>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Mùa tuyển sinh năm nay, tụi con là những con chuột bạch như con trai của cô vậy ạ. Nhưng con không là con chuột bạch khóc giữa sân trường như bao con chuột bạch không đủ điểm chuẩn khác.

Con thi được 22 điểm và nguyện vọng là học ngành báo chí. Thế nhưng, điểm số này không đủ để học báo chí. Con hoảng hốt nộp hồ sơ vào ngành quan hệ quốc tế. Trước lượng hồ sơ rất lớn vào đây, con không còn bình tĩnh nên lại nộp hồ sơ vào ngành khoa học máy tính. Mọi chuyện cứ quay cuồng nên con phải rút hồ sơ để nộp vào ngành kinh tế ngân hàng. Con đã đủ điểm vào học ngành này nhưng vẫn bần thần vì không biết mình chọn ngành nghề ấy, trường ĐH ấy là đúng hay sai? Nếu mà được đĩnh đạc chọn trường để thi vào như mùa thi năm 2014, xin thưa, con không đặt bút xin xét tuyển vào cái ngành này, trường này. So với sức học của con và nhiều bạn khác, con thấy ngành này, trường này không phù hợp với mình.

Chúng con như những con chuột bạch
Thí sinh tranh nhau rút - nộp hồ sơ xét tuyển ở Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Nhưng vì sao mà tụi con và ba mẹ lại nháo nhào nộp hồ sơ chọn lựa ngành học vậy? Đó là vì hội chứng lây lan. Như chợ ngày không có rau, người ta tranh nhau mua cả rau già, rau sâu vì sợ mình không có phần. Có phần trước đã, sau đó ra sao thì tính sau. Không biết có bao nhiêu phần trăm hồ sơ điểm rất cao nộp vào các trường lớn nhưng con thấy những học trò có điểm vừa vừa như tụi con thì sẽ bị loại khỏi những trường này.

Phút cuối của ngày 20-8, cô ơi, tụi con buồn muốn khóc khi buộc phải đặt bút chọn học những ngành mà mình không hình dung được tương lai mình sẽ ra sao nữa. Tụi bạn con bảo “chúng mình đang mua quần áo “sida” trong đám lá tối trời”. Nhưng mà không mua thì không được, chí ít cũng phải có một “vé” vào trường công lập để mở mày mở mặt với người ta. Chỉ có những người ra quyết định tuyển sinh kiểu này là ác cô nhỉ. Họ thả tụi con nổi dập dềnh, tự bơi, tự cứu, tự hít, tự thở...

Bỗng dưng con nghĩ đến một điều cô ạ. Con phải tự cứu mình trước khi được điểm chuẩn cứu thôi. Con sẽ không học cái ngành, cái trường mà con đã chọn hôm nay. Chờ xét tuyển đợt hai, đợt ba, đợt bốn con sẵn sàng chọn học một trường dân lập uy tín có ngành mình thích để được là mình suốt mấy năm học dài. Còn cái chuyện có trở lại kiểu thi như ngày xưa hay không thì con không quan tâm nữa, lỡ làng hết rồi cô ơi...

Nói vậy thôi, con vẫn mong trở lại cái cách chọn trường để thi vào cho các em học sau tụi con được nhờ. Mình được chọn trường để thi vào bao giờ cũng tự tin và chuẩn bị tốt hơn. Đặc biệt là sẽ không có những người “chết oan do sợ hết vé lên tàu” như tụi con hôm nay. Chưa bao giờ con thấy chuyện học hành, thi cử lại bơ phờ, xơ xác đến vậy. Con mong sau cơn mưa trời lại sáng cho ngành giáo dục Việt Nam mình. Cô có đồng ý với con không? Đồng ý cô nhé. Con sẽ học để được viết như cô chứ dứt khoát không theo xu hướng chọn một ngành kinh tế để có điểm chuẩn phù hợp như hôm nay.

Cô hãy đặt cho con một ngôi sao may mắn trong các kỳ xét tuyển sau, cô nhé!

Đoàn Văn Tâm, học sinh Trường THPT Sào Nam, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam:

Đại học đâu phải con đường duy nhất vào đời

Khác với những bạn học sinh khác đang tất bật, lo lắng đăng ký vào các trường ĐH, cháu đang rất thảnh thơi để chuẩn bị nhập học vào một trường CĐ về du lịch. Có lẽ đây là quyết định “dở hơi” trong mắt của nhiều người nhưng với cháu lại rất phù hợp và vừa với khả năng của mình.

Cả năm qua, bạn bè và cả thầy cô của cháu ở trường cứ bàn nhau về các trường ĐH. Có bạn thích trường kinh tế, có bạn muốn vào ngành y hoặc ngành hàng không... dù chẳng biết các trường đó đào tạo như thế nào, ra trường làm gì và có phù hợp với sở thích và khả năng của mình hay không. Nhiều bạn cho biết những ngành mà bạn ấy thi đều do gia đình quyết định. Bản thân các bạn ấy chẳng thích những ngành học đó.

Cháu có chút ít năng khiếu về buôn bán, về khách sạn nên cháu chọn ngành này. May mắn là gia đình ủng hộ quyết định này của cháu. ĐH đâu phải là con đường duy nhất để vào đời. Khi chọn một cái nghề, ít nhất ta phải yêu thích nó và sống với nó lâu dài.

Ông Trần Gia Minh, ngụ quận 6, TP HCM:

Hao tổn thời gian, tiền bạc, sức khỏe

Con tôi thi được 24 điểm. Những ngày qua, cha con tôi phải bỏ công ăn việc làm, ngày nào cũng ngồi chầu chực trên máy tính để tính toán, canh điểm, rồi chạy lên các trường để chỉ nộp - rút hồ sơ, hết Trường ĐH Mở TP HCM rồi đến Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Áp lực, căng thẳng và mệt mỏi khi điểm của con ở trong tình trạng nguy hiểm và trước quyết định có nên rút hồ sơ không, nên đổi nguyện vọng hay chuyển sang trường khác... Cả nhà nháo nhào, bơ phờ còn con tôi cũng ngơ ngơ, ngẩn ngẩn.

Hồi trước thi ĐH, thí sinh suy nghĩ kỹ rồi chọn trường hợp sở thích và năng lực, rớt là do trèo cao, không lượng sức mình. Còn bây giờ, có điểm rồi đăng ký trường, tưởng an toàn nhưng đầy may rủi, thang điểm thay đổi chóng mặt từng giờ, từng ngày. Thời gian, tiền bạc, sức khỏe, tinh thần đều hao tổn quá sức tưởng tượng. Đây là cuộc đua về điểm số chứ không tính đến ước mơ, nguyện vọng, sở trường... của học sinh.

Khi \'trẻ con chơi trận giả, Bộ GD đánh trận thật\'

Trẻ con chơi trận giả trong khi Bộ Giáo dục thì chỉ biết chơi trận thật, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên loạn là đương nhiên. Có thể nói sự loạn này là một dàn đồng ca được hợp xướng bởi cả 2 bên: Bộ Giáo dục và thí sinh.

Chúng ta đều biết người Việt học giỏi nhưng có 2 thứ ta kém là làm kinh tế và giáo dục.

Hãy nhìn vào cảnh tượng hỗn loạn trong việc rút và nộp hồ sơ vào đại học theo nguyện vọng của thí sinh mấy ngày qua đặt ra vô số câu hỏi hóc búa.

Sự hỗn loạn cũng bắt nguồn từ đó, chứ không chỉ từ sự bất hợp lý hiện tại của cơ chế và cách thức tuyển sinh. Chỉ vì mấy cành hoa anh đào mà người Nhật mang sang trưng bày còn khiến đám đông nhỏ trở thành hỗn loạn khi tranh nhau chụp ảnh và ngắt hoa, huống hồ đây còn là chuyện đại sự cả đời.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Nếu như các chàng trai cô gái 18 tuổi kia hiểu và nhận thức được thế nào là nghề nghiệp và thế nào là đam mê và thế nào là sự văn minh trong việc đấu tranh thì mọi chuyện đã khác.

Nếu như chưa cần tới Bộ Giáo Dục mà các cha mẹ hướng nghiệp cho con thay vì chỉ tung một cục tiền cho con học và thi thì các rủi ro hay sai lầm khi đăng ký trường và ngành sẽ được giảm thiểu. Có ai để ý kỹ càng chuyện đó đâu.

Hãy thử xem: Bộ Giáo Dục có hẳn một cơ quan là Cục Công nghệ Thông tin nhưng có vẻ như trong thời đại này bộ không khoái món này lắm mà lại chơi trò thủ công và đánh đố. Có vẻ như họ đã không hề lường trước được kịch bản của sự hỗn loạn như hiện nay. Trẻ con chơi trận giả trong khi Bộ Giáo dục thì chỉ biết chơi trận thật, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên loạn là đương nhiên.

Có thể nói sự loạn này là một dàn đồng ca được hợp xướng bởi cả 2 bên: Bộ Giáo dục và thí sinh.

Còn các trường thì ngơ ngác.

Họ đã không được nắm giữ và chơi vai trò đáng lẽ phải là nhạc trưởng của mình. như là ở Mỹ và Singapore chẳng hạn.

Người ta nói tới chuyện rút nộp hồ sơ đại học theo nguyện vọng của thí sinh hiện nay như là trò chơi chứng khoán vậy. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đúng là bởi câu chuyện ngành và trường cần được làm lại: không phải một trường có thể nộp 4 ngành mà cần phải 1 ngành được nộp nhiều hay tất cả các trường.

Tức là thí sinh cần được chọn ngành trước khi chọn trường.

Tuy nhiên điều đó là chưa đủ vì suy cho cùng nó cũng chỉ mang tính chất vật lý mà thôi. Gốc gác của vấn đề là làm sao thí sinh phải được trợ giúp để tìm được ngành phù hợp và vai trò độc lập tự chủ của các trường trong việc tìm học sinh đúng và tốt nhất cho mình. Một khi 2 bên này tiến sát được với nhau và gặp nhau được thì cảnh tuyển sinh hỗn loạn như mấy hôm nay đã không xảy ra. Và lúc đó ta chẳng cần chỉ trích ca thán các sếp giáo dục làm gì cả.

Tại Mỹ hệ thống Common App là một cơ chế cực hiệu quả được tạo ra bởi chính các trường mà thí sinh chỉ cần khai và nộp online duy nhất một bộ hồ sơ và nó đến được với tất cả các thành viên của khối liên minh Common App này. Công nghệ thông tin trong trường hợp này phục vụ con người vô cùng đắc lực trong việc lọc và tuyển được học sinh phù hợp với trường của mình.

Trong khi chưa thể tạo ra các kỳ thi độc lập của bên thứ 3 để thí sinh có thể thi bất kỳ lúc nào, miễn là thấy đủ khả năng, thì Bộ Giáo dục của ta cần học tập Mỹ trong trường hợp này : giao quyền cho các trường tạo ra một hệ thống Common App tương tự như Mỹ.

Vòn 2 điều nữa cần làm để xóa bỏ sự hỗn loạn trên trận địa giáo dục vào đại học này:

1. Phân nhánh học sinh vào đại học và cao đẳng nghề ngay từ sớm lúc các em kết thúc lớp 10 hay lớp 11. Chỉ những em học sinh giỏi (30 %) nên học nốt một năm trung học phổ thông và sau đó theo đuổi con đường vào đại học (theo ngành ). Số còn lại (70% và chiếm phần lớn) nên được phân luồng vào học nghề tại các cao đẳng nghề. Tức là đại học không phải là con đường duy nhất bước vào đời của các em.

2. Cần gấp rút thành lập bộ phận tư vấn và hướng nghiệp cho các em vào đại học tại tất cả các trường trung học phổ thông. Đây là các thầy cô có kinh nghiệm và hiểu biết trong nhà trường, sát cánh với các em và hiểu các em hơn chính bản thân các em hiểu mình.

Lúc đó thì tự khắc các vấn đề mà chúng ta đang gặp hiện nay về bản chất chỉ là các khó khăn cơ học mà thôi.

Và không nhất thiết phải khóc hay chỉ trích ai cả.

Theo:

  • Người lao động, tin gốc: http://nld.com.vn/ban-doc/chung-con-nhu-nhung-con-chuot-bach-20150821225638552.htm
  • Vietnamnet, tin gốc: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/257742/khi--tre-con-choi-tran-gia--bo-gd-danh-tran-that-.html