Tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội năm 1985, bác sĩ Đỗ Văn Phương, giám đốc một phòng khám đa khoa tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), gần hai năm nay vẫn đều đặn mỗi tối đến Trường học trung cấp dược. Sáng đi làm tại Bình Dương, chiều về lại tất bật đến lớp để kịp giờ học vào buổi tối. Mái tóc điểm bạc, ông là người nhiều tuổi nhất trong lớp học.

Chưa bao giờ muộn

“Khi học y mình cũng được đào tạo về dược nhưng chỉ mang tính chất cơ bản. Nhà có truyền thống theo đông y nhưng mình lại thích tây y nên đăng ký vào ngành bác sĩ đa khoa. Dù làm nghề nào, ngành nào cũng cần phải bổ sung kiến thức để mình có thể làm tốt hơn công việc hiện tại” - ông Phương nói.

Cũng ở tuổi trên dưới 50, chị T. - giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM - vẫn đêm đêm cắp sách đi học trung cấp dược và hiện đang học liên thông lên CĐ dược. Chị có bằng thạc sĩ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cử nhân tiếng Anh, trung cấp y, giờ lại học thêm CĐ dược. “Lúc đi học trung cấp dược tôi cũng có phần ngại vì nhiều lý do. Tuy nhiên tôi thấy việc học bổ sung kiến thức chưa khi nào là muộn” - chị T. nói thêm.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Theo hiệu trưởng nhiều trường trung cấp tại TP.HCM, hiện có rất nhiều trường hợp tốt nghiệp ĐH, CĐ đang theo học trung cấp. Thống kê của Trường trung cấp Ánh Sáng có gần 20 trường hợp, Trường trung cấp Đại Việt có hơn 10 trường hợp... Chị Đoàn Thị Ngọc Thúy - tốt nghiệp ngành hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) năm 2004 và đang làm công tác kiểm nghiệm cho một công ty dược, hiện đang theo học trung cấp dược tại Trường trung cấp Ánh Sáng - cho biết: “Lúc trước mình thích hóa nên thi vào ngành hóa nhưng thực chất cũng không biết học ra sẽ làm gì. Khi đi làm trong ngành dược, mình thấy có nhiều kiến thức về dược mà mình chưa rõ nên đi học trung cấp dược”.

Cử nhân, thạc sĩ đi học trung cấp

Trong khi đó, Cao Thị Hồng Châu tốt nghiệp ngành cử nhân tiếng Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nhưng hiện tại lại làm kế toán kho cho một doanh nghiệp viễn thông. Châu cho hay lúc tốt nghiệp cũng có đi làm cho các công ty nước ngoài nhưng cảm thấy không phù hợp và bản thân thấy không có khiếu về lĩnh vực phiên dịch nên chuyển sang làm kế toán. Lúc mới làm, dù được hướng dẫn nhưng có những nghiệp vụ chuyên sâu về tài chính mình không biết nên cũng khó khăn. Nghề dạy nghề nhưng có những điều mình phải học để có kiến thức thì mới có thể hoàn thành tốt công việc” - Châu nói thêm.

 

Thông tin mùa thi:

Nguồn tin: tuổi trẻ