Kèm theo đó là những đề nghị điều chỉnh cần có để đề thi chính thức phù hợp hơn với các đối tượng học sinh, việc dạy và học trong các nhà trường và trên hết là mục tiêu của kỳ thi.

Cô Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố ĐTMH, nhà trường đã họp tổ, nhóm chuyên môn để nhận định, phân tích đề minh họa, từ đó đưa ra định hướng cho việc giảng dạy trong nhà trường.

Đa phần các ý kiến giáo viên rất ủng hộ, đánh giá cao việc năm nay Bộ GD&ĐT kịp thời đưa ra đề thi minh họa để học sinh, giáo viên hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức để chủ động công tác ôn tập trước kỳ thi.

Công tác ôn tập cần bám sát đề thi minh họa

Đề thi vừa sức, đảm bảo yêu cầu phân hóa

Cụ thể ý kiến của các giáo viên Tổ Khoa học Xã hội cho rằng: Đề thi môn Ngữ văn có nội dung đề bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, mức độ của câu hỏi vừa sức với học sinh, đảm bảo độ phân hóa.

Tuy nhiên thời gian làm bài 120 phút không đủ để học sinh khá, giỏi thể hiện năng lực thực sự và khả năng của mình trong phần Làm văn. Các giáo viên đề nghị cần ghi rõ biểu điểm phần Đọc hiểu cho từng câu và ghi rõ yêu cầu về  dung lượng.

Với ĐTMH môn Địa: Đảm bảo kiến thức cơ bản, kiến thức đồng tâm, xuyên suốt chương trình lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng. Câu hỏi đưa ra vừa sức phù hợp với học sinh, có tính phân hóa, bao quát được chương trình. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi dài so với thời gian làm bài. Đề nghị giảm số lượng câu hỏi trong đề xuống (còn 30 câu).

ĐTMH môn Lịch sử rất hợp lý, nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 THPT. Mức độ đòi hỏi kiến thức phù hợp, vừa sức với đối tượng xét tốt nghiệp THPT, khá dễ với đối tượng thí sinh thi để xét tuyển CĐ, ĐH.

Tuy nhiên, giáo viên cũng đề nghị: Trong 40 câu hỏi trắc nghiệm toàn bài, nên xây dựng có 10 câu hỏi phần lịch sử thế giới và 30 câu hỏi phần lịch sử Việt Nam.

Nên sắp xếp theo trình tự thời gian để học sinh có sự tư duy liền mạch, thống nhất, ví dụ: Lịch sử Việt Nam từ năm 1918 đến nay; lịch sử thế giới từ năm 1945 đến nay; Cần bổ sung các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến nội dung lịch sử Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay, đặc biệt là nội dung công cuộc đổi mới đất nước và những vấn đề mang tính thời sự để học sinh cập nhật thông tin chính xác, kịp thời.

Bên cạnh đó, yếu tố ghi nhớ chiếm quá nhiều, chiếm đại đa số là câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng nhớ của học sinh về không gian, thời gian, nội dung sự kiện, nên xây dựng hệ thống câu hỏi phát huy tính tích cực của học sinh để phân hóa rõ đối tượng học sinh xét tuyển ĐH 2017 đó là các câu hỏi mang tính tư duy, khái quát, logic, những dạng câu hỏi mang tính chủ điểm để hình thành những nhận thức lịch sử.

Tăng cường các câu vận dụng để phân hóa

Các giáo viên Tổ Khoa học Tự nhiên cho rằng, ĐTMH môn Sinh đã bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng, và SGK lớp 12, các câu hỏi được ra chính xác, khoa học, tuy nhiên chưa phân hóa rõ đối tượng HS khá giỏi (cụ thể là các câu hỏi phân hóa ở điểm 8, 9, 10 còn ít).

Tỷ lệ câu ở các chương bài tương đối phù hợp, tuy nhiên số câu ở chương ứng dụng Di truyền học hơi ít; Số câu phần Hệ sinh thái hơi nhiều.

Đồng thời đề nghị nên giảm số lượng câu hỏi trong đề xuống (còn 30 câu); Cân đối số lượng câu hỏi giữa các phần kiến thức (Di truyền 60%; Tiến hóa 15%; Sinh thái 25%); Nên bớt lý thuyết và cho thêm câu hỏi vận dụng về bài tập đột biến, giao tử, kiểu gen, kiểu hình… để phân loại học sinh khá giỏi.

Nên cho thêm các câu hỏi vận dụng cao vào thực tiễn đời sống hàng ngày trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

ĐTMH môn Hóa: Với số câu lý thuyết chiếm 25/40 của đề, và khoảng gần 50% hữu cơ, nhưng mức độ nhận biết và hiểu cao hơn so với đề thi cách 3 năm trở lại đây, nhiều câu dành cho học sinh khá trở lên.

Nội dung trong chương trình Hóa học phổ thông, nhưng ở mức độ cao hơn, nhiều câu hỏi phải khai thác sâu mà học trong SGK và sách tham khảo Hóa vận dụng hiểu để đi thi thì kết quả sẽ chưa được cao. Độ phân hóa trong đề mới chỉ dành cho học sinh khá và giỏi là chủ yếu; Đề khá dài so với thời gian 50 phút, để giải quyết số lượng 40 câu trong thời gian 50 phút thì khó hơn nhiều so với 50 câu trong thời gian 90 phút.

ĐTMH môn Vật lý, số câu nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 60%, còn lại là các câu mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao, đề được ra chủ yếu trong lớp 12 đã đảm bảo phân hóa được học sinh nhưng số câu và thời gian làm bài vẫn chưa phù hợp (có thể rút số câu hoặc tăng thêm câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu hoặc vận dụng thấp vì đề KHTN là đề tổng hợp cả Lý, Hóa, Sinh).

Sẽ định hướng cách dạy và học theo hình thức thi

Về hướng giảng dạy và kiểm tra đánh giá, ôn tập cho học sinh của nhà trường trong thời gian tới, cô Ngô Thị Quyên cho biết: Bộ môn Toán tại Trường THPT Gang Thép cũng đã thay đổi cách thức thi và kiểm tra. Đa số các bài kiểm tra đã lồng ghép 70 - 80% câu hỏi trắc nghiệm để HS làm quen với phương pháp thi, kiểm tra mới.

Ngay khi có dự thảo, lãnh đạo nhà trường cùng với tổ chuyên môn đã xây dựng các phương án ôn tập, các dạng bài tập, đồng thời sưu tầm các câu hỏi trắc nghiệm để đưa ra hệ thống câu hỏi ôn tập, xây dựng đề cương ôn tập và định hướng các nội dung để kết quả ôn tập tốt nhất, cả môn Toán và các môn học khác.

Bà Trần Thị Mỹ Quang - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên) - cho biết: về công tác định hướng ôn tập, chuẩn bị kiến thức kỹ năng cho học sinh từ nay đến kỳ thi, Sở sẽ triển khai ngay đến các nhà trường THPT, các TTGDTX để trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định.

Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát các yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng, đảm bảo cho học sinh đủ kiến thức dự thi. Đồng thời hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức, tránh học tủ, học vẹt, dành nhiều thời gian cho việc tự học của học sinh. Hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức đồng thời làm quen với phương thức thi mới, nhất là hình thức thi trắc nghiệm với các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Công tác ôn tập sẽ được bám sát ĐTMH do Bộ GD&ĐT ban hành, tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận để đưa ra giải pháp giảng dạy, giải pháp hướng dẫn học sinh học và ôn tập phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh.

 

Riêng với ĐTMH môn Toán: Các nội dung câu hỏi trong đề thi nằm trong chương trình lớp 12, mức độ câu hỏi cho học sinh đạt yêu cầu thi tốt nghiệp THPT phù hợp. 60% câu hỏi kiểm tra kiến thức rất cơ bản nằm trong SGK. Tuy nhiên, do tính chất của kiểm tra trắc nghiệm, đề chưa được phù hợp với việc phân loại HS khá giỏi. Giáo viên cho rằng: Đề cần có thêm các dạng bài tập thực tế để HS vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên đối với đa số HS dạng toán này còn tương đối lạ. Do đó HS và GV cần tham khảo và ôn tập các bài tập trong SGK có tính thực tế, tham khảo hệ thống bài tập PISA. Có bài tập mang tính lý thuyết, do đó GV cần phân tích kỹ các định nghĩa, khái niệm khi dạy, tránh để HS hiểu sai bản chất khái niệm, định nghĩa.

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cong-tac-on-tap-can-bam-sat-de-thi-minh-hoa-2407062-b.html