Theo đó, kết quả đánh giá các học phần điều kiện này không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung các học phần và điểm trung bình chung tích lũy, nhưng là điều kiện để xét tốt nghiệp.

Như vậy, ngoại ngữ sẽ không làm ảnh hưởng đến điểm trung bình chung học kỳ vốn được dùng để xét cảnh báo học vụ, buộc thôi học, nghỉ học tạm thời, xếp loại học lực, học bổng, khen thưởng sau mỗi học kỳ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết việc không tính điểm môn ngoại ngữ vào điểm trung bình chung học tập sẽ giải quyết được nhiều bất cập của việc tính điểm ngoại ngữ như hiện nay.

Hiện tại, sinh viên các chương trình đào tạo chuẩn khi vào trường đã đạt trình độ ngoại ngữ tương đương chuẩn đầu ra là B1 thì các em được miễn học ngoại ngữ và được tính điểm thi ngoại ngữ là 10 điểm.

Các chương trình đào tạo chuẩn của trường thường gồm gần 140 tín chỉ, trong khi ngoại ngữ chiếm đến 14 tín chỉ. Việc sinh viên đạt chứng chỉ B1 nghiễm nhiên được 10 điểm thi ngoại ngữ đã tạo ra thiệt thòi cho những sinh viên có điểm xuất phát về môn ngoại ngữ hạn chế khi tính điểm trung bình chung, xét học bổng.

Một bất cập đáng nói khác là ngay thí sinh được miễn học, miễn thi ngoại ngữ và nghiễm nhiên được điểm 10 ngoại ngữ, nhưng đến khi tốt nghiệp vẫn phải tiếp tục ôn, học để đạt chứng chỉ đúng chuẩn đầu ra. Điều này xuất phát từ cách chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị trong hai năm”- ông Bình phân tích.

Theo ông Bình, nhiều tổ chức kiểm định quốc tế đều nhận xét điểm yếu của đào tạo ĐH Việt Nam chính là tỉ lệ học phần chuyên môn thấp, trong khi tỉ lệ các học phần kiến thức chung lại khá nhiều, thường chiếm đến 30%, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo chuyên môn.

“Khi bớt đi 14 tín chỉ ngoại ngữ trong tính điểm trung bình chung, các trường sẽ có cơ hội bổ sung các học phần chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn”- ông Bình nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 22-12-2014, Bộ GD-ĐT có công văn “đồng ý để ĐH Quốc gia Hà Nội thí điểm quy định học phần ngoại ngữ là học phần điều kiện khi xét tốt nghiệp trong chương trình đào tạo ĐH”.

Việc áp dụng thí điểm phải bảo đảm sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội và phù hợp với đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Sau hai năm thực hiện thí điểm, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ phải rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai để báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét áp dụng chính thức.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu việc thí điểm phải đảm bảo lợi ích của người học và giảng viên. Lý giải thêm về điều kiện này, TS Vũ Viết Bình cho biết dù không tính điểm ngoại ngữ vào điểm trung bình chung học tập, nhưng ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn tổ chức giảng dạy ngoại ngữ để đảm bảo việc làm, công tác giảng dạy của giáo viên cũng như quyền lợi được học ngoại ngữ trong nhà trường của sinh viên.

Quy định không tính điểm ngoại ngữ vào điểm trung bình chung học tập sẽ được ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức áp dụng cho các khóa tuyển sinh ĐH từ năm 2015 trở đi.

Theo quy chế mới, điều kiện xét tốt nghiệp sinh viên các chương trình đào tạo chuẩn ĐH Quốc gia Hà Nội phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam.

Theo Báo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150102/coi-ngoai-ngu-nhu-giao-duc-the-chat/693810.html

Đại học Quốc gia Hà Nội, môn ngoại ngữ