Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Họ là người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên.

Vai trò của người cố vấn học tập

Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm học 2009-2010. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, học chế tín chỉ đã đi vào ổn định. Đạt được những thành công trên đó là nhờ vào sự nhiệt tình của tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập, đặc biệt là vai trò của CVHT.

Là một CVHT, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hảo, giảng viên khoa Kinh tế của trường, cho biết rằng nhiệm vụ của cố vấn học tập (CVHT) là

  • Hướng dẫn sinh viên nắm vững các quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT và các quy định về đào tạo của trường

  • Tư vấn cho sinh viên về chương trình đào tạo

  • Cách thức xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của sinh viên

  • Tư vấn cho sinh viên về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học

  • Đồng thời tư vấn hướng nghiệp và việc làm cho sinh viên…

Cố vấn học tập là gì?

Sự kết nối chặt chẽ giữa sinh viên với nhà trường phải cần đến cầu nối của cố vấn học tập.

Qua 3 năm làm công tác CVHT, theo Thạc sĩ Phạm Đình Phú, giảng viên Khoa Điện – Điện tử của trường cũng chia sẻ: "Năm thứ nhất, sinh viên chưa xác định rõ phương pháp học tập đúng đắn, thường có xu hướng đăng ký tối đa số tín chỉ cho phép của một học kỳ (20 tín chỉ) mà không nghĩ đến năng lực của mình và quan trọng hơn sinh viên thường có xu hướng chạy theo số tín chỉ đạt được chứ không quan tâm kiến thức mình học được bao nhiêu. Do đó phần lớn sinh viên học theo kiểu đối phó, ít chú ý đến việc tự học. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của CVHT cần thực hiện đó là giới thiệu khung chương trình đào tạo. Đây là công việc quan trọng hàng đầu của CVHT hướng dẫn cho sinh viên tìm hiểu chương trình đào tạo của khóa – ngành và cách lựa chọn học phần. Các năm học tiếp theo, tùy vào năng lực, hoàn cảnh của sinh viên mà CVHT có những hướng dẫn phù hợp."

Em Phạm Trần Đăng Minh, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử nói: “Nếu đào tạo theo niên chế, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò là cầu nối giữa nhà trường và sinh viên, là người đại diện của nhà trường quản lý sinh viên. Còn đào tạo theo hệ thống tín chỉ, CVHT vừa là giáo viên chủ nhiệm trước đây, đồng thời đảm nhận vai trò là người tư vấn, trợ giúp sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Các thầy cô vừa giảng dạy vừa là một chuyên gia tư vấn về học tập và việc làm cho sinh viên, đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập”.

Cố vấn học tập cần phát huy cần phát huy tốt vai trò của mình

Bên cạnh những CVHT am hiểu tận tường, tận tình hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, giúp sinh viên đạt kết quả cao cũng còn một số CVHT chưa thật sự làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhiều giảng viên thừa nhận, để am hiểu về chương trình, quy chế đào tạo tín chỉ, nắm vững tinh thần học tập cụ thể của sinh viên là việc không dễ dàng.

Để làm tròn vai trò một CVHT, nhiều giảng viên cho rằng cần mở các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng công tác này cũng như chính bản thân các giảng viên phải chủ động phát triển kỹ năng mềm, đồng thời gần gũi hơn với sinh viên để chia sẻ. Thầy Phạm Đình Phú bày tỏ: "Để phát huy tốt vai trò CVHT, các CVHT cần thiết phải xây dựng quy trình công tác CVHT một cách khoa học; là người am tường về chuyên môn và luôn lắng nghe ý kiến của sinh viên. Khi CVHT thực sự quan tâm đến sinh viên, phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình đối với sinh viên thì các em sẽ mạnh dạn, chủ động hơn trong việc chia sẻ, trao đổi với CVHT của lớp. Làm tốt công tác CVHT sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ."

Kênh tuyển sinh (Theo PYO)