Cơ hội việc làm của ngành ngôn ngữ NhậtQuang cảnh một buổi tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - Ảnh: Đ.N.T

Tư vấn tuyển sinh 2016 ngành ngôn ngữ Nhật

- Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hiện nay đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam rất lớn, nên cơ hội việc làm rất cao. Học ngành ngôn ngữ Nhật em có thể làm biên, phiên dịch hoặc các vị trí kinh doanh, thương mại, marketing… trong các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam có liên doanh với Nhật, có các đối tác từ Nhật Bản.
Hiện nay, tại TP.HCM, ngoài Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM có ngành ngôn ngữ Nhật, còn một số trường khác đào tạo ngành có liên quan như: Nhật Bản học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Ngoại ngữ tin học…

* Ngành kinh doanh xuất nhập khẩu đào tạo những gì? Cơ hội việc làm ra sao? Em có nghe ngành này kiếm việc làm rất khó và phải nhờ vào người quen, có đúng như vậy hay không? Điểm xét tuyển ngành này ở ngưỡng bao nhiêu? (Nguyễn Xuân Tiến, Trường THPT Phan Bội Châu, Phan Thiết, Bình Thuận)

- Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính hải quan: Đây là một chuyên ngành học của ngành kinh doanh thương mại, giúp sinh viên nắm vững kiến thức về pháp luật, kinh tế và thương mại. Sau khi tốt nghiệp, người học có đủ kiến thức, kỹ năng làm việc trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, quá cảnh…
Nếu em giỏi chuyên môn, kỹ năng tốt, có ngoại ngữ và đáp ứng được yêu cầu của công việc thì em hoàn toàn có khả năng kiếm được việc làm. Năm 2015, điểm trúng tuyển của ngành này tại Trường CĐ Tài chính hải quan là 10,5 điểm.

* Những ngành thuộc khối nông lâm của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM xét tuyển những tổ hợp môn nào? Ra trường làm việc ở đâu? Cơ hội việc làm những ngành học đó ra sao? Mức lương có tốt như học các ngành về kinh tế?

- Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể, chuyên gia tư vấn Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, có các ngành khối nông lâm như nông học, bảo vệ thực vật, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, phát triển nông thôn, lâm nghiệp, công nghệ chế biến lâm sản, quản lý đất đai…

Một số tổ hợp môn xét tuyển gồm: toán, lý, hóa; toán, hóa sinh; toán, ngữ văn, tiếng Anh; toán, lý, tiếng Anh…
Học khối ngành nông lâm, khi ra trường không bắt buột em phải làm việc ở nông thôn hay rừng núi. Việc chọn nơi làm việc tuỳ thuộc vào sở thích, sự phù hợp, năng lực nghề nghiệp, điều kiện gia đình hoặc yêu cầu công việc của mỗi người. Hiện nay, nông nghiệp đô thị đang rất phát triển ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Cơ hội việc làm những ngành này là rất cao. Tuy nhiên, còn phụ thuộc nhiều vào năng lực nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, tin học và một số kỹ năng mềm khác. Trong xã hội không có bất cứ một quy định nào quy định ngành này phải có mức lương cao hơn ngành kia. Mức lương sẽ được trả tương xứng với công sức, trí tuệ, mức độ cống hiến mà em bỏ ra.

 

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/co-hoi-viec-lam-cua-nganh-ngon-ngu-nhat-681930.html


Xem thêm các giải đáp về tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn