Cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trước Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 khối ĐH, CĐ tổ chức ngày mai (22/10).

Không để lãng phí nguồn lực

Trả lời câu hỏi: Vì sao phải cơ cấu lại? Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Nhiều năm liền, có những trường tuyển sinh hết sức khó khăn bởi nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Nếu cứ tiếp tục sẽ rất lãng phí nguồn lực, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ. Vì vậy, với những trường này, phải có biện pháp cơ cấu, sắp xếp lại, làm thế nào để sử dụng nguồn lực hiệu một cách hiệu quả nhất.

"Còn đối với phân tầng, xếp hạng, chúng ta sẽ sắp xếp các trường ĐH theo 3 tầng, đó là trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, trường ĐH theo định hướng ứng dụng và định hướng thực hành, để từng trường xác định mục tiêu rõ ràng, từ đó, xây dựng chiến lược, định hướng chương trình đào tạo cho phù hợp với mục tiêu" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp hoàn thiện khung trình độ quốc gia, tương thích với khung trình độ các nước ASIAN và đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các trường ĐH sẽ căn cứ vào đó xây dựng lại chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho phù hợp, để sinh viên có thể tham gia lao động ở các nước trong khu vực.

Những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo trong năm học 2015 - 2016 của giáo dục đại học là thực hiện nhân rộng mô hình tự chủ đại học; kiểm định chất lượng và tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.

Riêng với nội dung tuyển sinh, Thứ trưởng cho biết: Rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa rồi, năm tới, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ điều chỉnh một số nội dung, theo hướng tăng thêm quyền tự chủ cho các trường trong thực hiện công tác tuyển sinh, để làm sao vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đồng thời đảm bảo bớt ảo để các trường thuận lợi xét tuyển.

Đã hoàn chỉnh hệ thống văn bản thực hiện Luật Giáo dục ĐH

Điểm nhấn của năm học 2015 - 2016, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đó là lần đầu tiên, chúng ta có một hệ thống văn bản hoàn chỉnh, đầy đủ để thực hiện Luật Giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, các văn bản khác liên quan đến hệ thống giáo dục đại học và các trường cao đẳng cũng được điều chỉnh cho phù hợp sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành và có hiệu lực.

Một số nhiệm vụ quan trọng khác cũng đã được hoàn thành trong năm học 2014 - 2015 và được Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, đó là: Chúng ta đã ổn định quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Quy mô sinh viên ĐH, CĐ ổn định nhiều năm ở mức khoảng 2,3 triệu. Số sinh viên vừa học vừa làm, sinh viên liên thông giảm. Cụ thể, năm 2015, tổng sinh viên vừa làm vừa học so với chính quy chỉ còn khoảng hơn 20%.

Bộ GD&ĐT cũng đã rà soát các chương trình đào tạo, kiểm tra, thanh tra các điều kiện hoạt động của các trường ĐH, CĐ, phát đi thông báo với các trường không đảm bảo chất lượng phải nhanh chóng củng cố các điều kiện đảm bảo hoạt động; dừng tuyển sinh nếu không đảm bảo chất lượng.

Năm học vừa qua cũng làm được một việc rất quan trọng là thực hiện tự chủ đại học. Cho tới nay có hơn chục trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ ĐH, trong đó có tự chủ tài chính.

"Kết quả rất tốt đẹp là mùa tuyển sinh vừa rồi, những trường này dù học phí cao hơn nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông đảo, thuộc top những trường lấy điểm cao nhất. Như vậy, thí điểm tự chủ tài chính các trường bước đầu đã thực hiện thành công, tạo điều kiện mở rộng trong những năm tiếp theo" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, năm học vừa qua, chúng ta đã thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh; thực hiện chuyển đổi trường dân lập sang trường tư thục theo Thông tư 45. Hiện, 15 trường dân lập đang xây dựng hồ sơ, hoàn tất thủ tục, trong đó một trường đã được Thủ tướng quyết định cho chuyển sang trường tư thục.

Theo Giáo dục thời đại, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-cau-lai-he-thong-dh-cd-1368230-v.html