Việc đăng ký xét tuyển như thế nào khi cách thi thay đổi là vấn đề nhiều thí sinh (TS) và cả những người làm công tác tuyển sinh quan tâm.

Hỗ trợ bằng phần mềm tuyển sinh toàn quốc

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng Bộ cần có phần mềm tuyển sinh 2015 tích hợp để quản lý dữ liệu tuyển sinh chung cả nước với những trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia. Khi đó, TS sẽ có mật khẩu để đăng ký trực tiếp và phần mềm này sẽ quản lý được dữ liệu tuyển sinh TS đăng ký xét tuyển. TS khu vực khó khăn thuộc vùng sâu vùng xa cũng không đáng lo ngại vì các trường THPT hầu hết đều tập trung ở huyện thị mà các điểm này đều có internet để TS sử dụng.

Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, lại ủng hộ phương thức đăng ký xét tuyển truyền thống qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. Theo ông Xê, việc đăng ký trực tuyến không an toàn tuyệt đối, nếu đăng ký dồn dập trong khoảng thời gian ngắn có thể xảy ra tình trạng nghẽn mạng hoặc gặp sự cố mạng sẽ mất dữ liệu. Vì vậy, đăng ký xét tuyển như truyền thống trước nay vẫn an toàn và dễ thực hiện hơn.

Tuyển sinh 2015 có thể đăng ký xét tuyển đại học qua mạng?

Việc đăng ký xét tuyển và nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho rằng việc đăng ký xét tuyển qua mạng phải đảm bảo được kỹ thuật. Dữ liệu của một TS đăng ký trên mạng sau đó trúng tuyển phải bị khóa để không được xét tuyển qua trường khác.

Đăng ký trước hay sau kỳ thi quốc gia?

Do năm nay không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH “3 chung” như mọi năm mà phần lớn các trường dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển nên việc TS đăng ký vào các trường trước hay sau khi thi kỳ thi này cũng là điều đáng quan tâm.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, đề xuất nên để TS đăng ký môn thi THPT đồng thời với trường ĐH và CĐ xét tuyển. Theo đó, TS sẽ khai phiếu đăng ký này bằng văn bản và nộp về trường THPT. Trường THPT và sở GD-ĐT sẽ phối hợp để nhập các dữ liệu này vào phần mềm tuyển sinh quốc gia. Phiếu đăng ký này ngoài thông tin như các năm trước, cần bổ sung thêm điểm trung bình học tập năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 kèm theo xếp loại hạnh kiểm. Theo tiến sĩ Chính, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trước khi kỳ thi diễn ra sẽ có nhiều cái lợi vì tạo được sự ổn định và chủ động cho cả TS và trường.

Tiến sĩ Chính cho rằng nên cho phép TS đăng ký trước khi thi 4 nguyện vọng xét tuyển bất kỳ mà không bị ràng buộc trong một trường. Tuy nhiên, phải đăng ký theo thứ tự ưu tiên, mỗi đợt chỉ xét một nguyện vọng nên sẽ tránh tỷ lệ TS ảo cho các trường. Dữ liệu đăng ký trên phần mềm tuyển sinh quốc gia sẽ được chuyển về từng cụm thi để in giấy báo thi gửi về sở GD-ĐT rồi tới tay TS qua đường bưu điện. Sau khi có kết quả thi, cụm thi sẽ gửi dữ liệu điểm về trung tâm dữ liệu tuyển sinh quốc gia để gửi về từng trường. Trên cơ sở này, các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng 1 trước khi thông báo tuyển đợt 2. Cũng theo tiến sĩ Chính, ngoài 4 nguyện vọng đăng ký ban đầu, nên có một đợt xét tuyển bổ sung cuối cùng để tạo thêm cơ hội cho TS.

Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen, TS đăng ký trước thì các trường mới biết số liệu. Nếu thi THPT xong TS mới đăng ký thì các trường phải “chạy nước rút”.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng các trường đều thích TS đăng ký trước khi thi nhưng TS sẽ mong muốn có điểm rồi mới đăng ký. Điều này Bộ nên quyết định theo hướng nào cho tốt nhất.

Giảm cơ hội trúng tuyển?

Năm 2014 mỗi TS dự thi ĐH có 3 giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1. Với những TS dự thi 2 khối, cơ hội xét tuyển bổ sung lên tới 6 lượt. Đặc biệt, ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, theo quy chế lúc bấy giờ, TS được nộp cùng lúc cả 6 giấy chứng nhận nên cơ hội trúng tuyển rất cao.

Theo thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, năm 2015, giả sử Bộ đưa ra phương án trong mỗi đợt chỉ cho phép TS đăng ký xét tuyển vào một trường và tối đa 4 ngành của trường đó thì cách này rất ổn cho các trường vì khống chế đáng kể tỷ lệ TS ảo nhưng TS sẽ có ít cơ hội trúng tuyển hơn, đặc biệt là trúng tuyển ngành học yêu thích. Bởi lúc này TS buộc phải chọn lựa giữa việc tiếp tục xét tuyển đợt sau vào ngành học yêu thích của trường khác hoặc chấp nhận học ngành không yêu thích để trúng tuyển trường này.

Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nếu TS bắt buộc phải lần lượt nộp hồ sơ vào một trường (dù có nhiều phiếu xét tuyển hơn vào các ngành) thì cơ hội ít đi chứ không phải tăng lên. Các năm trước, TS thi 2 khối khác nhau là 2 cơ hội xét tuyển, thi CĐ là cơ hội thứ 3, nộp tuyển sinh riêng là cơ hội thứ 4. Nếu chỉ nộp một trường, nghĩa là chỉ có một cơ hội. Điều này chỉ thuận lợi cho việc xét tuyển của các trường nhưng giảm cơ hội của TS.

Theo tác giả Hà Ánh - Đăng Nguyên, Báo thanh niên, tin gốc:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141116/co-the-dang-ky-du-thi-dh-cd-truc-tuyen.aspx