Tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm tự chủ ĐH, nhiều vấn đề bức xúc hiện nay đã được tháo gỡ và có hướng xử lý trong thời gian tới.

Đã đến lúc chỉ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh là việc của trường đại họcKỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được dư luận đánh giá rất cao

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 77, các trường ĐH đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học; tài chính; tổ chức bộ máy, cán bộ.

Nhiều trường đã đổi mới chương trình, mô hình đào tạo, mở các chuyên ngành mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, và từng bước tự chủ trong xây dựng phương án tuyển sinh; liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh theo hướng liên kết, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là liên kết với các DN để tạo ra giá trị thực tiễn đối với các công trình nghiên cứu khoa học.

Trong công tác tổ chức bộ máy, đã có 7/13 trường ĐH tự chủ thành lập hội đồng trường theo quy định. Các trường đã bước đầu tổ chức lại bộ máy tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả, thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, tự chủ tài chính giúp các trường cân đối nguồn thu-chi, thu nhập của cán bộ, giáo viên tăng lên, hỗ trợ sinh viên nhiều hơn, cơ sở vật chất được tăng cường, điều kiện học tập và chất lượng đào tạo được cải thiện.

Hiện Thủ tướng đang xem xét phê duyệt Đề án thí điểm thêm 3 trường. Phần lớn các trường tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là các trường đào tạo khối ngành kinh tế.

Đây là ngành có khả năng xã hội hóa cao, có thể huy động đóng góp của xã hội bằng cách thu học phí cao hơn so với các khối ngành khác.

Đã đến lúc chỉ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh là việc của trường đại họcPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị tổng kết tự chủ đại học

Trong đó, vấn đề tự chủ tuyển sinh cũng được nhiều đại biểu các trường và Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam dành nhiều thời gian để thảo luận.

Phó Thủ tướng cho rằng, thế giới không có kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức như ở Việt Nam.

“Luật cũng quy định trường ĐH tự chủ.  Đến  lúc chúng ta phải làm như quốc tế, tức là chỉ thi tốt nghiệp THPT, là điều kiện để vào học ĐH. Còn tuyển sinh là việc của các trường, Bộ GD-ĐT không đứng ra làm thay”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Các trường có thể liên kết tuyển sinh hoặc Hiệp hội đứng ra kết nối là việc của các trường.

“Thời điểm nào giao tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho các trường thì phải tính, nhưng phải bảo đảm làm nhanh việc tự chủ tuyển sinh của các trường. Tương lai, chúng ta sẽ chỉ còn thi tốt nghiệp  THPT”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.

Đồng thời yêu cầu, Bộ GD-ĐT phải sớm công bố lộ trình năm nào sẽ giao tuyển sinh hoàn toàn cho các trường để họ sớm chuẩn bị.

Bởi hiện nay, do Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT để xét tuyển ĐH-CĐ thì các trường vẫn  muốn “thụ hưởng” và không muốn đứng ra tuyển sinh riêng.

Thậm chí, lãnh đạo nhiều trường cũng thẳng thắn chia sẻ với Phó Thủ tướng rằng khi nào Bộ GD-ĐT còn đứng ra tổ chức thì các trường “không dại gì” mà có phương án tuyển sinh riêng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải cho các trường tự chủ được phép có nhiều đợt tuyển sinh trong năm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại lo lắng nếu không quản thì các trường sẽ ồ ạt tuyển sinh làm giảm chất lượng đào tạo.

“ Các trường lo cho chất lượng đào tạo của trường mình hơn hay Bộ GD-ĐT lo hơn”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Góp ý về vấn đề này, ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết nhà trường quan tâm đến chất lượng, uy tín.

“Chúng tôi có lộ trình điều chỉnh quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ quy định. Tính trung bình toàn hệ thống 20 SV/giảng viên. Sắp tới chúng tôi sẽ giảm quy mô tuyển sinh xuống”,  ông Đạt nói.

Cũng cùng quan điểm này, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của ĐH QGHN là 14 - 16.

“Mấy năm trở lại đây, năm chúng tôi chỉ tuyển 6.000 chỉ tiêu. Nếu tính theo công thức của Bộ, chúng tôi có thể tuyển tới hơn 30.000 sinh viên”, ông Sơn nói.

Sau đó, nhiều trường đại học như Kinh tế Quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… cũng khẳng định sẽ không tăng quy mô đào tạo trong 3 năm tới để đảm bảo chất lượng.

Sau cuộc họp này, những gì vướng mắc cần tháo gỡ, Bộ GD-ĐT phải có văn bản nêu rõ. Phải làm hiệu quả vì sẽ không chỉ 13 trường thí điểm tự chủ. Sẽ phải kết thúc thí điểm để tổng kết, báo cáo Chính phủ mở rộng.

“Tự chủ sẽ phải là yêu cầu bắt buộc với tất cả các trường ĐH. Bộ GD-ĐT đề nghị kéo dài thời gian thí điểm tự chủ là không phù hợp. Tinh thần là phải làm rõ hết những điểm còn vướng mắc để tháo gỡ”, Phó Thủ tướng nêu.

Theo VTC, nguồn: http://vtc.vn/da-den-luc-chi-thi-tot-nghiep-thpt-tuyen-sinh-la-viec-cua-truong-dai-hoc.538.600858.htm