Ally Nickerson, cô bé bị cho là dị hợm trong những đứa bạn cùng trang lứa, biết rõ điều đó hơn ai hết. "Một mình là một trạng thái. Đó là khi bạn ở một mình mà không có ai bên cạnh. Nó có thể tốt hoặc xấu. Nhưng đôi khi nó vẫn là một sự lựa chọn... Nhưng cô đơn thì không bao giờ là một lựa chọn hết. Nó không phụ thuộc vào việc bạn ở một mình hay đang ngồi giữa đám đông. Bạn có thể cảm thấy cô đơn khi ở một mình. Nhưng thứ cô đơn tệ nhất chính là khi bạn đang ở trong một căn phòng đầy người mà vẫn cảm thấy cô độc", bạn có thể sẽ buồn đấy khi nghe cô bé phát biểu trong lớp, như cái cách mà thầy giáo Daniels đã buồn.


Ally Nickerson đã từng "một mình" và cảm thấy cô đơn trong một thời gian rất dài. Cô bé bị mắc một chứng bệnh gọi là chứng khó đọc, điều đó khiến những từ ngữ quay mòng mòng trước mắt và làm cô không sao đánh vần nổi. Ally luôn gặp rắc rối với những giáo viên của mình, bị bạn bè tẩy chay, bị kết tội dị hợm, cộng thêm những lần chuyển trường trong suốt thời thơ ấu, qua thời gian, tất cả biến cô thành một tâm hồn cô độc.


Ally đã làm gì để đối phó với điều đó? Cô bé tạo ra những chiếc vỏ bọc bất tuân mệnh lệnh để gây rối và đánh lạc hướng mọi người. Nhưng ẩn sâu trong lớp vỏ bọc ấy là một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, một niềm khát khao được hòa nhập với bạn bè, một bộ óc cực kỳ thông minh và sáng tạo.


con cá trên cây


Thế rồi Ally gặp thầy giáo Daniels, người đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô, người đã nhận ra rắc rối thực sự mà cô gặp phải, dành thời gian ân cần giúp đỡ, luôn động viên khích lệ, tin tưởng những khả năng thiên tài của cô và dạy cô hãy là chính mình.Albert Einstein từng nói: "Mỗi người đều thông minh theo một cách khác nhau. Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời mà nghĩ rằng mình ngu ngốc". Daniels không nhìn Ally như một con cá không có khả năng leo cây, nhưng là một con cá đang lội ngược dòng có khả năng suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp. Thầy không chỉ dạy chữ cho Ally, thầy đã dắt Ally vào cuộc sống.
Nếu ai đã từng xem phim Like stars on Earth của đạo diễn Aamir Khan, một bộ phim Ấn Độ cùng đề tài, có thể bắt gặp một câu chuyện tương tự với cặp nhân vật cậu bé Ishaan và thầy giáo Nikumbh. Kể từ khi bước chân vào cuộc sống của Ishaan, thầy Nikumbh, một người mang trong mình những quan tâm chân thành đã luôn kiên trì giúp đỡ cho đến khi kéo được cậu bé ra khỏi cả chứng khó đọc lẫn sự trầm cảm và hòa nhập với mọi người.


Thiết nghĩ, vai trò của những người thầy nên là như thế, giống như thầy Daniels và Nikumbh, là những người nhìn ra và khuyến khích sự thông minh khác biệt ở trẻ nhỏ, chứ không phải áp đặt; giúp đỡ và sẻ chia, chứ không phải trừng phạt. Bởi vì tất cả những tận tâm và chân thành đó có thể sẽ là điều cứu vãn cuộc đời của một đứa trẻ, như cách mà Ally và Ishaan đã được giúp đỡ ở thời điểm khủng hoảng nhất trong cuộc đời.
Con cá trên cây của tác giả Lynda Mullaly Hunt còn ẩn bên trong mình câu chuyện của những đứa trẻ khác. Về Travis - anh trai Ally, một người anh hoàn hảo và thiên tài sửa chữa đồ vật, hóa ra cũng cần sự giúp đỡ như em gái; về Albert, một đứa trẻ cũng luôn ẩn giấu tâm hồn nhạy cảm của riêng mình bên ngoài vỏ bọc bác học; hoặc thậm chí là Shay, một đứa trẻ xấu tính đã luôn phải chịu áp lực từ người mẹ khắc nghiệt của mình.


Như cách so sánh của Ally, mỗi đứa trẻ đều có một khối bê tông riêng cần kéo lê bên mình mỗi ngày, và khối bê tông nào cũng nặng. Có nhìn thấy khối bê tông ấy hay không và làm thế nào để đập phá nó, tất cả phụ thuộc vào góc nhìn của người lớn chúng ta. Hay ít nhất, cũng xin đừng phá nát cuộc đời của một đứa trẻ bằng những phán xét và đánh giá thiên kiến của riêng mình.


Theo zing.vn