nước ngoài thường đăng ký vào đại học ở Mỹ sau khi đã tốt nghiệp trung học ở quê nhà. Nhưng nay, theo báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế (Mỹ), số học sinh chưa tốt nghiệp chiếm tới 41% tổng sinh viên - học sinh nước ngoài. Tỉ lệ này năm 2008 chỉ là 31,4%.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo mới đây của Hội đồng các trường có chương trình đào tạo sau đại học (CGS) của Mỹ, ở cấp độ sau đại học, sinh viên quốc tế hiện chiếm 17% tổng số học viên cao học Mỹ. Hơn nửa số này đang nghiên cứu các ngành kỹ thuật, khoa học và thương mại. Năm nay trong khi số học viên Mỹ gần như không đổi thì tỉ lệ sinh viên nước ngoài học cao học tăng 8%.

Luồng cư dân nước ngoài đổ vào đã mang lại nguồn lợi tài chính không nhỏ với các trường đại học công lập Mỹ vốn đang khan hiếm tiền bạc. Từ năm 2008-2012, ngân sách quốc gia dành cho giáo dục đại học ở Mỹ giảm 10,8% trên toàn quốc.

Gần như tất cả các trường đều bị sụt giảm đáng kể ngân sách đầu tư những năm qua. Vì thế, hướng ra ngoài nước Mỹ là phương thức để họ tồn tại và phát triển.

Ông Eddi West, chủ nhiệm các sáng kiến quốc tế của Hiệp hội tư vấn tuyển sinh đại học quốc gia, giải thích rằng đầu tư ngân sách tồi tệ đến nỗi các trường công lập buộc phải chủ động trở thành những tổ chức tư nhân hóa, sống nhờ vào học phí thay vì ngân sách công.

Theo thống kê của Bộ Công thương Mỹ, sinh viên quốc tế đã đem lại 24 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong niên khóa 2012-2013, và 70% số tiền đó tập trung vào khoảng 200 trường đại học.

Việc tăng số sinh viên nước ngoài cũng phản ánh sự thay đổi các ưu tiên trong hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ nói chung. “Các trường đang muốn kết nối toàn cầu - ông West giải thích - Nhiều trường đang tìm những tân sinh viên không phải người địa phương, bất kể là sinh viên từ các bang khác hay nước ngoài”.

Mặc dù việc tăng lên đáng kể số sinh viên nước ngoài có thể đem lại mối lợi cho cả hai bên “cung” và “cầu”, nhưng điều đó cũng buộc các tổ chức giáo dục phải xem xét lại những sứ mệnh cơ bản của họ.

Ông Eddi West cảnh báo: “Các trường phải suy nghĩ thật kỹ về việc làm thế nào để cân bằng giữa ưu tiên của họ với sinh viên toàn cầu và sinh viên tại địa phương, vì sinh viên địa phương mới là những người họ có sứ mệnh phục vụ”.

Ông cũng lưu ý ngay cả các trường đại học công, nơi vốn chỉ ưu tiên cho những người xuất sắc sở tại, cũng đang xúc tiến hướng kênh tuyển sinh ra nước ngoài.

Theo Báo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20141118/dai-hoc-my-kiem-24-ti-usd-nho-sinh-vien-nuoc-ngoai/673076.html