So với các kỳ thi quốc gia mà ĐH Đà Nẵng tổ chức trước đó, công tác tổ chức kỳ thi này gọn, nhẹ, không có quá nhiều áp lực nhưng các bên phối hợp, từ UBND TP, Sở GD&ĐT, Công an thành phố, Phòng cháy chữa cháy… đều sẵn sàng tâm thế, không chủ quan. Ngoài phương án chung cho các địa điểm thi, cần xây dựng phương án xử lý dự phòng cho một số tình huống có thể xảy ra.

Công tác phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ

Trong số 10.998 thí sinh ĐKDT, nếu chia theo mục đích thi, cụm thi số 40 có 1.243 thí sinh ĐKDT để xét tốt nghiệp, 7.897 thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ, 1.858 thí sinh chỉ thi tuyển sinh. Trong số này, có một thí sinh cụm thi Kon Tum có nguyện vọng muốn thi tại cụm thi Đà Nẵng.

Số lượng thí sinh ĐKDT theo môn: Toán: 10.7200; Vật lý: 5.613; Hóa học: 4.989; Sinh học: 2.085; Ngữ văn: 9.817; Lịch sử: 745; Địa lý: 3.765; Anh văn: 9.065; Nga văn: 2; Pháp văn: 24; Trung văn: 2; tiếng Đức: 1; tiếng Nhật: 55.

Với số lượng thí sinh dự thi như trên, theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó GĐ ĐH Đà Nẵng, sẽ có 11 điểm thi với 292 phòng thi, trong đó có 7 điểm thi được đặt tại các trường ĐH, CĐ, 4 điểm thi đặt tại các trường THPT.

ĐH Đà Nẵng sẽ huy động 637 cán bộ coi thi, trong đó có 100 cán bôj giáo viên do Sở GD&ĐT Đà Nẵng điều động, 209 SV của ĐH Đà Nẵng.

Về cán bộ chấm thi, năm nay, một số trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng như trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ đảm nhiệm chủ trì cụm thi ĐH tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum nên có sự sẻ chia về lực lượng chấm thi. Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Đình Vĩnh – GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì “Sở đã điều động 324 GV cơ hữu, có chuyên môn vững vàng đang dạy lớp 12 tại các đơn vị, trường học để tham gia công tác chấm thi đảm bảo theo yêu cầu về môn và số lượng của ĐH Đà Nẵng.

Ngoài ra, theo đề nghị của trường ĐH Bách khoa chủ trì cụm thi số 41 và ĐH Ngoại ngữ chủ trì cụm thi số 46, Sở GD&ĐT đã điều động 103 giáo viên chấm thi hỗ trợ”.

Riêng bài thi môn tiếng Đức, ĐH Đà Nẵng sẽ gửi chấm thi ở cụm thi có nhiều thí sinh dự thi ngoại ngữ là tiếng Đức.

ĐH Đà Nẵng cũng có 300 đoàn viên, sinh viên tham gia lực lượng Tiếp sức mùa thi. PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết: Năm nay, Tiếp sức mùa thi có sự thay đổi trong phương thức hoạt động do chỉ có thí sinh của Đà Nẵng.

Ngoài hỗ trợ tại địa điểm thi như tiếp đón, hướng dẫn thông tin như phòng thi, lịch thi cho thí sinh, công tác tiếp sức còn tập trung vào cung cấp các thông tin về xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, cung cấp nước uống, đồ ăn nhẹ cho thí sinh và người nhà, hỗ trợ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Sở Y tế, Điện lực, Phòng cháy chữa cháy, Thành Đoàn, Sở Bưu chính viễn thông… đều đã triển khai phương án và kế hoạch phối hợp với ĐH Đà Nẵng trong công tác chuẩn bị thi. Sở Y tế, ngoài cử 11 cán bộ y tế trực tại địa điểm thi trong những ngày diễn ra kỳ thi còn có kế hoạch kiểm tra VSATTP những hàng quán xung quanh khu vực thi, sẵn sàng lực lượng tại Trung tâm cấp cứu và các bệnh viện trong tình huống có thí sinh cần cấp cứu.

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao sự phối hợp giữa UBND TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Sở GD&ĐT cùng với các Sở, ngành có liên quan của 2 địa phương và ĐH Đà Nẵng trong công tác tổ chức thi.

Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Quảng Nam với ĐH Đà Nẵng đã giúp ĐH Đà Nẵng có sự chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong công tác tổ chức thi đã được một số nơi khác tham khảo.

Năm nay, việc phối hợp giữa các bên cũng rất chặt chẽ, chu đáo và nhịp nhàng để hướng tới một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế”.

Cần có phương án cho những tình huống dự phòng

Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - chỉ đạo: Lực lượng Y tế, Điện lực, Phòng cháy chữa cháy và Công an thành phố cần xây dựng phương án cho những tình huống dự phòng.

Thời tiết những ngày này cho đến thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia sẽ nắng nóng, chính vì vậy, công tác phòng cháy phải được hết sức chú ý, phải kiểm tra chu đáo quạt, ánh sáng… đảm bảo để không ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của thí sinh.

Phòng cháy chữa cháy cần kiểm tra luôn cả xung quanh khu vực thi nữa. Chỉ đơn cử như có sự cố chập điện ở khu vực lân cận ở điểm thi cũng khiến cho thí sinh bị phân tán tâm lý, ảnh hưởng thời gian làm bài.

Lực lượng y tế cần chuẩn bị một số thuốc để có thể xử lý một số tình huống thông thường như tụt canxi, đau bụng, cảm cúm để không phải mất thời gian di chuyển đến bệnh viện… Thí sinh phải được ưu tiên tập trung làm bài tối đa.

Riêng Sở GD&ĐT cần chuẩn bị lực lượng giáo viên tham gia chấm thi dự phòng cho những trường hợp cán bộ chấm thi đau ốm giữa chừng.

Đại diện Phòng cháy chữa cháy TP Đà Nẵng cũng lưu ý ĐH Đà Nẵng cần kiểm tra kỹ số ô tô vận chuyển đề thi, bài thi để đề phòng sự cố cháy nổ, nên trang bị 3 bình chữa cháy cho mỗi xe.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng gợi ý với Thành Đoàn nên xem xét để bố trí chỗ ngồi riêng cho phụ huynh trong khi chờ đợi thí sinh làm bài thi.

“Việc phụ huynh đứng ngoài các địa điểm thi chỉ là “truyền cảm hứng” chứ không giúp gì được cho thí sinh đang trong giờ làm bài thi nhưng vừa gây cảm giác lộn xộn, vừa chịu sự nắng nóng. Nếu được, lực lượng tình nguyện viên của Thành Đoàn nên bố trí chỗ riêng để trông giữ xe, có chỗ ngồi tránh nắng, nóng cho phụ huynh, thế cũng là tiếp sức rồi, vì năm nay không có thí sinh ở các tỉnh xa về nên đoàn thanh niên cũng cần thay đổi phương thức trong tiếp sức mùa thi.

Công an thành phố Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng phòng ban nghiệp vụ, CA các quận huyện đóng trên địa bàn nơi có bố trí các điểm thi. Đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác phối hợp Sở GD-ĐT, ĐHĐN và các đơn vị có liên quan chủ động nắm chắc mọi thông tin, tình hình có liên quan đến quá trình tổ chức các kỳ thi để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có xảy ra).

Theo đó, các phương án bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn từ các khâu: Tiếp nhận đề thi của Bộ GD-ĐT (đối với kỳ thi THPT quốc gia); ra đề thi đối với tuyển sinh vào lớp 10 đại trà và chuyên Lê Quý Đôn; in sao đề thi của các kỳ thi cũng như bảo vệ cho công tác vận chuyển đề, bài thi, phối hợp cùng lực lượng thanh tra các kỳ thi giám sát quá trình chấm thi để kịp thời phát hiện ra những hành vi tiêu cực; công tác bảo vệ trước trong và ngoài phòng thi...

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/da-nang-xay-dung-cac-phuong-an-xu-ly-du-phong-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia-1923129-c.html


Xem thêm tin tức tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn