Chưa quyết định được nên chọn ngành nào, trường nào

Một nữ sinh hoà nhịp với một bài hát vui nhộn tại khu trưng bày học viện chính sách và phát triển- Ảnh: Nguyễn Khánh

Phần lớn học sinh nôn nóng muốn giơ tay hỏi trực tiếp vì sợ gửi qua phiếu không tới lượt được tư vấn. Có những học sinh mạnh dạn trao đổi lại với các thầy nhiều lần để có thể hiểu rõ nhất những điều mình muốn hỏi.

Có kết quả thi thì các em mới phải đăng kí ngành, trường

Một học sinh ở một trường TOP đầu ở Hà Nội làm nhiều học sinh khác cười ồ vì cách trình bày theo phong cách rất teen“: Em không định “chém” đâu, nhưng em đã thi thử nhiều và có điểm thi rất cao. Nhưng với quy định mới năm nay, liệu em muốn đăng kí xét tuyển theo hai khối vào 2 trường ĐH Bách Khoa HN và ĐH Y Hà Nội, nhưng trường hợp em nộp hồ sơ vào trường này, lại muốn rút sang trường kia thì có được không?"

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội giải thích rõ về 4 phiếu chứng nhận cấp cho thí sinh, trong đó có phiếu số 1 sử dụng để xét tuyển NV1. Nếu trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển bổ sung nhưng  thí sinh hoàn toàn có thể rút hồ sơ để chuyển nguyện vọng nếu thay đổi ý định.

Chia sẻ thêm, PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng vụ GD Đại học.- Bộ GD-ĐT cho biết “chúng tôi đang nghiên cứu để có thể áp dụng phương án cho thí sinh đăng kí nguyện vọng qua mạng và khi thay đổi các em cũng có thể đăng kí lại qua mạng. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh ở xa không có điều kiện trực tiếp đến trường”.

Khá nhiều học sinh Hà Nội cũng có tâm tư như bạn học sinh trên khi dự đoán kết quả thi của mình cao, nhưng hiện vẫn chưa thể quyết định nên vào ngành nào, trường nào.

Trao đổi về điều này, các thầy trong ban tư vấn đều cho rằng các em nên lựa chọn theo đam mê của mình. Tuy nhiên đam mê có thể không được “ nhận diện” ngay, nên các em hãy tìm hiểu về đặc trưng của ngành nghề, môi trường làm việc và đặc biệt là yêu cầu đào tạo của các trường để lựa chọn.

Theo PGS-TS Trần Anh Tuấn thì một trong những lợi thế của kì thi năm nay là thí sinh không phải đăng kí dự thi vào các trường, ngành trước. Sau khi có kết quả thi thì các em mới phải đăng kí ngành, trường. Vì thế thí sinh sẽ hạn chế tình trạng bị “ trượt oan” do chọn nhầm ngành, trường.

Thí sinh năm nay có thiệt hơn năm ngoái?

Khu tư vấn nhóm ngành kinh tế, báo chí, luật , khoa học xã hội và nhân văn, công an, quân đội… bất ngờ “nóng” với những câu hỏi từ phía phụ huynh.

“Mọi năm các cháu thi bao nhiêu khối sẽ có bấy nhiêu nguyện vọng 1. Vậy nếu con chúng tôi thi các môn đủ để tổ hợp thành nhiều khối có được xét nhiều nguyện vọng 1 vào các trường khác nhau không?”- một phụ huynh đặt vấn đề.

Đáp lại băn khoăn này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa khẳng định với quy định xét tuyển mới dù thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường , nhưng sẽ được đăng ký tối đa đến bốn ngành khác nhau trong cùng trường. Quan trọng hơn, trong đợt xét tuyển thứ nhất, thí sinh được thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ khi xem xét điểm thi thực thực tế không “khả quan” trong xét tuyển nguyện vọng đã đăng ký.

Lo “ tự luân tiếng Anh”

Một số thí sinh bày tỏ lo lắng với phần thi tự luận trong đề thi THPT quốc gia năm nay vì các em “ chỉ quen luyện thi trắc nghiệm trong khi Bộ GD-ĐT lại quyết định thi viết quá muộn”.

PGS TS Trần Anh Tuấn cho rằng các em thí sinh không phải quá lo lắng, hoang mang về việc này, vì định hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT đã tính đến việc không gây xáo trộn cho học sinh. Vì thế đề thi sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH CĐ năm trước. Riêng môn thi Ngoại ngữ có phần thi viết nhưng sẽ không  yêu cầu quá cao, nằm ngoài khả năng và những gì các em đã được học ở chương trình THPT.

Ths Lê Quốc Hạnh,  Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Hà Nội cho biết thêm, những thí sinh muốn dự thi vào các ngành mà tổ hợp môn thi có môn Ngoại ngữ, nhất là các ngành đào tạo ngôn ngữ như ở trường ĐH Hà Nội thì môn Ngoại ngữ phải được coi trọng, cả phần trắc nghiệm và phần viết. Vì sự cạnh tranh sẽ cao, những thí sinh có trình độ ngoại ngữ không tốt sẽ khó có cơ hội thi đậu.

Yên tâm với “Tuyển sinh riêng”

Chia sẻ cặn kẽ về phương án tuyển sinh 2015 riêng của ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Sái Công Hồng, Giám đốc trung tâm khảo thí của ĐHQGHN khiến các em học sinh yên tâm khi cho rằng các thí sinh không cần tập trung về Hà Nội mà có thể dự thi ở các điểm thi ở các địa phương khác, kết quả xét tuyển được xem xét công bằng như nhau. TS Hồng cũng cho biết các em học sinh tham gia kì thi  riêng của ĐHQGHN vẫn có cơ hội tham dự kì thi THPT quốc gia để có thêm cơ hội sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường khác.

Kịch tính….với trò chơi  để “gỡ rối tâm lý”

hác với những buổi tư vấn tuyển sinh trước, lần này tại khu vực Gỡ rối hướng nghiệp - Chọn lối vào đời, Tâm lý và sức khoẻ mùa thi đã mở màn bằng một trò chơi mang tính tương tác cao.

Các em học sinh tham gia trò chơi có 3 lần mở mắt ném thử phi tiêu vào bảng và 3 lần mở mắt, ném trúng hồng tâm sẽ nhận được một cuốn sổ quà từ Ban tổ chức. Bạn nào cũng thấy khó khăn vì không được nhìn mà phải ném trúng hồng tâm.

Trò chơi ném phi tiêu là một ẩn dụ của TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Thầy giải thích: “Trong cuộc sống, muốn làm một việc gì mà không xác định được mục tiêu thì không bao giờ đi tới đích. Nếu như không có sự chuẩn bị, các em cũng khó có thể gặp được may mắn trong nghề nghiệp tương lai.”

Học sinh giỏi quốc gia…lo bị thiệt thòi

Khá nhiều học sinh  đứng lên hỏi trực tiếp  với các thầy trong ban tư vấn về quy định tuyển thẳng. Nhiều em tỏ ra thất vọng khi được biết việc sử dụng quyền tuyển thẳng vào một ngành nào đó còn lệ thuộc vào nguyện vọng của mỗi trường.

GS-TS Nguyễn Hữu Tú cho biết các ngành đào tạo như Bác sĩ đa khoa, nha khoa là những ngành có sự cạnh tranh quá lớn nên khó sử dụng quyền tuyển thẳng để vào. “Trường ĐH Y HN chỉ có thể cho phép áp dụng quy định ưu tiên xét tuyển với những ngành này, tối đa có thể được cộng thêm 3-4 điểm đối với thí sinh đoạt giải trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Còn nếu muốn tuyển thẳng, các em cần phải có giải Olympic quốc tế, khu vực".

Bày tỏ lại với các thầy có em học sinh đã nói như vậy các em rất thiệt thòi vì đã dốc sức cho kì thi chọn học sinh giỏi, trong khi bây giờ để đỗ vào một ngành mình mong muốn, lại phải dự thi nếu không được tuyển thẳng.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150315/niem-vui-khong-at-duoc-noi-lo-thi-cu/720761.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đại học, kỳ thi THPT quốc gia