Tên sách: Con đường của Thế giới (The way of The world - A story of Truth and Hope)
Tác giả: Ron Suskind
Dịch giả: Hồ Anh Quang
NXB Thời Đại


Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới đều dành hầu hết thời gian và tập trung toàn bộ sức mạnh chỉ để làm mỗi một việc là do thám lẫn nhau, dưới những vỏ bọc, những màn kịch được dàn dựng hết sức tinh vi. Sự kiện khủng bố 11/9 bất ngờ xảy ra đối với nước Mỹ đã khiến cộng đồng tình báo bị xáo trộn nghiêm trọng, những điệp viên đứng trước thực tế buộc phải cải thiện trình độ cũng như các kỹ năng cần thiết để có thể nắm bắt được tình hình một cách nhanh nhạy trước những thay đổi trật tự đến mức hỗn loạn của thế giới mới.


Trước khi sẵn sàng bước ra với thế giới bên ngoài, các điệp viên đã nhanh chóng bị đẩy vào hàng quân tiên phong của quyền lực chính trị ở Nhà Trắng và phố Downing. Những thông tin tình báo mơ hồ, những điệp viên non nớt đã bị chính George W. Bush và Tony Blair sử dụng như những con rối, thậm chí là lợi dụng để hợp thức hóa cho cuộc chiến tranh ở Iraq.

 

Con đường của thế giới - Ảnh 1

Trang bìa cuốn sách.


Trong Con đường của thế giới, Ron Suskind đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng, rằng chính quyền ở Nhà Trắng đã lựa chọn gạt nguồn tin tình báo không có lợi sang một bên. Nguồn tin tình báo quan trọng ấy đã cho biết, Saddam Hussein không hề sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt WMD, đồng thời đã chỉ đạo cho CIA tạo dựng một chứng cứ, bằng cách giả mạo một bức thư đề cập đến mối liên hệ giữa Iraq và những kẻ khủng bố trong sự kiện ngày 11/9.


Tác giả Ron Suskind là cựu phóng viên tờ Thời báo phố Wall từng đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer. Một số cuốn sách đã xuất bản trước đây của Ron như Học thuyết một phần trăm, Giá của lòng trung thành… từng có chủ đề khám phá những bí mật trong các nhiệm kỳ điều hành đất nước của chính quyền Tổng thống Bush, nhưng lần này, Con đường của thế giới của ông đã kể cho người đọc nghe câu chuyện về đạo đức, về một đường lối đúng đắn với hy vọng giúp nước Mỹ khôi phục lại những quyền lực tinh thần đã mất đi trước làn sóng phản đối rộng rãi đang mỗi lúc một dâng cao trên toàn thế giới chống lại những chính sách của chính quyền Bush.


Thông qua những nhân vật khác nhau - từ một thiếu niên người Afghanistan đến Mỹ trong chương trình giao lưu trao đổi du học sinh đến những quan chức hàng đầu của cơ quan tình báo trung ương CIA, và cả một nữ luật sư hành nghề tự do; với lối hành văn lạnh lùng pha chút hài hước, tất cả hiện lên đầy sống động, một câu chuyện “hỗn hợp gồm tin tức và những bài phóng sự tường thuật” theo như lời tác giả đã nói.


Trong Con đường của thế giới, hấp dẫn hơn cả là câu chuyện của Rolf Mowatt-Larssen, cựu quan chức CIA, hiện tại là trưởng phòng tình báo trực thuộc Bộ năng lượng, một nhân vật luôn có niềm tin sâu sắc, rằng những mối đe dọa nghiêm trọng nhất về việc các tổ chức khủng bố sẽ nắm trong tay vũ khỉ hạt nhân sẽ có ngày trở thành sự thực.


Thất bại trước nỗ lực cố gắng thuyết phục đám quan chức chính phủ cao cấp chú tâm vào mối đe dọa hiểm họa thực thụ ấy, Mowatt-Larssen đã trải lòng một cách chua chát: “Tôi đã tin kể từ sau sự kiện 11/9 - và hiện tại vẫn còn đánh vật với nó - rằng chúng ta có thể có được một hệ thống làm việc hiệu quả. Nhưng giờ thì tôi hiểu, chúng ta không thể”. Những lời gan ruột của ông ta khi đề xuất cái kế hoạch có tên “Cuộc thử nghiệm về trận chiến trên đỉnh Megiddo” (Armageddon Test), một kế hoạch tung các đội quân ra ngoài thế giới hóa trang thành những kẻ khủng bố tìm mua nguyên liệu hạt nhân đã được làm giàu, từ đấy thu thập được thông tin của những thị trường chợ đen, thông tin của người mua kẻ bán loại nguyên liệu hạt nhân nguy hiểm ấy. Tuy nhiên ở cuối Con đường của thế giới, Suskind đã không cho biết kế hoạch ấy có được xúc tiến hay không.


Con đường của thế giới không chỉ có những câu chuyện chính trị, tình báo khô khan. Người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách những câu chuyện thú vị về Ibrahim, một thiếu niên người Afghanistan lần đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ trong một chương trình giao lưu trao đổi du học sinh; là câu chuyện về Usman, một công dân gốc Pakistan tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở Mỹ, cả hai đều đang cố gắng dung hòa một bên là lòng trung thành với đạo Hồi của mình, bên kia là đời sống, là văn hóa Mỹ, và những xung đột văn hóa đã xảy ra như một tất yếu. Những giá trị như niềm tin cá nhân, là công lý, là sức mạnh của ý chí dưới ngòi bút tài tình của Suskind hiện lên một cách đầy cuốn hút.


Con đường của thế giới không phải là một cuốn sách hư cấu, người đọc có thể tìm thấy trong đấy những sự thật, tìm thấy niềm hy vọng về một đường lối đúng đắn không chỉ riêng cho nước Mỹ, mà còn cho cả thế giới, trong thời đại của chủ thuyết cực đoan.