Tin liên quan

>> Giáo dục chất lượng cao chưa thật sự rõ ràng

>> Trường chất lượng cao là thế nào?

>> Học phí lớp chất lượng cao tại ĐH

Không thể biến trường công thành trường tư

Chủ trương lấy trường công biến thành trường chất lượng cao để tăng nguồn thu là vô lý, thiếu cơ sở khoa học và đi ngược lại nhiệm vụ của nền giáo dục đất nước.

Liên tục trong những số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải những ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư ban hành Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập của Bộ GD&ĐT. Một quy định khiến không ít phụ huynh lo ngại ngành giáo dục đang ngày càng xa rời nhiệm vụ của mình là tạo công bằng trong giáo dục chính là trường học được cấp.

Chỉ cần gắn “mác” là thu học phí cao!

Trước hết cần làm rõ khái niệm thế nào là trường chất lượng cao (CLC)? Đến nay, sau nhiều hội thảo Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra được các tiêu chí để làm cơ sở công nhận trường CLC. Tuy nhiên, có thể khẳng định trường CLC phải có truyền thống thầy dạy tốt, trò học tốt. Muốn có thầy dạy tốt phải có quá trình đầu tư, rèn luyện. Muốn có trò học tốt cũng vậy. Như vậy, muốn trở thành trường CLC phải có cả một quá trình xây dựng. Và điều quan trọng là trường đó phải được phụ huynh, xã hội tín nhiệm. Điều này đòi hỏi nhà trường phải nỗ lực rèn luyện liên tục nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Ở các nước, trường học có uy tín phải nằm trong hệ thống các trường được công nhận bởi một tổ chức kiểm định độc lập với cơ quan quản lý giáo dục. Ở nhiều nước tiên tiến, không ít trường có uy tín là trường tư.

Trong khi đó, dự thảo Thông tư ban hành Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập đưa ra điều kiện để được công nhận trường CLC như sau: “Trường mầm non, phổ thông công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD&ĐT”. Như vậy, chỉ cần đạt các “tiêu chuẩn đánh giá nhà trường” là trường được công nhận CLC; không cần phải có quá trình rèn luyện của thầy và trò, không quan tâm đến việc phụ huynh có tín nhiệm hay không. Chưa kể “cơ quan có thẩm quyền” ở đây cũng chính là cơ quan quản lý trường học đó nên thiếu sự khách quan cần thiết. Rõ ràng dự thảo đưa ra một quy trình ngược, gắn “mác” CLC trước rồi chừng nào tạo được uy tín trong xã hội thì… tính sau!

Gia tăng mất công bằng giáo dục

Ngày nay, công bằng giáo dục đã trở thành nhận thức chung của nhân loại. Vì tương lai của nhân loại có bền vững hay không được xây nên từ những con người đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay. Ở nước ta, nhiệm vụ của nền giáo dục được ghi trong Luật Giáo dục là tạo điều kiện để ai cũng có cơ hội học hành như nhau, không phân biệt giàu nghèo. Mặt khác, sự phân cực giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, dẫn đến sự phân cực các dịch vụ xã hội, trong đó có giáo dục. Từ đó, xã hội xuất hiện các trường tư có cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt để đáp ứng nhu cầu học hành của con em một bộ phận người giàu. Bởi vậy, hệ thống trường công lập mặc nhiên mở ra là đáp ứng cho đại bộ phận người có thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội.

Nay với việc cho phép mở lớp CLC trong trường công lập, mở trường CLC trong hệ thống công lập với sự đóng góp chia đều cho các phụ huynh càng gây khó khăn thêm cho các gia đình nghèo. Chắc chắn có nhiều học sinh do không kham nổi học phí cao ngất sẽ rời bỏ các trường, lớp này. Cơ hội học tập không còn đồng đều. Sự mất công bằng trong giáo dục ngày càng tăng. Mặt khác, thử hỏi trong cùng một trường, có những học sinh được học trong những lớp có gắn máy lạnh, bàn ghế khang trang; bên cạnh đó là những học sinh học trong những lớp thường, liệu hình ảnh đó có làm phụ huynh yên tâm, phụ huynh nghèo có mặc cảm, trong lòng học sinh nghèo có bị tổn thương?

Ngay ở các nước giàu OECD (Organization for Economic Co-operation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), phần đóng góp của người dân cho giáo dục cũng chỉ quanh quẩn 20% so với ngân sách nhà nước chi cho giáo dục; trong khi ở nước ta tỉ lệ này đã vượt 40%. Riêng ở TP.HCM, tỉ lệ này là 57%!

Rõ ràng chủ trương lấy trường công biến thành trường CLC để tăng nguồn thu là vô lý, thiếu cơ sở khoa học và đi ngược lại nhiệm vụ của nền giáo dục, đại chúng quốc gia.

Sai từ gốc và không nên áp dụng!

Ngay từ đầu, khi nghe về thông tư tôi đã cho rằng nó sai từ gốc và không nên được áp dụng trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Vì nó tạo ra nhiều điều bất lợi cho môi trường giáo dục.

Bất lợi lớn nhất đó chính là tạo ra các tầng đẳng cấp trong một trường. Điều này khiến cho học sinh cũng tự phân biệt giàu nghèo với nhau. Có những em học sinh nhạy cảm không được học trong điều kiện như các bạn khác sẽ cảm thấy tự ti, còn những em được học sẽ có thể dẫn đến coi thường các bạn khác. Nếu dự thảo được thông qua, sẽ mâu thuẫn với chính phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ GD&ĐT đã phát động.

Dự thảo cũng đề cập đến vai trò đóng góp của phụ huynh. Nhu cầu để con cái được học tập trong môi trường tốt là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, nên để họ tự lựa chọn trường cho con em mình học, hơn là huy động họ để xây dựng nên môi trường đó. Nếu Nhà nước không ôm nổi các trường công, nên tạo điều kiện để các trường tư thục phát triển. Hệ thống này phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội chọn lựa cho phụ huynh hơn.

PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

VIẾT THỊNH ghi

Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân

“Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng”.

Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.

(Trích Điều 10 Luật Giáo dục)

 

>> Tiêu chuẩn nào cho trường chất lượng cao?

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Phapluattp)