Trước một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ nhằm tránh lãng phí thời gian và giảm tốn kém cả về sức lực và tiền bạc cho xã hội, gia đình và thí sinh, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng đó là những ý kiến chưa thấu đáo, chưa nhìn nhận được những mất mát lớn mà gia đình, xã hội phải gánh chịu khi bỏ một trong hai kỳ thi này.

Cần nhìn nhận đúng quan điểm

Theo GS Hạc, xã hội và cả ngành giáo dục cần phải nhìn nhận lại cho đúng quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây không phải kỳ thi phân loại học sinh mà là kỳ thi kiểm tra, đánh giá chất lượng ở mức trung bình, cứ học sinh ở học lực trung bình là có thể đạt được. Còn kỳ thi ĐH, CĐ là tuyển sinh, lựa chọn học sinh theo chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ và chỉ tiêu của các nước đối với các bậc đại học, vì vậy, đối tượng được tuyển chọn phải là học sinh khá, giỏi.

Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ còn tính đến nhu cầu của thị trường lao động, việc làm ở mọi địa phương, vùng miền. Do đó, mục đích của 2 kỳ thi này là hoàn toàn khác nhau. Việc bỏ 1 trong 2 kỳ thi này đều gây nên những tổn thất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. ''Phải coi học sinh cũng giống như các vận động viên vậy, có qua nhiều lần "thi đấu, cọ sát" thì mới trưởng thành, khôn lên. Nay ít thi cử, tập dượt thì lấy đâu ra áp lực để “học hay"? Con người đạt đến trình độ phát triển như ngày nay là cũng phải trải qua một quá trình đòi hỏi đánh giá và kiểm tra" - ông Hạc cho biết.

Vì vậy, GS Hạc cho rằng việc bỏ bớt kỳ thi có thể khiến nhiều học sinh dần dà nảy sinh tâm lý chủ quan, thờ ơ với chuyện học hành. Trong lịch sử, nhiều trường đã bỏ thi cử song sau đó đều phải quay lại, vì không có chuẩn khách quan để đánh giá, phân loại cũng như động lực thúc đẩy học sinh học tập. Thi cử không chỉ là để đánh giá, mà còn để áp đặt các chuẩn mực cần thiết lên cả hành vi dạy của thầy giáo và hành vi học của trò. Mặt khác, trình độ THPT của học sinh tại các vùng, miền nước ta rất khác nhau, trong khi đó thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức theo chương trình phổ thông cơ bản, tiêu chí đánh giá chất lượng đại trà, vì vậy việc đạt điểm cao đôi khi chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ - thay vì lực học thực chất. Do đó, không thể lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm chuẩn tuyển vào ĐH, CĐ. >> Điểm thi tốt nghiệp 2013

Không thể so sánh nước ta với thế giới

GS Hạc cho biết hiện nay, ngành giáo dục VN chưa thể áp dụng mô hình này như các nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ.... được; bởi họ làm nghiêm chỉnh, phân luồng rõ ràng ngay từ những cấp học dưới. Đơn cử, tại Anh, các trường THPT chỉ dừng ở lớp 10, còn 2 lớp tương đương với lớp 11, 12 của VN được gọi là 2 lớp ở trình độ A.

Cuối mỗi năm học, các học sinh phải tham dự các kỳ thi do bộ giáo dục ra đề chung và chấm thi theo một barem điểm (thang điểm) chung. Quá trình thi kéo dài suốt 1 tháng, có tuần thi tới 4 lần và mỗi môn thi đều thi lại nhiều lần. Vì vậy, học sinh phải học thực sự nghiêm túc, có lực học thực sự mới có thể qua được những kỳ thi này. Sau đó, các trường ĐH , CĐ mới tuyển sinh viên dựa trên kết quả thi này của học sinh. Còn Đức phân luồng trình độ học sinh ngay từ những năm lớp 6; giáo dục Pháp phân luồng vào lớp 7 và cũng áp dụng những phương pháp thi cử chặt chẽ, nghiêm túc.

Trong khi đó, ở VN có đến 83% học sinh được vào học hệ lớp 10. Để làm được như những nước trên, ngành giáo dục VN cần phải có lượng giáo viên nhiều hơn cả về chất lẫn lượng, cơ sở vật chất tốt hơn, thiết bị học nhiều hơn.... Hiện ngành giáo dục VN chưa thể thỏa mãn được những yếu tố này, do đó chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi tuyển sinh  ĐH, CĐ được.

GS Hạc cho rằng giáo dục VN nên chỉ dừng ở mức 9 năm học bắt buộc, sau đó phân luồng theo tỉ lệ 70-30 (cứ 100 học sinh thì chỉ có 70 học sinh được vào THPT và 30 học sinh theo học giáo dục thường xuyên), rồi tiến đến 50-50 cho hệ 3 năm THPT. Bên cạnh đó, cần thay đổi chương trình sách giáo khoa từ lớp 1-9 sao cho không quá nặng và dàn trải như hiện nay. Ngoài ra, cần cải tạo tâm lý cho xã hội. “Trước tiên là cần giác ngộ - hay còn gọi là tư vấn tâm lý, hướng nghiệp từ rất sớm cho học sinh, ngay từ bậc THCS.

Ở ta hiện nay, có tới hơn 80% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, trong khi chỉ có hơn 10% học nghề hoặc tham gia lao động. Như vậy, vô hình trung gây sức ép quá lớn lên bậc THPT và tạo nên “nút thắt cổ chai” ở kỳ thi đại học” - GS Hạc đánh giá. Tuy nhiên, GS Hạc cho rằng đây là vấn đề phải làm thực sự và làm một cách kiên trì, bởi đó hoàn toàn không phải là bài toán dễ giải.

 

Thông tin cần biết:

Kênh tuyển sinh: Nguồn lao động