Thí sinh hoang mang với thay đổi quy định xét tuyển 2015

Sau khi các phương tiện thông tin truyền thông đăng tải thông tin về việc Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT)điều chỉnh tiêu chí môn ngoại ngữ xét tốt nghiệp, không ít phụ huynh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Bởi, đây là lần thứ hai, Bộ này thay đổi tiêu chí môn ngoại ngữ xét tốt nghiệp chỉ trong vòng 1 tuần khi dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về tiêu chí mà Bộ đưa ra. Chưa kể, trước đó, đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận nhầm lẫn trong công văn miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT 2015 ban hành ngày 10/10 khi giới thiệu nhầm đơn vị cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định miễn thi ngoại ngữ

Ngày 17/10, Bộ GD-ĐT công bố 12 loại chứng chỉ của 6 môn Ngoại ngữ bao gồm Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc sẽ được công nhận để xét tốt nghiệp THPT 2015 theo yêu cầu cụ thể từng mức điểm hay khung điểm của mỗi loại chứng chỉ này. Việc miễn thi môn ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng do các trường đại học, cao đẳng quyết định và công bố. Thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để biết và thực hiện. Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể việc miễn thi môn ngoại ngữ.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong những năm trước mắt, đề thi môn ngoại ngữ bảo đảm phù hợp với chương trình bộ môn hiện hành (học trong 7 năm học) nên yêu cầu năng lực tương ứng bậc 2, khung 6 bậc Việt Nam, tương đương A2, khung tham chiếu Châu Âu. Các năm sau, học sinh học chương trình 10 năm, đề thi sẽ yêu cầu năng lực bậc 3, khung 6 bậc Việt Nam, tương đương B1, khung tham chiếu Châu Âu.

Thí sinh hoang mang với thay đổi chóng mặt kỳ thi quốc gia 2015

Hoang mang với thay đổi chóng mặt quy định miễn thi ngoại ngữ 2015

Với tiêu chí đó, đại diện Bộ GD-ĐT giải thích, trình độ được miễn thi mới chỉ tương đương với bậc A2 theo khung tham chiếu châu Âu. Lúc đầu, Bộ dự kiến để mức tương đương với trình độ ngoại ngữ B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Tuy nhiên, để đạt trình độ B1, học sinh phải được học chương trình ngoại ngữ 10 năm, trong khi đó hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT hiện mới được học chương trình 7 năm nên nếu quy định chứng chỉ tương đương với trình độ B1 thì hơi cao. Hơn nữa, việc công nhận này chỉ được thực hiện trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh có nguyện vọng. Còn việc miễn thi môn ngoại ngữ ở mức độ nào trong xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ do các trường quyết định và công bố.
Tuy nhiên, đối với các giáo viên, việc miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT chỉ dành cho những đối tượng hẹp, có thành tích đáng được công nhận chứ không phải áp dụng đại trà. Vì vậy, đối tượng được hưởng chính sách này phải đạt trình độ cao hơn mà Bộ đã xác định là A2 với học sinh học chương trình ngoại ngữ 7 năm.

Còn một số chuyên gia đào tạo ngoại ngữ cho rằng, các chứng chỉ quốc tế chỉ có ý nghĩa nếu đạt trình độ trung cấp, tức từ B1 trở lên. Như vậy, để miễn thi tốt nghiệp THPT, học sinh ít nhất phải đạt IELTS 5.0 điểm (hoặc tương đương) trở lên mới xứng đáng. Nếu công nhận ở mức thấp hơn sẽ có tác dụng ngược, phá vỡ nỗ lực dạy và học tiếng Anh bậc phổ thông. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế, trình độ ngoại ngữ chung của học sinh cả nước, không nhiều học sinh đáp ứng được trình độ như Bộ GD-ĐT yêu cầu để được miễn thi ngoại ngữ.

Trước ý kiến trái chiều của dư luận, chiều 22/10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, mức điểm chứng chỉ ngoại ngữ để được công nhận xét miễn thi tốtnghiệp THPT 2015 sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên để đảm bảo “an toàn”. Tiêu chí đặt ra được nâng lên cũng đồng nghĩa việc số lượng được miễn thi môn Ngoại ngữ sẽ không nhiều, học sinh buộc phải có thành tích đáng được công nhận chứ không phải áp dụng đại trà.
Còn về phía phụ huynh, một số người lại thấy tiếc. Bởi nếu con em họ đã đạt chứng chỉ đó thì việc thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ lại là một thế mạnh giúp các em hỗ trợ điểm cho các môn thi không phải là lợi thế.

Việc “siết chặt” điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ của Bộ không chỉ khiến dư luận bất ngờ mà có lẽ điều này cũng phản ánh đúng thực tế chất lượng dạy ngoại ngữ tại các trường THPT hiện nay như câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trước Quốc hội sáng 11/6/2014: “Trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, chúng tôi đã khảo sát các môn học, bậc học, trong đó có môn ngoại ngữ, thì thấy rằng cách dạy, học, thi của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu theo khu vực và thế giới. Học sinh học chủ yếu ngữ pháp do đó khi học hết phổ thông cũng không nói ngoại ngữ được, nghe người nước ngoài nói cũng không hiểu hết, nên phải thay đổi. Các thầy cô giáo dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông chưa đạt chuẩn nên chúng tôi phải điều chỉnh lại môn này”.

Theo KTĐT, http://www.ktdt.vn/xa-hoi/giao-duc/2014/10/81027F6C/chong-mat-voi-nhung-thay-doi-siet-chat/