Cho em hỏi triển vọng ngành Luật, khả năng tìm việc làm có dễ không? ([email protected])

Trong ngành Luật có rất nhiều chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính và Luật Quốc tế.  Ở mỗi ngành, SV sẽ được đào tạo sâu các kiến liên quan đến ngành của mình. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Luật rất lớn.

Ví dụ, tốt nghiệp ngành Luật Thương mại có thể làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước như sở Thương mại, cục Hải quan, sở Kế hoạch Đầu tư, hoặc làm chuyên viên các cơ quan như UBND, phòng kinh tế, phòng thuế hoặc các toà án kinh tế, viện kiểm sát. luật sư, tư vấn pháp luật chuyên về lĩnh vực kinh tế thương mại; Tốt nghiệp ngành Luật Dân sự có thể làm việc tại các tòa dân sự, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan tư pháp, hoặc làm luật sư chuyên về dân sự như : tranh chấp tài sản, nợ, đất đai, hôn nhân gia đình, đơn vị kinh doanh bất động sản; tốt nghiệp ngành luật hình sự làm việc ở các toà án, cơ quan tư pháp, viện kiểm sát, chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực hình sự, các trung tâm hỗ trợ pháp lý, các chi cục phòng chống tệ nạn xã hội; Tốt nghiệp Luật Hành chính có thể làm việc ở UBND các cấp, tòa hành chính, viện kiểm sát, hoặc làm luật sư về lĩnh vực hành chính; Tốt nghiệp ngành Luật Quốc tế có thể làm việc trong ngành tư pháp, cơ quan ngoại giao, các công ty, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam…

Em là thí sinh tự do đang ở trọ tại Hà Nội. Vậy khi làm hồ sơ đăng kí thi đại học em xin xác nhận của trụ sở Công an phường em đang ở hay là về quê xin dấu? Em muốn thi ngành Sư phạm đào tạo dạy bằng tiếng Anh của trường Sư phạm Hà Nội thì điền trong hồ sơ như thế nào? ([email protected])

Em xin dấu xác nhận nơi em đăng ký tạm trú. Nếu em không đăng ký tạm trú thì phải xin xác nhận theo hộ khẩu. Đối với ngành tiếng Anh của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, em ghi theo mã ngành mà nhà trường đã công bố.

* Đọc thêm: Học ngành nghệ thuật ra trường sẽ làm gì?

Em muốn hỏi điểm trúng tuyển hệ trung cấp An ninh Nhân dân đối với nam khu vực Miền Bắc Năm 2012, 2013 là bao nhiêu? ([email protected])

Hệ trung cấp An ninh nhân dân xét tuyển thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 từ các trường đại học Công an. Khối trường này lấy theo chỉ tiêu và khu vực nên rất ít khi thông báo điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Em sinh năm 1992 em vừa tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, năm 2014 em muốn dự thi vào quân đội. Vậy em có đủ điều kiện dự thi vào trường sĩ quan kĩ thuật không? ([email protected])

Các trường quân đội chỉ tuyển những thanh niên ngoài Quân đội từ 17 đến 21 tuổi.

Năm nay em thi Đại học và sắp phải nộp hồ sơ rồi. Em muốn thi ngành Sư phạm tiếng Anh nhưng vẫn đang phân vân giữa 2 trường ĐH SP 1 và ĐH SP 2. Mức điểm của em khoảng 18-20. Và em muốn hỏi về cơ hội việc làm của ngành này? ([email protected])

Mức điểm chuẩn hàng năm của trường ĐH Sư phạm 1 (hay còn gọi là ĐH Sư phạm Hà Nội) và ĐH Sư phạm 2 đều khác nhau, chênh lệch nhau. Điểm chuẩn của trường ĐH Sư phạm 1 cao hơn ĐH Sư phạm 2 nên em cần cân nhắc để lựa chọn.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật là rất lớn

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật là rất lớn

Sinh viên ngành cử nhân Sư phạm tiếng Anh ra trường thường làm công tác giáo dục và giảng dạy bộ môn tiếng Anh ở các trường THPT; có thể làm việc trong lĩnh vực chuyên môn khác có đòi hỏi kiến thức văn hóa, xã hội và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Cho em hỏi học Tâm lý thì ra làm những việc gì? Cho những công ty nào? Tính cách em không được hướng ngoại lắm có làm được công tác xã hội không? Và ngành này thì làm những công việc gì?([email protected])

Sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý có khả năng làm việc ở các lĩnh vực có liên quan đến đời sống tâm lí con người như giảng dạy; nghiên cứu; quản lí; tư vấn; tư pháp; giáo dục; y tế; hoạt động kinh doanh; xã hội…tiếp tục học lên các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.

Còn ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp làm việc tại các cơ sở và tổ chức xã hội (các cơ sở, cơ quan, tổ chức công và tư). Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khoẻ, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, xã hội, văn hoá, môi trường... Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến công tác xã hội.

Tiếp tục theo học ở bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) về Công tác xã hội, Phát triển cộng đồng; cũng có thể học bổ túc thêm kiến thức để chuyển đổi sang các lĩnh vực chuyên môn khác gần với Công tác xã hội.

Em có thể cân nhắc để lựa chọn phù hợp với tính cách của mình.

Em đang băn khoăn không biết nên nộp hồ sơ vào ngành Ngôn ngữ Anh hay ngành Sư phạm Anh của ĐH Ngoại ngữ - ĐH QGHN, cho em lời khuyên? (Lê Bích Ngọc, 18 tuổi, Hà Nội)

Về cơ bản sự khác biệt giữa chương trình đào tạo của 2 ngành này là như nhau.

+ Đào tạo ngành Sư phạm để cung cấp giáo viên cho các trường THPT, cung cấp giảng viên cho các trường đại học và cao đẳng cho cả nước....

+ Đào tạo ngành Ngôn ngữ để cung cấp đội ngũ biên, phiên dịch, cán bộ làm việc liên quan đến tiếng Anh  cho khối các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, v.v...

Trong quá trình học tập ngành Sư phạm được nhà nước miễn học phí, ngành ngôn ngữ em phải đóng học phí theo quy đinh. Mức đóng hiện này là 420.000đ/1 tháng.

Em có thể đăng ký thi vào ngành Ngôn ngữ Anh, trong quá trình học tập hoặc sau khi ra trường em muốn đi dạy học, em hoàn toàn có thể đăng ký học 1 lớp nghiệp vụ sư phạm 6 tháng để nhận chứng chỉ sư phạm.

Em muốn học ngành tiếng Nga sau đó học thêm một ngành Kinh tế, hoặc một ngành khác trong ĐHQG, em cần có các điều kiện gì ạ? (Hoàng Thị Hạnh, 18 tuổi, Thanh Hóa)

Điều kiện được học bằng thứ hai là sau năm thứ nhất nếu sinh viên ĐHNN - ĐHQGHN đạt điểm trung bình chung từ 2.5 trở lên thì có thể đăng kí được xét tuyển theo học một trong các chuyên ngành sau: Tài chính ngân hàng, Kinh tế đối ngoại ( ĐHKT), học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Báo chí, Khoa học Quản lý và Quốc tế học (ĐHKHXHNV), Luật học (khoa Luật - ĐHQGHN). Ngoài ra, sinh viên ngành tiếng: Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Ả Rập có cơ hội học thêm chương trình đào tạo lấy bằng thứ hai đại học chính quy ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc.

Nếu em muốn thi ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH  Ngoại ngữ Hà Nội mà không đậu thì điều kiện thế nào để chuyển sang ngôn ngữ khác? Có được tự chon ngành hay là bị xếp thế nào là phải học khoa đó?([email protected])

Trường đại học Hà Nội xây dựng điểm trúng tuyển theo ngành, khối thi, chỉ tuyển nguyện vọng 1. Khối A1 điểm các môn nhân hệ số 1. Khối D điểm môn ngoại ngữ nhân hệ số 2. Nhà trường không tuyển NV2 nên em không đỗ NV1 sẽ không được xét tuyển sang ngành khác.

Ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Bách khoa có khác ngành tiếng Anh các trường khác không? Điểm chuẩn năm ngoái có cao không? (Nguyễn Hoài Trang (Tĩnh Gia - Thanh Hóa)

Ngành Ngôn ngữ Anh của ĐHBK Hà Nội có 2 chuyên ngành: Tiếng Anh khoa học kỹ thuật và công nghệ, và Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (IPE).

Ngoài các kiến thức chung về ngôn ngữ, văn hóa và kỹ năng tiếng Anh như chương trình của các trường khác, chuyên ngành Tiếng Anh KHKT&CN bổ sung các kiến thức liên quan tới ứng dụng trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Do vậy sinh viên tốt nghiệp có khả năng thích ứng nhanh với công việc trong các tập đoàn đa quốc gia, công ty liên doanh, các tổ chức phi chính phủ,... IPE là một chương trình hợp tác với ĐH Plymouth của Anh quốc, SV tốt nghiệp được cấp 2 bằng Cử nhân.

Chương trình này tập trung nâng cao các kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, bên cạnh các kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ. Điểm chuẩn năm 2013 của TA KHKT&CN là 28,5 và của IPE là 28 điểm, trong đó môn tiếng Anh nhân hệ số 2.