Vật lộn làm đủ nghề

Tốt nghiệp đại học nhưng không ít CN với tấm bằng loại giỏi, khá vẫn không xin được việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều người lao vào tìm việc và làm đủ thứ nghề. Thậm chí nhiều người phải làm công nhân, làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn... những công việc chẳng liên quan gì đến chương trình đào tạo.

Ra trường đã hơn một năm nay, Nguyễn Thị Tâm (quê Nghệ An) tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM vẫn chưa xin được việc, cho dù đã gửi hồ sơ đến nhiều nơi liên quan với ngành học của mình. Trong khoảng thời gian đó, Tâm đã phải làm đủ nghề - những công việc chả liên quan gì đến bốn năm đại học. Tâm trải lòng: “Khi còn là SV, mình cứ nghĩ ra trường sẽ có việc làm ngay, thu nhập ổn định để lo cho bố mẹ và các em ở quê. Sau này nhu cầu xã hội không cần nữa nên giờ ra nông nỗi này. Để không muốn gia đình lo lắng, mình phải “tự bơi” trong một mớ công việc thời vụ như bán hàng ở siêu thị, làm ô sin dọn dẹp nhà cửa, bán hàng rong... lương ba cọc ba đồng không đủ sống”.

Cử nhân tốt nghiệp chật vật vì nợ ngân hàng

Sinh viên làm thêm phụ giúp gia đình

Còn Tuấn Anh (quê Quảng Bình), CN loại giỏi ngành Sư phạm Tin học, trường CĐ Nguyễn Tất Thành (nay là ĐH Nguyễn Tất Thành) với ước mơ về quê làm thầy giáo. Sau khi tốt nghiệp, Anh nộp hồ sơ vào các trường nhưng nhiều năm liền cậu không nhận được hồi đáp. Anh hiểu rằng, muốn xin làm giáo viên ở quê phải có nhiều tiền “lót tay”. “Tuy nhiên, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nợ ngân hàng vẫn chưa trả được lấy đâu ra tiền “chạy” việc? Cha mẹ vất vả lo cho mình và các em ăn học, giờ thêm một khoản nợ nữa thì không thể gánh nổi. Biết ở quê xin việc gì cũng khó nên mình quay lại Sài Gòn tìm cơ hội. Để có tiền thuê phòng trọ và chi phí sinh hoạt, mình phải làm công nhân tại một xưởng may”, Anh cho hay. Vậy là ba năm “mài đũng quần” trên giảng đường đành gác lại với ước mơ làm giáo viên...

Thê thảm hơn, để có tiền chữa bệnh cho mẹ, ngay khi ra trường, Nguyễn Hoàng Nam (quê Bình Định) liền bắt tay vào nhiều công việc nặng, nhẹ khác nhau. Bố Nam mất từ lâu, hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn lại càng bi đát. Hiện Nam đang bán hàng tiếp thị - công việc tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng vất vả. Nam chia sẻ: “Học Luật ra mà xin được việc ngay là khó lắm! Trong thời gian đó, mình đi bán hàng tiếp thị. Để bán được hàng, nhiều lúc bị khách chèn ép, quát mắng đủ điều cũng đành cắn răng mà chịu”.

Ngoài những trường hợp trên, hiện có rất nhiều CN tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng vẫn phải vật lộn với những công việc trái ngành, nặng nhọc mà đồng lương “bèo bọt”. Số ít khác thì chọn con đường học lên cao hơn để mong kiếm cơ hội khác nhưng hiện nay, tỷ lệ thạc sỹ tìm được việc làm như ý vẫn còn rất thấp.

Nợ chồng thêm nợ

Hầu hết gia đình có SV vay vốn đều thuộc diện khó khăn, không đủ khả năng chu cấp cho con ăn học. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp chưa tìm được việc làm thì món nợ ngân hàng cộng với lãi suất ngày thêm chồng chất.

Với số tiền hơn 20 triệu đồng còn nợ quá hạn ngân hàng Chính sách Xã hội của huyện, ông Nguyễn Thanh Hậu (quê Đồng Tháp) đang phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cách trả. “Nhà có hai công vườn tạp, làm chỉ đủ ăn, không thể dư lo cho hai đứa ăn học nên tui phải vay vốn. Đứa lớn ra trường hơn một năm mới xin được việc làm, giờ có thể phụ tôi trả nợ chút ít, còn đứa nhỏ ra trường một năm nay mà chưa xin được việc. Tôi đang lo không biết khi nào mới trả hết số tiền vay để gia đình và các con yên tâm”, ông Hậu rầu rĩ.

Theo quy định, CN ra trường chưa có việc làm thì cho gia hạn thêm. Ví dụ, một SV vay vốn học ĐH năm năm, sau khi ra trường, thời gian trả nợ là năm năm, thời gian gia hạn là hai năm rưỡi. Tuy nhiên, đối với các học sinh, SV học trung cấp hay CĐ, thời gian học chỉ có hai hoặc ba năm thì thời gian cho gia hạn nợ chỉ có sáu tháng hoặc một năm. Do đó, nhiều CN ra trường hết thời gian gia hạn mà không trả được nợ nên chuyển thành nợ quá hạn. Khi chuyển thành nợ quá hạn thì lãi suất sẽ tăng lên thành 130% so với lãi suất cho vay khi chưa quá hạn. Lãi chồng thêm lãi, điều này rất khó khăn cho người ra trường chưa xin được việc.

SV nghèo như tụi em rất mừng khi được vay vốn để trang trải cho việc học tập, nhưng thực sự em không biết làm sao để trả khoản nợ này. Nếu không trả nổi thì ngân hàng sẽ thu hồi nợ với bố mẹ ở quê. Bỏ ra bốn năm ăn học, nếu không có việc làm ổn định, vô tình mình lại “bồi” một khoản nợ cho gia đình. Thời buổi này kiếm được việc nuôi sống bản thân đã khó, nói chi việc trả nợ”, Tuấn Anh than vãn.

Được biết, 12 tháng kể từ khi kết thúc khóa học, các CN bắt đầu hoàn trả số tiền nợ đã vay trong thời gian đi học. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo quý 1 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp đối với người có trình độ CĐ là hơn 79.000 người, có trình độ ĐH trở lên là 162.400 người, con số này ngày càng tăng và phần nhiều rơi vào những CN gia cảnh nghèo. Theo đại diện ngân hàng Chính sách Xã hội TPHCM, với tình hình kinh tế và việc làm như hiện nay, việc thu hồi vốn của toàn hệ thống gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Báo Công an, tin gốc: http://www.congan.com.vn/?catid=942&id=530086&mod=detnews&p=